Giải trí

Giám đốc sân khấu Idecaf : Kịch "Tấm Cám" không tiếp tay vé chợ đen

Người đứng đầu một trong những sân khấu lớn nhất TP HCM bức xúc trước tình trạng phe vé chợ đen thao túng làm ảnh hưởng uy tín, danh dự của đơn vị mình.

Người đứng đầu một trong những sân khấu lớn nhất TP HCM bức xúc trước tình trạng phe vé chợ đen thao túng làm ảnh hưởng uy tín, danh dự của đơn vị mình.

Tuy vậy, họ không mua được vé vì phòng vé báo hết. Có người cho rằng đã thấy phe chợ đen cầm xấp vé bán bên ngoài với giá cao. Nhiều khán giả nghi ngờ sân khấu lớn như Idecaf đang tuồn vé ra ngoài để bán được giá hơn.

Ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc sân khấu kịch Idecaf - có cuộc trao đổi với chúng tôi về vụ việc.

- Ông nói gì về việc khán giả bất bình vì không mua được vé?

- Từ mùa kịch Tết đến nay, hơn 10 vở của kịch Idecaf có tình trạng khán giả bị mua vé chợ đen nhưng chưa có buổi nào gây bức xúc như buổi bán vé kịch Tấm Cám. Trước hết là bởi sức hút của vở này quá lớn, đó là điều chúng tôi không tiên liệu được. Thứ hai, ở hôm 2/3, lần đầu tiên chúng tôi yêu cầu khán giả xếp hàng để mua vé, ai đến trước được ưu tiên mua trước. Đó là điều 20 năm qua Idecaf không làm được và giờ chúng tôi muốn đưa hoạt động này vào nề nếp hơn.

Chúng tôi thông báo sẽ bán vé lúc 9h sáng nhưng từ 7h khán giả đã đến xếp hàng chờ. Thế nhưng, chúng tôi có sai sót là không thông báo rõ số lượng vé bán ra chỉ còn chưa đến 200 vé vì trước đó, sân khấu đã chừa vé lại cho nội bộ nghệ sĩ đặt trước. Chính vì thế, khi khán giả đến xếp hàng mà một người mua đến bốn vé, chỉ gần 50 người vé đã hết, gần 100 khán giả còn lại đứng chờ lâu mà không mua được vé nên rất bức xúc. Sự bức xúc này được họ mang lên mạng xã hội khiến cho vụ việc càng gây ra hiểu nhầm.
 

Poster phiên bản mới của kịch "Tấm Cám" trên sân khấu Idecaf.

 
- Khán giả đặt nghi vấn kịch Idecaf đang tiếp tay cho phe vé khi phòng vé báo hết nhưng bên ngoài còn vé. Ông giải thích gì?

- Không có bất cứ lý do gì để kịch Idecaf bắt tay với phe vé vì nếu như vậy chúng tôi sẽ bị thiệt hại về uy tín, danh dự và cả vật chất. Những tin đồn như thế khiến cho người làm sân khấu chuyên nghiệp như chúng tôi rất buồn. Một điều tôi có thể khẳng định là đơn vị chúng tôi đang cố gắng kiểm soát và ngăn chặn sự hoạt động của cánh vé chợ đen nhưng nhiều lúc không thể nào kiểm soát hết được.

- Từ lâu, nhiều khán giả phàn nàn rất khó mua vé kịch Idecaf từ phòng vé mà phải thông qua quen biết hoặc mua vé chợ đen. Vì sao lại như vậy?

- Vấn đề vé chợ đen đã diễn ra ở sân khấu Idecaf từ 20 năm nay. Nhiều khán giả cũng nhận thấy là tại sao nhiều sân khấu kịch không diễn ra cảnh này mà ở Idecaf lại thường xuyên. Điều đầu tiên phải khẳng định là do các vở diễn của chúng tôi thu hút khán giả. Nhưng chính vì thế, chúng tôi lại vừa lo vừa mừng. Mừng vì khán giả vẫn luôn yêu kịch và quan tâm đến sân khấu, nhưng lo vì cánh phe vé đánh hơi rất nhanh được vở diễn nào hút khách.

Vé chợ đen chỉ hoạt động được khi vẫn còn có những khán giả có nhu cầu mua được vé ngồi ở hàng ghế đẹp dù đến phòng vé mua rất trễ, thay vì đến xếp hàng mua từ trước. Rất nhiều khán giả chỉ muốn mua vé từ hàng ghế đầu tiên đến khoảng hàng thứ ba, thứ tư. Chỉ cần hàng ghế thứ bảy là họ từ chối phòng vé. Cánh phe vé rất tâm lý trong chuyện này và họ có nhiều cách tinh vi để đáp ứng nhu cầu khán giả.
 

Giám đốc sân khấu kịch Idecaf Huỳnh Anh Tuấn.

 
- Đơn vị của ông đã có những động thái nào để ngăn chặn tình trạng này?

