Giải trí

Em và Trịnh là một tác phẩm thất bại?

Nhiều ý kiến cho rằng Em và Trịnh chưa làm thỏa mãn nhiều mặt, công chúng vẫn chưa tìm được một dự án đúng nghĩa về tượng đài âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Những ngày qua, dự án điện ảnh về tượng đài âm nhạc Trịnh Công Sơn - Em và Trịnh là chủ đề nóng, thu hút đông đảo lượt bàn luận của khán giả, giới phê bình phim trên các diễn đàn. Khen có, chê có, nhưng chung quy, người ta cho rằng các phiên bản hư cấu trên không xứng tầm để khắc họa cuộc đời tượng đài âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Dĩ nhiên một tác phẩm nghệ thuật khi tái hiện cuộc đời của một nhân vật có thật bằng phim ảnh, ít nhiều sẽ gây ra tranh cãi. Tuy nhiên Em và Trịnh lại có quá nhiều “yếu tố” để biến một tác phẩm được kỳ vọng trở thành một phiên bản của sự tranh cãi. Trong đó, sai lầm về thương mại, nội dung dễ gây hiểu lầm, cùng với thông điệp phim không đủ sức nặng, là những điều đáng để suy ngẫm.

Em và Trịnh là một tác phẩm thất bại?

Bước đầu sai lầm về mặt thương mại

Vốn dĩ, sự hoài nghi: “Có hay không nước đi sai lầm về mặt thương mại?” đã được dấy lên ngay từ đầu, lúc nhà sản xuất công bố dự án trên bao gồm hai phiên bản. 

Em và Trịnh khắc họa cuộc đời Trịnh Công Sơn với những đắm say đời thường, trong khi Trịnh Công Sơn lại mang hơi hướng phim thần tượng. Tuy nhiên, đến khi bản phim Trịnh Công Sơn “được” rút khỏi rạp từ ngày 17/6, chỉ giữ lại Em và Trịnh, người ta mới dám khẳng định, phim đã thất bại về khâu thương mại. 

Em và Trịnh là một tác phẩm thất bại? - 1

Rõ ràng hai phiên bản này đều dựa trên những câu chuyện, nhân vật có thật đó là cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng có những tình tiết giả định, hư cấu để đảm bảo người xem ở mọi lứa tuổi đều có thể dễ dàng tiếp thu, thẩm thấu.

Tuy nhiên nhiều khán giả sau khi thưởng thức 2 phiên bản đều cho rằng nội dung của hai bộ phim không khác nhau là mấy. Họ đặt dấu hỏi rằng bản Em và Trịnh gần như bao hàm cả Trịnh Công Sơn nên cần gì phải chia làm hai phiên bản? 

Khi đưa ra lý do cho việc rút phiên bản 95 phút, người ta lấy chuyện thất bại doanh thu và thị hiếu khán giả để tạo sự thuyết phục. Tuy nhiên, cái sai ngay từ đầu của đội ngũ làm phim mới là nguyên nhân dẫn đến thất bại thương mại trên. 

Và tất nhiên Trịnh Công Sơn chỉ nên làm một phiên bản duy nhất, dài cũng được, nhưng nó phải sâu sắc. Bởi đã cất công chi tận 50 tỷ để làm thì lẽ ra nhà sản xuất phải có một sự tính toán kỹ lưỡng chứ không phải hời hợt, rồi đem con bỏ chợ.

Người xem có thể hiểu sai lệch về tinh thần Trịnh Công Sơn

Phim dễ khiến người xem hiểu sai lệch về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đây là điều khiến công chúng thừa nhận và bức xúc thay cho những người có niềm đam mê đối với nhạc Trịnh.

Em và Trịnh là một tác phẩm thất bại? - 2

Mục đích làm phim ngay từ lúc công bố dễ khiến người ta cảm thấy hào hứng, khi hứa hẹn sẽ mang đến câu chuyện về lý tưởng - âm nhạc - tình yêu của người nghệ sĩ tài hoa. Tuy nhiên sự thật nhà sản xuất đã "nói một đằng, làm một nẻo".

