Giải trí

'Ký sinh trùng' - đập vỡ quan niệm 'đói cho sạch, rách cho thơm'

Kể cả khi không có giải Cannes, “Ký sinh trùng” vẫn là một trong những tác phẩm đáng xem nhất ngoài rạp trong năm nay.

“Ký sinh trùng”, bằng một cách tự nhiên, cái tên gợi cho người ta cảm giác rùng rợn, dễ liên tưởng nhất đến một bộ phim kinh dị, theo nghĩa đen thuần túy, sẽ có sự xuất hiện của những loài kí sinh đột biến, bò lúc nhúc, tiết chất nhầy, ăn thịt và dơ bẩn. Bong Joon Ho gọi đứa con tinh thần mới nhất của mình là bộ phim bi hài kịch gia đình với sự lồng ghép tuyệt vời của yếu tố hồi hộp và kinh dị, nhưng không ít người vẫn cố tình bỏ qua những cụm từ “hài kịch đen”, “tâm lý”, “gia đình”, để mặc định “Ký sinh trùng” là một phim kinh dị hoàn toàn. Kinh dị bởi cách mà nó ám ảnh người xem.

Có một điều khá thú vị là khi đã xem hết phim và chắc chắn rằng không có sự tồn tại của bất kì một con ký sinh trùng nào, đó cũng là lúc ba tiếng “Ký sinh trùng” vô thức bật tắt trong tâm trí bạn như chiếc đèn chập điện. Như thể, đạo diễn Bong Joon-ho vừa phát tán một loại virus ký sinh trong rạp chiếu, xâm nhập vào da thịt, len lỏi vào từng tầng cảm xúc của khán giả, kích thích mọi giác quan, bằng một cách quyến rũ, mềm mỏng nhưng cũng không kém phần gai góc và quyết liệt. Cảm giác “Ký sinh trùng” đó không dừng lại khi bạn trở về nhà, trong một chút nôn nao và chóng mặt, cũng có thể bần thần và lặng thinh, bạn khẽ rùng mình và lại nghĩ đến ký sinh trùng theo một nghĩa đen nhất mà khoa học diễn giải về nó trong những cuốn từ điển dày trăm trang.

'Ký sinh trùng' - đập vỡ quan niệm 'đói cho sạch, rách cho thơm'

Bong Joon-ho đã chọn một vấn đề xã hội mang tính thời sự của Hàn Quốc nói riêng và rất nhiều quốc gia trên thế giới nói chung để làm phim - sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội. Người Hàn Quốc có một cách làm phim rất đặc trưng, cho dù tác giả đang theo đuổi thể loại gì đi chăng nữa, sử dụng thủ pháp nghệ thuật riêng cho mỗi tác phẩm của mình, thì những bộ phim vẫn luôn có một lối kể chuyện trực diện, dễ hiểu, dẫu đôi khi khán giả bị dẫn đi đường tắt, nhưng chưa bao giờ bị trở nên mông lung giữa những cái bẫy nội dung đầy rẫy trong tác phẩm. Ngôn ngữ điện ảnh của Hàn Quốc luôn khiến người xem dễ chịu, ẩn dụ một cách thẳng thắn. Không hoa mỹ vòng vo như người Trung Hoa, thoại phim Hàn rất đơn giản, đời thực, đó chính là yếu tố quyết định thành công của nhiều bộ phim điện ảnh xứ kim chi từ xưa đến nay, và đương nhiên, “Ký sinh trùng” cũng nằm trong số đó. Phim chính là từ đời thực mà dựng nên.

“Ký sinh trùng” kể về một gia đình thuộc tầng đáy trong xã hội Hàn Quốc, hội tụ đủ những yếu tố éo le về hoàn cảnh: Bố mẹ thất nghiệp, con cái thất học, gia đình sống trong một căn hầm nằm sâu dưới chân đồi ở một khu lao động bốc mùi nghèo nàn. Cuộc sống bế tắc cho đến một ngày người con trai Ki Woo (Choi Woo-shik) bất ngờ được bạn học cũ giới thiệu công việc gia sư cho nữ sinh trung học là con gái một gia đình giàu có. Đặt chân vào ngôi nhà xa hoa của ông Park (Lee Sun Kyun) và nhìn thấy cơ hội đổi đời, Ki Woo đã lên kế hoạch lần lượt đưa cả gia đình mình vào làm thuê cho vợ chồng ông Park, dưới danh nghĩa là những người chẳng hề quen biết nhau. Làm thuê cho nhà giàu mang lại thu nhập béo bở cho cả gia đình, nhưng sự nghèo túng và lòng tham lam đã khiến họ đi quá giới hạn của mình. Một kế hoạch khôn lỏi không thể trót lọt dài lâu, những bí mật kinh hoàng dần được bóc tách và hé lộ, cho đến một ngày mọi sự đều vỡ lở theo cái cách mà khán giả khó lòng ngờ đến.

