Giải trí

Mắt biếc: Bộ phim không dành cho những tâm hồn chai sạn

Xem “Mắt biếc”, có người thút thít khóc từ giữa phim, cũng có người đến phút kết vẫn không tìm được giọt nước mắt của mình. Những thứ xúc cảm quá mong manh thì thường không dành cho những tâm hồn chai sạn.

Mắt biếc” có lẽ là bộ phim lên kế hoạch truyền thông sớm nhất năm nay của điện ảnh Việt, “rắc thính” từ những ngày đầu năm rồi để khán giả hồi hộp chờ đợi phim ra mắt tận cuối năm. Không ít người trong thời gian chờ đã kịp găm một bản in của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh để đọc ngấu nghiến cho thấm cái hồn của tác phẩm.

Mắt biếc: Bộ phim không dành cho những tâm hồn chai sạn

Truyện của Nguyễn Nhật Ánh luôn là những áng văn giàu chất thơ, mộc mạc, dung dị, nhẹ nhàng, những câu chuyện tuổi thơ dài bất tận đôi khi mơ hồ, mông lung và có màu cổ tích. Những trang truyện mà người ta tốt nhất nên đọc lúc còn trẻ, khi tâm hồn còn trong trẻo, đủ để lòng reo vui khi “có con chim xanh đậu trên vai áo”. Vì thế có lẽ Victor Vũ đã nhìn thấy tiềm năng để tạo ra những bộ phim đẹp từ những áng văn này. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một ví dụ, bộ phim giống như cuộc dạo chơi của đạo diễn trong khu vườn mộng đẹp như mơ, đưa khán giả đi qua vùng trời tuổi thơ dưới con mắt trầm trồ thích thú. Phim thành công, tuy vẫn còn nhiều tranh cãi về nội dung nhưng ít ra là đã thắng lớn về mặt hình ảnh.

Lần này, sự kết hợp giữa ông hoàng phim giải trí và “ông trùm” truyện thiếu nhi được kì vọng gấp nhiều lần so với “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” 4 năm trước. “Mắt biếc” là một trong vài tác phẩm hiếm hoi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đưa ra khỏi vùng an toàn để đẩy lên kịch tính. Một bên vẫn đấy là khung trời tím lịm ngọt ngào của đồi sim, dấu chân rong chơi khắp vùng của đôi bạn thanh mai trúc mã; còn một bên là màu xám của hiện thực cuộc sống, của hào nhoáng, phụ tình, ăn cơm trước kẻng, làm mẹ đơn thân… Trong cái thế giới gần như siêu thực, một nhánh cực đoan đã giúp “Mắt biếc” nở rộ thành một kịch bản tốt để làm phim. Thêm thắt nhân vật hay thay đổi tình tiết được Victor Vũ thực hiện khá uyển chuyển, giúp bộ phim trở nên thật hơn, gần gũi hơn.

Mắt biếc: Bộ phim không dành cho những tâm hồn chai sạn - 1

Mắt biếc: Bộ phim không dành cho những tâm hồn chai sạn - 2

Phim là bản nhạc buồn về cuộc đời của Ngạn, ôm mối tình cô bạn thanh mai trúc mã Hà Lan. Chàng trai là kẻ hoài niệm, si tình, lãng mạn, còn cô gái giống như một ngôi sao lấp lánh của trời đêm. Kỉ niệm thời thơ ấu bên nhau không giữ chân được Hà Lan khi cả 2 trưởng thành. Ngạn dành cả thanh xuân để yêu và chờ đợi Hà Lan, trong khi cô lần lượt bước qua những cuộc tình dại dột, đau khổ rồi lại làm lại cuộc đời.