Còn nhớ trong buổi Gặp gỡ đoàn làm phim cách đó không lâu, phía nhà sản xuất đã giới thiệu rằng họ dành rất nhiều thời gian nghiên cứu về cuộc đời Trịnh Công Sơn, với những thời đại lịch sử, đời sống, văn hóa… 

Tuy nhiên khi theo dõi 130 phút của Em và Trịnh, khán giả chỉ thấy phim khai thác về tình yêu đôi lứa, còn về tư tưởng yêu nước - sự nghiệp âm nhạc - tình bạn của Trịnh Công Sơn lại chỉ là sự... nhỏ giọt.

Em và Trịnh rốt cuộc mang đến nội dung nghiêng về tuyến tình cảm của chàng Trịnh, như muốn đánh vào sự tò mò về góc khuất của người nghệ sĩ tài hoa. 

Điều đáng nói ở đây, đời Trịnh Công Sơn còn nhiều cái hay, cái vĩ đại hơn như thế, nhưng biên kịch có vẻ như chỉ muốn thu hút bằng cách “kể chuyện tình”.

Em và Trịnh là một tác phẩm thất bại? - 3

Có thể nói, cách khai thác của đội ngũ Em và Trịnh đã làm sai tinh thần, trái với sự kỳ vọng mà những khán giả yêu nhạc Trịnh nghĩ về chàng Trịnh. Sai luôn lý tưởng về lòng yêu nước - nhân sinh - những triết lý mang tầm vóc lớn lao được ví như bậc vĩ nhân, mà cả đời Trịnh Công Sơn đã theo đuổi.

Em và Trịnh là một tác phẩm thất bại? - 4

Còn nếu nói phim chọn tuyến tình cảm là chính, để làm bật lên những giai nhân xuất hiện trong đời chàng Trịnh còn sai lầm hơn. 

Khi đa số khán giả xem phim, nhất là những người chưa từng tìm hiểu về Trịnh Công Sơn từ trước, hầu như chỉ nhìn thấy một tấm chân dung “đào hoa” chứ không phải “hào hoa nhạy cảm” của chàng Trịnh. Đây là điều đáng tiếc nhất, sai lầm nhất mà ê-kíp chưanhận ra.

Một tâm hồn yêu hòa bình - trăn trở về nhân sinh - không chỉ viết nhạc tình

Những tác phẩm của Trịnh Công Sơn nổi tiếng nhất, được mọi người biết đến nhiều nhất hiện nay đó là nhạc tình. Tuy nhiên, hai khía cạnh âm nhạc quan trọng và có ảnh hưởng sâu sắc đến thời cuộc của Trịnh Công Sơn chính là lòng yêu hòa bình và các triết lý nhân sinh. 

Những tác phẩm về tình yêu chỉ là một mảng nhỏ trong gia tài âm nhạc lớn, đầy trăn trở của Trịnh Công Sơn. Nếu chỉ có tình ca thôi, Trịnh Công Sơn đâu thể trở thành một tượng đài âm nhạc sừng sững như thế.

Em và Trịnh là một tác phẩm thất bại? - 5

Các tác phẩm phản chiến của Trịnh Công Sơn được công chúng chú ý từ giữa những năm 1960. Trước đó, có nhiều tác phẩm phản chiến, mang thông điệp yêu hòa bình - ghét chiến tranh được ra lò, nhưng phải đến Trịnh Công Sơn “phản chiến” mới trở thành một dòng nhạc riêng.

Những tác phẩm phản chiến của Trịnh Công Sơn phản ánh những góc nhìn khác nhau về chiến tranh Việt Nam, có thể kể đến như các tập nhạc: Ca khúc da vàng (Ngày dài trên quê hương, Người con gái Việt Nam, Hát trên những xác người, Bài ca dành cho những xác người,...), Kinh Việt Nam (Ta thấy gì đêm nay, Hành ca, Nối vòng tay lớn,...), Ta Thấy Mặt Trời, Phụ khúc da vàng.