'Ký sinh trùng' - đập vỡ quan niệm 'đói cho sạch, rách cho thơm' - 1

Chuyện phim của “Ký sinh trùng” làm người ta nhớ lại những bài báo đầy ắp trên mạng cách đây 2-3 năm về sự phân hoá giàu nghèo ở Hàn Quốc, hình ảnh thảm thương của khu ổ chuột tồi tàn nằm sát ngay cạnh những toà kiến trúc đồ sộ, đẹp mắt khu phố giàu có bậc nhất Seoul. Trong phim, nó được cụ thể hoá bằng 2 ngôi nhà, một trên đồi và một dưới chân đồi. 2 ngôi nhà đối lập từ diện tích, không gian, đến những con người sống bên trong. Bối cảnh tinh tế từ ánh sáng khác biệt giữa 2 bên, đến chiếc cửa sổ được ví như tầm nhìn của gia chủ, đối lập một cách cay đắng. Nhà giàu mở cửa sổ hưởng thụ ánh sáng và thiên nhiên, nhà nghèo mở cửa sổ chỉ thấy lòng đường, rác rưởi và mùi nước tiểu khai nồng của dăm ba tên say rượu tè bậy không ý thức. Những nghịch lý và ẩn dụ tương tự cứ thế đầy ắp trong phim, được phát triển trong một đường dây liên kết chắc nịch khiến người xem ngộp thở.

Cao trào của sự phân biệt đẳng cấp đó là khi thị giác bị đánh lừa, những kẻ nhà giàu vẫn có thể đánh hơi thấy sự lừa dối bằng khứu giác nhạy cảm, tinh tế. Có đôi lúc giữa những cái khịt mũi của ông Park, ta tưởng như mình đã ngửi thấy thứ mùi khó diễn tả của tài xế Ki-taek (Song Kang-ho) trên ghế trước xe hơi, hay trong không gian thơm tho của ngôi biệt thự, giữa đêm tĩnh mịch, thứ mùi đặc trưng của cả gia đình ấy cứ toả ra lặng lẽ một cách đầy hổ thẹn từ dưới gầm chiếc bàn phòng khách. Mùi của đám ký sinh trùng tội lỗi ẩn náu giữa ngôi nhà của vật chủ.

'Ký sinh trùng' - đập vỡ quan niệm 'đói cho sạch, rách cho thơm' - 2

Giữa bối cảnh đó, “Ký sinh trùng” đưa ra những tình huống phim bất ngờ và giải quyết nó theo một cách xoắn não người xem. Các yếu tố tâm lý, hài hước, chuyển qua li kì, kinh dị một cách nhịp nhàng, ăn khớp với diễn biến phim, không hề tạo cảm giác sống sượng, phi lí. Phim chọn một cái kết bi kịch sau khi đã bóp nghẹt người xem trong tầng tầng cảm xúc. Ở những phút cuối cùng của phim, người con trai Ki Woo ước mơ học hành tử tế và trở nên giàu có để gia đình có thể bước vào căn biệt thự như những người chủ thượng lưu, chứ không còn là kẻ kí sinh ăn bám vào sự giàu có của người chủ ngôi nhà. Nhưng trong khi mơ mộng, cái nghèo vẫn đeo bám gia đình Ki Woo, như kí sinh trùng tàn độc rút kiệt tự trọng và bản lĩnh của họ. Trong căn hầm chật chội nơi ông bố ẩn náu, hay trong căn nhà ẩm thấp 2 mẹ con trú ngụ mà trần nhà chỉ cao đến mặt đường, ánh sáng là một thứ xa xỉ khó lòng chiếu cố đến.

Bong Joon-ho có lẽ là vị đạo diễn có tầm ảnh hưởng nhất xứ kim chi hiện nay, với những tác phẩm ngày càng trở nên xuất chúng, vượt qua hoàn toàn những đỉnh cao mà anh đã chinh phục trước đó. Một bộ phim có quá nhiều thứ để nói, quá nhiều cảm xúc để chia sẻ, sự châm biếm nhẹ nhàng và thông điệp đáng nhớ. “Ký sinh trùng” đập vỡ quan niệm “đói cho sạch rách cho thơm” giữa thời đại công nghiệp. Ở một đất nước phát triển đến mức chênh lệch giàu nghèo lên mức báo động như Hàn Quốc, người nghèo phải tìm mọi cách để duy trì cuộc sống, kể cả phải bỏ qua nhân cách để biến mình thành những kẻ lừa đảo. Nhưng cái đặc biệt của gia đình lừa đảo trong “Ký sinh trùng” đó là hút máu nhà giàu trong sự biết ơn. Phim đặt ra những vấn đề để người xem tự giải đáp, rốt cuộc người ta hào phóng và tốt bụng vì giàu có hay hào phóng và tốt bụng nên họ giàu có. Sự hào phóng và tốt bụng mà người nghèo với cuộc sống bon chen khổ sở không bao giờ biết nó có tồn tại trong con người mình.

“Ký sinh trùng” không phải một bom tấn điện ảnh triệu đô nhưng lại đang là một hiện tượng phòng vé trên toàn thế giới. Phim được công chiếu tại Việt Nam từ 21/6.

Trúc An (VietNamNet)