- Từ nhiều năm qua, chúng tôi đều biết những người bán vé chợ đen và luôn nghĩ ra mọi cách để ngăn chặn họ. Trước đây, chúng tôi có hệ thống bán vé kịch online nhưng sau đó ngừng vì không khả thi, do phe vé vẫn có thể đặt mua qua mạng để thao túng. Gần đây, chúng tôi lắp đặt camera để quan sát hoạt động bán vé của nhân viên, thay đổi êkíp phòng vé định kỳ để tránh tình trạng nhân viên làm quen cánh phe vé. Gần một năm trước, kịch Idecaf đã sa thải vài nhân viên  vì tiếp tay cho nhóm người này. Bất kỳ khán giả nào có bằng chứng và phát hiện được nhân viên kịch Idecaf bán vé ra chợ đen, chúng tôi sẽ tặng vé xem kịch mới và thưởng cho khán giả một triệu đồng để thay lời tri ân.

Sắp tới, khi kịch Ngày xửa ngày xưa đi vào diễn đợt hè, để phục vụ việc mua vé của khán giả, chúng tôi dời phòng vé từ sát mặt đường Mạc Đĩnh Chi ở Nhà hát Bến Thành vào trong khuôn viên nhà hát để tiện quan sát và kiểm soát chặt chẽ, nhất quyết không bán cho phe vé. 40.000 vé dự kiến sẽ được bán trước khoảng hai tháng để khán giả thoải mái mua hơn. Thông tin về thời gian, địa điểm bán vé cũng được thông báo rộng rãi, công khai cho khán giả.

Tuy vậy, dù nỗ lực ngăn chặn đến đâu, nếu phe vé không trực tiếp đi mua mà nhờ người mới vào mua thì chúng tôi cũng đành chịu vì không có cách gì để phát hiện. Trước đây, chúng tôi đã nhờ đến cơ quan chức năng để giải quyết nhưng cơ quan chức năng cũng từ chối vì đây chỉ là quan hệ dân sự và rất khó để có thể buộc tội cánh chợ đen.

- Từ sau những lùm xùm này, ông rút kinh nghiệm gì cho việc quản lý hoạt động của kịch Idecaf?

- Chúng tôi rất mong khán giả hiểu và chia sẻ với những áp lực của người làm sân khấu. Vé chợ đen thì đến cả sân khấu nước ngoài cũng có. Đây là vấn dề đụng chạm đến danh dự của người làm nghề chứ không vui vẻ gì. Tôi chỉ mong cơn lốc dư luận qua đi để hoạt động sân khấu trở lại bình thường. Khán giả cũng có quyền bức xúc của họ và từ bức xúc đó, chúng tôi mới rút ra được nhiều kinh nghiệm hơn.

Bên cạnh nỗi lo toan trong chuyện bán vé, đầu vô cho sân khấu, tôi và các anh em đồng nghiệp cũng đau đầu để chuẩn bị việc sản xuất các tác phẩm kịch làm sao có sức hút với người xem. Dự đoán là năm nay, cơn bão gameshow, truyền hình thực tế suy giảm nhiều, điều này giúp sân khấu vững hơn ở đội ngũ diễn viên vì họ bớt chạy show mà tập trung diễn xuất hơn. Chúng tôi đang mong muốn tái dựng một loạt vở tên tuổi trước đây của Idecaf để phục vụ khán giả như: Hào quang trong bóng tối, Chuyện văn chương, Cậu đồng, nhạc kịch Lục Vân Tiên... Những vở này vẫn còn sức hút rất lớn với khán giả.
 
Vở kịch Tấm Cám, do ông bầu Huỳnh Anh Tuấn viết kịch bản, là vở diễn mở màn chương trình kịch dành cho thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa của sân khấu Idecaf vào năm 2000. Thời điểm đó, vở có sức hút rất lớn với khán giả khi trình diễn suốt tháng và luôn chật kín người xem. Nghệ sĩ Thành Lộc - Hữu Châu là hai nhân tố thu hút người xem vì lối diễn xuất duyên dáng, hài hước.
 
Sau 16 năm ra mắt, Idecaf vừa tái dựng vở diễn này vào mùa kịch Tết 2016, kể từ ngày 27/1. Đây cũng là tác phẩm kỷ niệm 20 năm thành lập kịch Idecaf. Rất nhiều fan của khán giả đã chen chúc nhau để mua được chiếc vé xem lại vở diễn yêu thích ngày nào. Anh Quang Huy, 29 tuổi, nhà ở Phú Nhuận chia sẻ: "Trước đây, tôi đã xem phiên bản đầu củaTấm Cám không dưới 10 lần và gần như thuộc hết lời thoại của vở diễn này. Bây giờ, nghe vở được dựng mới, hướng đến đối tượng khán giả người lớn chứ không chỉ cho trẻ con như trước với thời lượng dài hơn, tôi rất háo hức, đến phòng vé tìm mua ngay nhưng lúc nào cũng không có vé".
 
>> Ngô Thanh Vân đầu tư 20 tỷ đồng làm phim "Tấm Cám"
 
Theo Thoại Hà (VnExpress.net)