Giải trí

Những tiết lộ đáng sợ về nhà tù Mỹ qua phim ảnh

Các bộ phim Mỹ chủ đề tội phạm đã dựng lên cuộc sống trong tù với nhiều mặt tối đáng sợ.

Các bộ phim Mỹ chủ đề tội phạm đã dựng lên cuộc sống trong tù với nhiều mặt tối đáng sợ.
Tội phạm là một trong những đề tài quen thuộc trong các bộ phim Mỹ nổi tiếng, chính vì vậy bối cảnh nhà tù được nhiều nhà làm phim lựa chọn lột tả. Dù được thêm thắt nhiều yếu tố hư cấu nhằm tăng kịch tính, không thể phủ nhận rằng các bộ phim đã một phần phơi bày cuộc sống kinh hoàng trong nhiều nhà tù Mỹ. Dưới đây là những chi tiết quen thuộc khán giả thường thấy trong các nhà tù trên phim.

1. Quản tù ác quỷ

Một trong những điều đáng sợ nhất mà tù nhân trên phim phải đối mặt là các quản tù, lính gác độc ác. Sở thích của những nhân vật ác quỷ này là tra tấn, đánh đập dã man các tù nhân. Không chỉ vậy, tù nhân còn thường xuyên bị lăng mạ, sỉ nhục, thậm chí bị cưỡng bức. Hình tượng quản tù ác quỷ được sử dụng trong nhiều bộ phim kinh điển như The Shawshank Redemption hay The Green Mile.
 

Nhân vật phản diện Hadley trong The Shawshank Redemption.

 
 
Hiện tượng này hoàn toàn có thật ngoài đời. Không ít lần công chúng Mỹ phải phẫn nộ bởi tin quản tù đánh tù nhân đến chết. Năm 2015, 2 lính gác ở nhà tù Rikers Island bị buộc tội cưỡng bức một nữ tù nhân.

2. Tình trạng cưỡng dâm thường xuyên

Cưỡng dâm là vấn nạn của nhiều nhà tù Mỹ, không ngạc nhiên khi tình trạng này được các nhà làm phim lột trần trong các bộ phim tội pham. Loạt phim truyền hình OZ của đài HBO từng gây rúng động khi đề cập đến cuộc sống trong tù tràn ngập bạo lực và tình dục. Theo thống kê trung bình mỗi tập phim OZ có đến 6 cảnh cưỡng bức. Đây là điều không hề lạ lẫm trong nhiều bộ phim lấy bối cảnh nhà tù.
 
Loạt phim truyền hình OZ của đài HBO chứa nhiều cảnh cưỡng bức trong tù.
 
Điều đáng sợ hơn là các vụ cưỡng bức xảy ra khá dễ dàng, không bị ngăn cản hay trừng phạt bởi những người có công vụ. Những vụ cưỡng bức tập thể nghiêm trọng thường bị làm ngơ cho dù nạn nhân có báo cáo.

Tình trạng đời thực trong nhà tù không khác trong phim là bao. Theo số liệu công bố năm 2012, có 7% tù nhân thụ án ở hệ thống nhà tù Liên bang Mỹ báo rằng mình bị cưỡng bức nhiều lần và 21% báo thường xuyên bị quấy rối tình dục.

3. Bị bắt nạt, đánh đập

"Đại ca nhà tù" là một nhân vật không thể thiếu khi nhắc đến phim lấy bối cảnh trong song sắt. Đây là nhân vật có "máu mặt" nhất trong số các tù nhân, thường được những người khác nghe theo mệnh lệnh. Những kẻ phản kháng, tù nhân mới, tội phạm cưỡng bức trẻ em và giết người hàng loạt,... là những đối tượng thường bị hành hung tập thể vô cùng dã man.
 
Các tù nhân ẩu đả trong phim Cell 211.
 
Quyền lực trong tù là lý do nảy sinh nhiều vụ ẩu đả giữa các tù nhân. Khán giả không ít lần bắt gặp diễn biến các "đại ca" gây chiến, đánh giết nhau để thị uy trong phim.

4. Có thể bị giết

Phim Mỹ thường miêu tả cuộc sống trong tù với nhiều tội ác liên tiếp được diễn ra. Số lượng tù nhân đông đảo tỷ lệ nghịch với số lính gác khiến hệ thống quản lý lỏng lẻo. Các tù nhân yếu thế không chỉ thường xuyên bị bắt nạt mà còn có thể bị giết bất cứ lúc nào.
 
Cảnh trong loạt phim truyền hình đình đám Breaking Bad.
 
Việc giết người trong tù hoàn toàn không phải là tưởng tượng của các nhà làm phim để tăng phần hấp dẫn. Thực tế ngoài đời đã xảy ra nhiều vụ tù nhân bị giết bởi quản tù, bạn tù hoặc xô xát dẫn đến chết người. Năm 2005, báo chí Mỹ đưa tin một người đàn ông ở Missouri bị bạn cùng buồng giam bóp cổ đến chết khi chỉ mới vào tù được 2 ngày.

5. Nguy cơ bạo loạn cao

Bạo loạn trong các nhà tù trên phim thường khởi nguồn từ những vụ ẩu đả giữa các tù nhân, giữa quản tù và tù nhân. Hậu quả của các cuộc bạo loạn là gây ra sự phá huỷ nghiêm trọng cho các công trình của hệ thống nhà tù, nhiều tù nhân và lính gác thiệt mạng do sự tấn công ồ ạt của nhóm người hỗn loạn. Ngay cả những người không chủ đích tạo bạo loạn cũng hoàn toàn có thể bị thương, mất mạng oan uổng.
 

Cảnh trong phim OZ.

 
Nhà tù là nơi tập hợp nhiều tội pham nguy hiểm, có tiềm ẩn bạo lực và tâm lý bất ổn nên việc kích động bạo loạn là nguy cơ dễ nhận thấy. Ở đời thực, bạo loạn nhà tù đã nhiều lần khiến chính quyền các nước đau đầu, như vụ bạo loạn ở nhà tù Apodaca, Mexico năm 2012 khiến 44 người chết, 33 người bị thương. Hay bạo loạn ở nhà tù Northpoint, Kentucky, Hoa Kỳ năm 2009 khiến 80 tù nhân bị thương, 5 toà nhà bị phá huỷ.
 
>> Bên trong nhà tù diễn viên Minh Béo bị tạm giam ở Mỹ
 
Theo Emily (iOne.net)