Giải trí

'Nhà trắng thất thủ: Kẻ phản bội' - Mike Banning đã đến lúc nên giải nghệ

Một số khán giả có thể sẽ thông cảm cho vẻ mặt cau có của Mike Banning xuyên suốt “Nhà Trắng thất thủ: Kẻ phản bội” sau nhiều năm phụng sự Tổng thống và mắc chứng đau nửa đầu, tuy nhiên đây cũng là dấu hiệu để loạt phim mật vụ của Gerard Butler đi đến hồi kết cùng sự mệt mỏi và chán nản.

“Nhà trắng thất thủ: Kẻ phản bội” là bộ phim thứ 3 trong series “Nhà Trắng thất thủ” do Ric Roman Waugh đạo diễn, loạt phim xoay quanh công việc mạo hiểm của mật vụ Mike Banning (Gerard Butler thủ vai). Trong “Nhà Trắng thất thủ (2013)”, một bản sao của “Die Hard” kém hơn “Giải cứu Nhà Trắng” ở mọi khía cạnh ngoại trừ doanh thu phòng vé, Banning đã cứu tổng thống khỏi những kẻ khủng bố, và trong “London thất thủ (2016)” câu chuyện lặp lại. Bây giờ, với “Nhà Trắng thất thủ: Kẻ phản bội (2019)”, bị gài bẫy trong một âm mưu ám sát tổng thống, Banning phải tự cứu mình.

'Nhà trắng thất thủ: Kẻ phản bội' - Mike Banning đã đến lúc nên giải nghệ

Bỏ qua logic cần thiết về sự kết nối trong một series phim, “Nhà Trắng thất thủ: Kẻ phản bội” đã gạt phắt phần cũ sang một bên để viết một kịch bản hoàn toàn mới với một ngài Tổng thống mới. Trong khi “London thất thủ” của Babak Najafi được đánh giá là một trong những phim tệ nhất năm 2016 thì tác phẩm mới của Ric Roman Waugh đã có những cải thiện về bối cảnh và hành động.

Mở đầu bộ phim, Banning dường như đang chuẩn bị gác súng để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, anh được đề bạt vào vị trí giám đốc Sở Mật Vụ, trở về ngồi bàn giấy sau những năm tháng cống hiến hết mình cho nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống. Nhưng bản thân Banning thực sự chưa sẵn sàng, anh tự ví mình như chiến binh sư tử đầu đàn, luôn khao khát được chiến đấu và bảo vệ đất nước. Mặc dù thanh xuân bầu bạn với súng đạn đã khiến chàng mật vụ 49 tuổi phải đối mặt với chứng đau nửa đầu, mất ngủ và nguy cơ bị hủy hoại cột sống.

Trong một chuyến hộ tống Tổng thống Allan Trumbull (Morgan Freeman) đi câu cá, một vụ ám sát bất ngờ bằng máy bay tự lái của nhóm sát thủ đánh thuê - cầm đầu là tay bạn cũ Wade Jennings (Daniel Huston) đã quét sạch toàn bộ đội mật vụ, nhờ phản ứng nhanh của Banning mà Tổng thống may mắn sống sót, nhưng lại bị rơi vào tình trạng hôn mê sâu.

'Nhà trắng thất thủ: Kẻ phản bội' - Mike Banning đã đến lúc nên giải nghệ - 1

Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi mọi bằng chứng tại hiện trường đều khẳng định Banning là hung thủ. Dù cho chính anh là người đã cứu Tổng thống thoát nạn sau vụ tấn công đầu tiên. Một nhân viên FBI (Jada Pinkett Smith) kiên quyết lập trường kết tội Mike, đặc biệt sau khi xe áp giải anh đến phòng giam bị cướp tù nhân giữa đường.

Trong một diễn biến phi thực tế khác, Martin Kirby (Tim Blake Nelson) phó Tổng thống của Trumbull, lợi dụng hoàn cảnh để kêu gọi chiến tranh với Nga, vượt qua vị trí tạm thời được ủy quyền trong thời gian Tổng thống hôn mê.

“Nhà Trắng thất thủ: Kẻ phản bội” có một khởi đầu ổn, ⅔ còn lại thì đã trở thành motip quá quen thuộc với khá nhiều phim hành động, hình sự Hollywood, khi mà Banning vừa chạy trốn khỏi sự truy đuổi gắt gao của FBI, vừa phải chứng minh mình vô tội và hạ gục kẻ xấu. Câu chuyện tuyến tính không cung cấp cho khán giả quá nhiều lựa chọn để dự đoán phe phản diện. Phim không có những cú twist bất ngờ giữa nhịp điệu hành động dồn dập khiến khán giả phải ồ lên kinh ngạc.

'Nhà trắng thất thủ: Kẻ phản bội' - Mike Banning đã đến lúc nên giải nghệ - 2

Các nhân vật trong phim không để lại nhiều ấn tượng, ngoại trừ Butler đảm nhiệm vai nam chính, tên tuổi duy nhất có sức lôi cuốn và được khán giả kì vọng là Morgan Freeman thì đã dành quá nửa phim để nằm bất tỉnh trên giường.

Về cơ bản, “Nhà Trắng thất thủ: Kẻ phản bội” không có gì mới mẻ so với 2 phần phim trước, khi Gerard Butler không phải một gương mặt soái ca hút khách, và nhân vật Mike Banning cũng không có một cá tính đặc sắc, ngoại trừ đạo đức nghề nghiệp và sự trung thành tuyệt vời với chính phủ, nội dung vẫn chỉ là những cuộc giải cứu đầy tiếng súng đạn. Một bộ phim giải trí nhưng lại khá thiếu tính giải trí, Mike Banning xuất hiện trên màn ảnh với một gương mặt già nua, đầy nếp nhăn, nhưng quan trọng là lúc nào cũng ở trong tình trạng căng thẳng, cau có đến khó chịu như chứng đau nửa đầu mà anh mắc phải. Không khí này bao trùm phim, và một vài chi tiết gây cười không đáng kể chỉ đủ dùng như 2 viên aspirin Banning tống vào miệng mỗi khi đau quỵ, không đủ sức để xoa dịu cho khán giả dù chỉ vài phút.

'Nhà trắng thất thủ: Kẻ phản bội' - Mike Banning đã đến lúc nên giải nghệ - 3

So với “London thất thủ”, bối cảnh và hành động của “Nhà Trắng thất thủ: Kẻ phản bội” được thực hiện có phần đẹp mắt và hợp lý hơn, bù đắp cho phần kịch bản chắp vá và nam chính gây nhiều thất vọng. Phim có thể coi là một lựa chọn an toàn, không tệ, bạn có thể hài lòng ở mức độ vừa phải. Với doanh thu phòng vé khủng từ những phần phim trước, “Nhà Trắng thất thủ: Kẻ phản bội” dường như đã có một động lực khá tốt để trở thành bom tấn phòng vé tháng 8 này.

Phim công chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ 23/08.

Trúc An (SHTT)