Giải trí >> Táo Quân 2019

Không chỉ Bắc Đẩu, nhiều nhân vật trong Táo quân cũng bị 'xoáy' vào hình thức làm trò cười

16 năm làm “cô Đẩu” trong Táo quân, đây không phải là lần đầu tiên hình ảnh “nửa nam nửa nữ” do Công Lý đảm nhiệm mới bị mang ra phán xét là kỳ thị với cộng đồng LGBT. Không chỉ có Bắc Đẩu mà nhiều hình tượng trong Táo quân cũng trở thành nạn nhân của trò cười về hình thức trời sinh như vậy

Không chỉ Bắc Đẩu, nhiều nhân vật trong Táo quân cũng bị 'xoáy' vào hình thức làm trò cười
Bắc Đẩu trước đây và Bắc Đẩu hiện tại. Ảnh: TL

Bắc Đẩu ngày càng thái quá?

Càng đến dịp cuối năm, chương trình Táo quân của VTV lại gây chú ý của công chúng về những vấn đề gì sẽ được mang ra mổ xẻ. Năm nay, khán giả lại được dịp tranh luận về chủ đề mà MC Tùng Leo đưa ra khi cho rằng, chương trình đang xúc phạm và kỳ thị những người đồng tính.

Trước đó, ngày 30/12, Tùng Leo đăng tải dòng trạng thái gây chú ý: "Mỗi năm, chỉ cần xem Táo quân là biết họ nghĩ gì về LGBT" (tên viết tắt của cộng đồng những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới).

Chia sẻ này được “nóng” hơn khi ngày 6/1, MC Tùng Leo xuất hiện trên sóng Cafe sáng cuối tuần của VTV3 để bàn về chương trình Táo quân, chương trình truyền hình hot nhất năm vừa tiến hành buổi tập đầu tiên cách đây vài ngày.

Tùng Leo chia sẻ anh cũng như bao nhiêu khán giả khác rất trông chờ được xem Táo quân và yêu mến chương trình. "Khi nghĩ đến Táo quân, tôi nghĩ đến những điều vui vẻ chương trình mang lại, duy nhất nhân vật Cô Đẩu trong chương trình là tôi không thích.

Cô Đẩu trong những chương trình đầu tiên rất bình thường với những mảng hài sâu cay nhưng duyên dáng. Về sau, phần hài hước và duyên dáng vẫn còn nhưng phần thể hiện ngoại hình hơi thái quá và tôi thấy có phần động chạm đến cộng đồng LGBT", Tùng Leo chia sẻ.

Cũng theo MC này, hình ảnh Cô Đẩu không sai, chỉ cần giảm những yếu tố bên ngoài hơi thái quá hoặc giảm tác động của những nhân vật khác vào Cô Đẩu. "Bởi nếu như mọi người chú ý kỹ Táo quân sẽ thấy bản thân Cô Đẩu không thì không phải vấn đề lớn mà là những người xung quanh, những câu nói đùa của những nhân vật xung quanh về Cô Đẩu để tạo nên những mảng miếng hài cho Cô Đẩu thì đầy tính kỳ thị", Tùng Leo nhận định.

Anh cho rằng liệu chúng ta có đang cười lên nỗi buồn của người khác? Và với những người chưa có cái nhìn đúng đắn với cộng đồng LGBT sẽ cho việc cười cợt trên ngoại hình của người khác là bình thường khi xem Táo quân. "Việc kỳ thị trở thành bình thường là độc ác", MC Tùng Leo nói. Do vậy, theo MC này hình tượng nhân vật Cô Đẩu cần thay đổi, càng bình thường càng tốt và những người làm chương trình nên nhìn nhận lại để nhân vật thú vị ở tầm khác”.

Chia sẻ của MC Tùng Leo đã nhận được nhiều sự đồng thuận của công chúng. Tuy nhiên cũng có người cho rằng, anh đang gây chú ý. Tuy nhiên, một lần nữa, trên trang cá nhân của mình, Tùng Leo vẫn tiếp tục khẳng định: Có những điều khi đem ra làm giải trí, để cười vui đơn thuần, thậm chí là không hề có ý bỉ bai, nhưng nó làm cho mọi người cứ tưởng vậy là đúng, thành ra đâu đâu cũng đem hình ảnh đó, con người đó ra làm chuyện giải trí. Giải trí trên điều đó là độc ác. Đừng đùa trên giới tính của người khác, đặc biệt những người không thể lựa chọn hoặc quyết định khác đi. Đừng hiểu lầm và quy chụp: Nghệ thuật sân khấu cho phép diễn viên nam hoá thân vào nhân vật nữ, cho diễn viên nam đóng vai trai giả gái. Nhưng hãy nhìn vào những tác phẩm hiện đại, văn minh để biết phân biệt giữa lằn ranh mong manh của tôn trọng và cười cợt. Khi chúng ta biết về những nỗi đau buồn thầm kín bên trong những ngoại hình và tính cách sặc sỡ ồn ào, liệu chúng ta có đem ra cười? Cuối cùng. Giới tính đặc biệt cần có cái nhìn bình đẳng. Giải trí trên giới tính là một sự kỳ thị.

Anh cũng nói thêm rằng, đây hoàn toàn là những góp ý thảo luận để thêm góc nhìn, chứ không bài xích, không chỉ trích hay phê phán ai. Anh cũng như bao khán giả khác, vẫn rất yêu và mong chờ Táo quân hằng năm!

Không chỉ Bắc Đẩu bị chỉ trích về hình thể

Đây không phải là lần đầu tiên khán giả có ý kiến phản ứng về hình tượng cô Đẩu trong chương trình. Hồi năm ngoái, đã có nhiều người trong cộng đồng LGBT lên tiếng khi vai cô Đẩu ngày càng trở nên “bóng lộ” và trở thành đề tài bị các Táo công kích.

Những năm đầu, vai Bắc Đẩu của Công Lý vẫn chỉ là “bóng ẩn”. Anh vẫn ăn vận chuẩn mực trang phục của Bắc Đẩu nhưng càng về những năm gần đây, đạo diễn muốn tạo sự mới mẻ cho nhân vật nên liên tục để anh ăn vận với áo dài, váy vóc, để tóc dài và trang điểm đậm như vai nữ. Người ta cũng quên mất có một nhân vật Bắc Đẩu mà dần dần gọi luôn là “cô Đẩu”.

Cũng cần phải thấy rằng hình tượng “bất quy tắc” của Bắc Đẩu trên Thiên đình là hình ảnh độc nhất vô nhị ở các chương trình hài hiện nay. Với lối diễn tưng tửng, lúc đanh đá, xéo xắt, lúc “ngây thơ vô số tội” của Công Lý đã mang đến sự thú vị cho chương trình. Lối diễn biến hóa của Công Lý nhiều lúc còn lấn lướt so với Nam Tào (Xuân Bắc) và các Táo khác. Nhưng khi mà nhận thức của công chúng nói chung và của cộng đồng LGBT được nâng lên thì rõ ràng, việc lấy hình thức ra để cười cợt đã không còn văn minh và phù hợp. Nhất là khi chương trình được phát sóng trên VTV vào đúng khoảnh khắc thiêng liêng nhất của năm mới là Giao thừa.

Không chỉ xoáy vào hình thức của Bắc Đẩu, có lẽ việc châm chọc Vân Dung vì “ngực lép”, “thân hình bọ gậy” hay Quang Thắng với mũi to hay gắn cho thiên lôi hình ảnh răng vẩu… cũng đã đến lúc bị coi là lỗi thời.

Theo Lê Trung Kiên (Giadinh.net.vn)