Truyện hay phim thì cũng đều có những ưu điểm riêng và đều khoác lên mình nét cá tính riêng của người làm ra nó. “Mắt biếc” của Nguyễn Nhật Ánh là thế giới riêng của Ngạn, nhưng “Mắt biếc” của Victor Vũ là thế giới chung của những con người đau khổ vì yêu. Tuy rằng những tính toán quá sức chặt chẽ của đạo diễn trong từng khung hình đôi chỗ khiến người xem cảm thấy ngăn nắp một cách gò bó, nhưng nhìn chung anh đã làm tốt việc xâu chuỗi hình ảnh để tạo ra một đường dây kích thích cảm xúc theo một tốc độ tăng tiến nhịp nhàng. Kịch tính được đẩy lên vài phần nhờ những nhân vật như Hồng, Trà Long. Nếu như Trà Long trong truyện giống như bản sao mờ nhạt của Hà Lan, thì trong phim đây lại là nhân vật quan trọng giúp xoá bỏ mọi định kiến và kéo những trái tim yêu cố chấp lại gần nhau, cho dù kết quả vẫn là hiện thực xa cách.

“Theo tình tình chạy, trốn tình thì tình theo”, tình yêu trong “Mắt biếc” mãi là cuộc rượt bắt, là chờ đợi, hy vọng, và kết thúc của tất cả đều là thất vọng, từ bỏ. Ai cũng mang trong tim mình một đôi “mắt biếc” xa xôi và ôm mộng đến ngàn đời. Thông điệp cuối cùng của phim “Có hai thứ trên đời không thể bỏ lỡ, một là chuyến xe cuối cùng, hai là người thật lòng yêu thương mình” đã khép lại 30 năm dở dang của những kẻ cố chấp trước hạnh phúc cuộc đời mình. “Tóc mai sợi vắn sợi dài, lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”.

Mắt biếc: Bộ phim không dành cho những tâm hồn chai sạn - 3

Tâm hồn đẹp là tài sản chung của con người, nhưng có người thì giữ, có người thì không. Đứng trước sóng gió của cuộc đời, có người ngã, có người vẫn bình lặng bước qua. Hà Lan quên đi cái làng nhỏ bé ghi dấu bao kỉ niệm chỉ sau 1 tháng lên thành phố, còn Ngạn thì bao nhiêu năm vẫn đau đáu một tình yêu ấy không hề thay đổi. Như khi xem “Mắt biếc”, có người thì khóc, có người quyết định không. Không phải vì câu chuyện không cảm động, mà vì tâm hồn trưởng thành đã thay đổi, trái tim không còn đủ chỗ để dễ dàng xao xuyến trước một bản tình ca, hay rộng lòng ôm vào mình những nỗi đau của kẻ khác. Những thứ xúc cảm quá mong manh thì thường không dành cho những tâm hồn chai sạn.

Và những bước chân slow motion của Hà Lan trong phân cảnh cuối mãi mãi không thể đuổi kịp đoàn tàu đang băng đi vun vút trên đường ray. Victor Vũ bằng cái đầu lạnh cũng đã đem ít nhiều sự chai sạn của mình vào trong đứa con này, khi giúp khán giả thăng hoa cùng câu chuyện nhưng cũng nhanh chóng gạt bỏ đi mong mỏi về một kết thúc có hậu.

Mắt biếc: Bộ phim không dành cho những tâm hồn chai sạn - 4

“Mắt biếc” là phim Việt thứ 2 tạo được làn sóng dư luận mạnh mẽ trong năm nay, nhận được nhiều bình luận của khán giả sau 2 ngày công chiếu (trước đó là “Vợ ba” của Nguyễn Phương Anh). Tuy nhiên so với “Vợ ba” gây tranh cãi, thì “Mắt biếc” được phản ứng tích cực hơn. Phim được công chúng đón nhận và kì vọng nồng nhiệt nhờ hai cái tên làm nên thương hiệu - Victor Vũ và Nguyễn Nhật Ánh.

“Mắt biếc” công chiếu tại các rạp từ 20/12.

Trúc An (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/mat-biec-bo-phim-khong-danh-cho-nhung-tam-hon-chai-san-d67507.html?demo