Giải trí

Fast & Furious 8: "Đã con mắt, sướng lỗ tai"

Không những không mất đi những nét chính đã tạo nên thương hiệu Fast & Furious trong suốt một thập kỉ qua, phiên bản mới nhất của dòng phim còn được bổ sung nhiều hương vị mới lạ.

Không những không mất đi những nét chính đã tạo nên thương hiệu Fast & Furious trong suốt một thập kỉ qua, phiên bản mới nhất của dòng phim còn được bổ sung nhiều hương vị mới lạ.

Bài viết được đăng tải trên báo Guardian hôm 10/4 vừa qua. Báo điện tử Trí Thức Trẻ xin gửi tới quý độc giả bản dịch. 

Fast & Furious 8: Đã con mắt, sướng lỗ tai - Ảnh 2.

Sự trỗi dậy của Fast & Furious từ một bộ phim chỉ ở tầm DVD trở thành gã khồng lồ màn ảnh rộng luôn được đánh giá là một trong những thành công bất ngờ nhất của giới điện ảnh trong vài năm trở lại đây.

Sau khi "chạm đáy" vào năm 2006 với phiên bản Tokyo Drift bị đánh giá rất thấp, nhiều người cho rằng Fast & Furious chẳng đáng để "trùng tu" trở lại thành một dòng phim ăn khách nữa, mà thà cứ để khép lại cho xong. Nhưng với 5 phiên bản gần đây nhất, thương hiệu Fast & Furious giờ chẳng khác nào một "cỗ máy in tiền" tại Hollywood.

Đương nhiên, vẫn có những người cho rằng cái chết đột ngột của Paul Walker trong khi Fast & Furious 7 đang được bấm máy đã vô tình tạo ra lý do để những khán giả vốn đã định bỏ quay trở lại với dòng phim. Tuy vậy, cách nhìn này sẽ bỏ qua sức hấp dẫn lạ kỳ không thể phủ nhận trong những phiên bản gần đây của Fast & Furious.

Từ một bộ phim thuần túy đua xe đường phố, Fast & Furious dần tiến hóa trở thành một tập hợp đầy đủ những thủ thuật "hút khách" mang thương hiệu Hollywood: những siêu xe động cơ turbo, những lời thoại hóm hỉnh, những cảnh hành động hoành tráng, và cộng thêm chút tình cảm để làm vừa lòng các cặp đôi hẹn hò trong rạp.

Fast & Furious 8: Đã con mắt, sướng lỗ tai - Ảnh 3.

Với Fast & Furious 8 (từ đây xin gọi tắt là F8 - ND), một thứ "gia vị" mới đã được bổ sung vào phiên bản này - đó là những màn đấu trí đẳng cấp cao trên bàn phím.

Thực tế mà nói đây là một thứ "gia vị" không được phù hợp cho lắm, và luôn đứng trước nguy cơ khiến bộ phim bị lún sâu vào những thuật ngữ chuyên môn high-tech khó hiểu. Nhưng với nhịp độ chóng mặt của phim, khán giả cũng chẳng có mấy thời gian để ngồi ngẫm nghĩ những chi tiết khó hiểu (đơn cử như tại sao nổ tưng bừng mà các siêu xe đều chẳng hề hấn gì).

Bối cảnh phim xoay quanh nhân vật Dom do Vin Diesel thủ vai. Anh đang tận hưởng kì trăng mật tại Cuba với Letty (Michelle Rodriguez). Mọi thứ đều êm đẹp, hai người đã tính đến chuyện có con, nhưng đó cũng là lúc nhân vật phản diện xuất hiện. Hắn là Cipher (Charlize Theron), một nữ khủng bố giỏi máy tính có thể khiến cả nhóm hacker Anonymous nổi tiếng cũng phải cảm thấy hổ thẹn.

