Giải trí

Những tình khúc để đời của nhạc sĩ Phú Quang, 'Em ơi Hà Nội phố' mãi là kinh điển

Nhạc sĩ Phú Quang vừa qua đời sáng nay (8/12) khiến những người yêu mến ông bàng hoàng thương tiếc.

Nhạc sĩ Phú Quang vừa qua đời vào 8h45 sáng nay (8/12) tại Bệnh viện Việt Xô sau gần 2 năm trị bệnh. Thông tin khiến nhiều nhiều người hâm mộ bàng hoàng, thương tiếc người nhạc sĩ tài ba.

Nhắc đến Phú Quang, người ta nhắc đến người nhạc sĩ đa tình, đa cảm, dễ rung động với hình ảnh “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố” và những ca khúc lãng đãng buồn đi qua cuộc đời mộng mơ của nhiều thiếu nữ…

Những tình khúc để đời của nhạc sĩ Phú Quang, 'Em ơi Hà Nội phố' mãi là kinh điển

Hãy cũng lắng nghe lại những nhạc phẩm kinh điển của cố nhạc sĩ Phú Quang.

Em ơi Hà Nội phố

Trong chương trình Quán Thanh Xuân vừa lên sóng hôm 4/12, nhạc sĩ Phú Quang đã có dịp chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của ca khúc kinh điển nhất sự nghiệp của ông - “Em ơi, Hà Nội phố”.

Ông cho biết sau khi vào TP.HCM sống được nửa năm, ông ngày càng nhớ Hà Nội. Trong một buổi gặp gỡ ở TP.HCM, nhà thơ Phan Vũ đọc cho Phú Quang nghe bài thơ "Em ơi, Hà Nội phố" gồm 443 câu thơ chia thành 24 đoạn và chỉ hai ngày sau đó, một số ca từ trong bài thơ đã được Phú Quang viết thành ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố”. Nhạc phẩm nổi tiếng này đến nay luôn làm lòng người da diết buồn và nhớ Hà Nội, nhớ mùa Đông của mảnh đất này.

Ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố” được rất nhiều ca sĩ thể hiện thành công như Tuấn Ngọc, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam, Bằng Kiều...

Đâu phải bởi mùa thu

Xuất phát từ những ý thơ trong bài thơ “Yên tĩnh” của nhà thơ Giáng Vân, nhạc sĩ Phú Quang đã sáng tác nên một bản tình ca bất hủ mang tên “Đâu phải bởi mùa thu”. Đây ca khúc về mùa thu của nhạc sỹ Phú Quang được yêu thích nhất

Mùa thu đẹp nhưng buồn, những chiếc lá vàng rơi xuống là biểu tượng của mùa thu nhưng có đôi khi lá vàng rơi cũng chẳng phải do mùa thu, mùa nào cũng có cái niềm riêng, thế nên mới có “Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu”. Phú Quang là vậy, trong nỗi buồn sâu lắng vẫn ánh lên niềm tin yêu trong cuộc sống, thúc giục người ta cố gắng kiếm tìm những khoảng trống trong tâm hồn để lấp đầy nó bằng niềm tin mãnh liệt.

Cho đến nay, trải qua những thăng trầm thời gian, những giai điệu mượt mà, sâu lắng của “Đâu phải bởi mùa thu” đã trở thành một trong những tình khúc bất hủ của nhạc sĩ Phú Quang.

Điều giản dị

Đây là ca khúc vô cùng đặc biệt bởi nó được nhạc sĩ Phú Quang viết dành riêng cho nghệ sĩ Lê Khanh.

Trong một đêm nhạc, Phú Quang từng tiết lộ: “Tôi đã nói thẳng với đạo diễn Phạm Việt Thanh rằng, ca khúc Điều giản dị là tôi viết về Lê Khanh đấy. Nhưng không phải bởi tình yêu mà tôi lấy cảm hứng từ sự xúc động trước vai diễn của cô cùng câu chuyện tình trong bộ phim Có một tình yêu như thế”.