Chỉ với một cú quét ngón tay trên smartphone, Cipher đã nắm thóp được Dom, và ép anh phải giúp thực hiện hàng loạt các phi vụ đánh cắp những thứ vũ khí có sức hủy diệt kinh khủng nhất hành tinh.

Đối mặt với Dom chính là những cộng sự cũ của anh, trong đó có cựu đặc vụ Luke Hobbs (Dwayne "The Rock" Johnson), và Deckard Shaw (Jason Statham) trong vai một antihero thiện chiến cùng miệng lưỡi sắc như dao cạo.

Phải nói rằng việc đưa Statham vào phim là quyết định sáng suốt nhất của các nhà sản xuất F8, những lời thoại rất "thâm" cùng năng lực cận chiến tuyệt vời của anh xen kẽ một cách hoàn hảo giữa những cảnh đối thoại trong xe đôi lúc trở nên nhàm chán. Phân đoạn một mình Deckard Shaw "tả xung hữu đột" trên chiếc máy bay của Cipher là một trong những highlight của bộ phim.

Theron cũng thể hiện rất tốt trong vai phản diện Cipher, dù kịch bản có vẻ như đã biến nhân vật này trở nên hết sức nhàm chán. Tuy không có nhiều đất nhưng Theron vẫn diễn rất tốt với những đoạn độc thoại về triết lý sống. Và đương nhiên cũng không thể không kể đến đoạn cameo vô cùng thú vị của Helen Mirren trong vai người mẹ "có gì nói nấy" của Shaw.

Fast & Furious 8: Đã con mắt, sướng lỗ tai - Ảnh 4.

Nhưng những màn trình diễn tuyệt hảo của dàn sao trong F8 mới chỉ là món "khai vị" làm nền cho "món chính" của bộ phim: những cảnh quay đầy khói lửa. Có ba phân đoạn hành động được tạo ra để khiến khán giả choáng ngợp, một trong số đó - cụ thể là phân đoạn tại Siberia được edit khá khó hiểu - không thực sự đem lại hiệu quả.

Nhưng bù lại, phân đoạn đầu phim khi Diesel dùng một chiếc xe đồng nát bơm đầy N2O để đua với một siêu xe đã "gãi đúng chỗ ngứa" những khán giả mê tốc độ vốn đã theo đuổi dòng phim Fast & Furious từ những phiên bản đầu.

Ngoài ra cũng phải kể đến phần chính, khi Cipher xâm nhập vào gần như mọi chiếc xe tại New York và hướng chúng đến vị trí đoàn xe chở Bộ trưởng Quốc phòng Nga. F8 chưa đủ sâu để đạt đến tầm một bộ phim nói về nỗi sợ liên quan đến cuộc cách mạng xe tự lái, nhưng đây vẫn là một phân đoạn đem lại hiệu quả cho bộ phim, và cũng cực kì mãn nhãn.

Nói tóm lại, với dòng phim Fast & Furious, tương lai của nó luôn phụ thuộc vào việc liệu các nhà sản xuất có thể tìm cách nào làm mới, để khiến khán giả tiếp tục xem các siêu xe húc nhau ầm ầm mà không bị nhàm. Hiện nay Fast & Furious vẫn đang làm được điều đó - và việc đa dạng hóa nội dung các cảnh hành động là một cách hợp lý để giữ được sự tươi mới cho dòng phim.

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, điều khiến Fast & Furious có thể tồn tại qua những năm tháng khó khăn chính là những khoảnh khắc khơi dậy cảm xúc ở các nhân vật.

Trong F8, trừ chuyện tình trắc trở của Dom và Letty cùng một lời tiễn biệt tinh tế dành cho Walker, thì bộ phim khá yếu về mặt cảm xúc. Thay vào đó là hơn 2 tiếng đồng hồ của những pha hành động hoành tráng thuần túy 3F: nhanh (fast), dữ dội (furious), và lý thú (fun).
 

Theo Bora (Trí Thức Trẻ)