Cố nhạc sĩ tiết lộ thêm: "Lúc ấy tôi xem hình ảnh Lê Khanh đi qua rừng bạch đàn ở Vĩnh Phúc - những giọt nắng xuyên qua tán bạch đàn nhảy nhót trên người. Tôi mới nghĩ ra câu: “Dịu dàng hạt nắng đùa nhẹ trên áo”. Cộng với khuôn mặt rất thánh thiện của Khanh khi ngước lên nhìn bầu trời, tôi liền viết tiếp: “đôi môi em gọi bao khát khao, mắt em vời vợi, đăm đắm trời cao”. Tuy nhiên, nhạc sĩ tài ba cũng khẳng định giữa mình và Lê Khanh không tồn tại cái gọi là tình yêu.

 Mơ về nơi xa lắm

Năm 1989, nhạc sĩ Phú Quang đưa gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp. Ông đã thành danh ở cái thành phố sôi động này. Nhưng càng xa Hà Nội, Phú Quang càng yêu thêm Hà Nội.

Ông xúc động tâm tình với bạn bè: “Tôi có lúc ghen tỵ với những người Hà Nội vì họ không phải đem theo nỗi nhớ Hà Nội ra đi. Nhưng sau này tôi mới hiểu, chỉ đi xa, mình mới hiểu mình yêu đất ấy như thế nào”. Có lẽ luôn “Mơ về nơi xa lắm” nên năm nào khi “nghe đài báo gió mùa Đông Bắc” thì Nỗi nhớ mùa đông” Hà Nội trong ông lại trào dâng.

"Một Hà Nội ngây ngất nắng/ Một Hà Nội run run heo may" - nỗi nhớ Hà Nội được nhạc sĩ thể hiện qua từng câu hát. Ông đã từng tuyên bố: “Tình yêu giữa tôi với Hà Nội là một thứ tình yêu không thể ly dị được”.

Nỗi nhớ mùa đông

Nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ ông bắt gặp bài thơ Không đề gửi mùa đông của Thảo Phương trong tập thơ được nữ thi sĩ tặng. Vì yêu thích những câu thơ, ông đã viết thêm ca từ tạo nên ca khúc hoàn thiện - Nỗi nhớ mùa đông. Bài hát ra đời khi Phú Quang đang ở Sài Gòn, lòng da diết nhớ quê hương, Hà Nội, nhớ người thân, bạn bè, nhớ về mùa đông xứ Bắc.

Nỗi nhớ mùa đông kết hợp hoàn hảo lời thơ của Thảo Phương và ca từ, giai điệu của Phú Quang. Được khơi gợi cảm hứng từ những câu thơ “Dường như ai đi ngang cửa/ Hay là ngọn gió mải chơi?”, Phú Quang cho ra đời những câu hát tha thiết, đắm say: “Dường như ai đi ngang cửa /Gió mùa đông bắc se lòng/ Chút lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay cũng bỏ ta đi”.

Biển nỗi nhớ và em

ít ai biết rằng nguồn cảm hứng tạo nên tình khúc lãng mạn Biển nỗi nhớ và em được Phú Quang cho ra đời ở Vũng Tàu năm 1986, khi đọc được bài "Thơ viết ở biển" của nhà thơ Hữu Thỉnh.

Nhạc sĩ Phú Quang tiết lộ: “Ông viết “Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn, Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím”, những câu từ mạnh mẽ ấy nếu đi vào lời hát sẽ trở thành thô bạo. Tôi đã sửa lại thành: “Gió âm thầm không nói mà sao núi phải mòn. Em đâu phải là chiều mà nhuộm anh đến tím”.


Nguồn video: Youtube

TH (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/nhung-tinh-khuc-de-doi-cua-nhac-si-phu-quang-em-oi-ha-noi-pho-mai-la-kinh-dien-tintuc800215