Qua các bài hát này, tâm trạng cùng những suy tư của người thanh niên họ Trịnh đã lan tỏa vào đời sống, từ gần đến xa, từ nơi quê hương nhỏ bé của ông đến khắp đất nước.

Đến nỗi Michiko - nàng thơ ngoại quốc cũng phải hỏi đi hỏi lại chuyện: “Nhạc của anh Sơn là nhạc phản chiến?”, nhưng chàng Trịnh khó lắm mới chịu gật đầu thừa nhận.

Em và Trịnh là một tác phẩm thất bại? - 6

Triết lý nhân sinh, các thuyết cộng sinh - thuyết luân hồi, chủ nghĩa hiện sinh, được cho là cốt lõi, là cái hồn của nhạc Trịnh mà giới trẻ ngày nay, kể cả sinh viên mới mười tám - đôi mươi, cũng rất quan tâm và chọn lựa để nghiên cứu. 

Về điều này, Trịnh Công Sơn cũng từng viết: "Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được". 

Em và Trịnh là một tác phẩm thất bại? - 7

Những tư tưởng nhân sinh, về kiếp người được Trịnh Công Sơn gửi gắm vào những lời ca, vần thơ đủ khiến con người chiêm nghiệm, suy tư. Hay những tác phẩm mang đậm tính triết lý của Trịnh Công Sơn cũng được khán giả biết đến như: Cát bụi, Đêm ấy ta là thác đổ, Một cõi đi về, Phôi pha,...

Tư tưởng trong nhạc Trịnh vượt ra biên giới, còn Em và Trịnh lại chưa khai thác

Không chỉ giành được sự yêu mến của nhiều thế hệ khán giả Việt, con người và âm nhạc Trịnh Công Sơn còn vượt ra biên giới, chiếm trọn trái tim bạn bè quốc tế. Thế cớ sao Em và Trịnh lại không khai thác cái tầm vóc lớn lao đó?

Nàng thơ Michiko - người đóng vai trò khơi gợi câu chuyện về cuộc đời người nhạc sĩ trong Em và Trịnh, là một ví dụ điển hình về sự ảnh hưởng đến giới yêu nhạc quốc tế của Trịnh Công Sơn. 

Em và Trịnh là một tác phẩm thất bại? - 8

Cô đến với cuộc đời chàng Trịnh khi ông đã ở tuổi tứ tuần, đã có vị trí nhất định trong giới, đủ tầm vóc để mở các buổi ký tặng, triển lãm. 

Việc Michiko tìm đến và chọn Trịnh Công Sơn để làm luận án nghiên cứu đã cho thấy sự rung cảm và tâm hồn đồng điệu của cô, đối với một thứ âm nhạc không chỉ nằm trong phạm vi của đất nước hình chữ S mà đã lan rộng ra cả quốc tế.

Em và Trịnh là một tác phẩm thất bại? - 9

Michiko bước vào cuộc đời Trịnh Công Sơn nhờ sự đồng điệu trong cảm quan âm nhạc trước tiên, kế đó mới đến sự rung động trong tình cảm đôi lứa. 

Trong Em và Trịnh, vai trò của Michiko không được khai thác sâu, chỉ chủ yếu xoay quanh chuyện tình yêu giữa cô với chàng Trịnh, đây là điều khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối.

Em và Trịnh là một tác phẩm thất bại? - 10

Sẵn nói về việc nhạc Trịnh lan tỏa ra thế giới, nhiều người kỳ vọng thông điệp của phim về Trịnh Công Sơn cũng được bạn bè quốc tế đón nhận. 

Sự kỳ vọng trên của khán giả không chỉ mới đây, mà với phim Việt nói chung, họ đều mong các nhà làm phim chú trọng đến thông điệp của dự án. Tuy nhiên, dễ thấy thông điệp mà Em và Trịnh mang đến không đủ sức nặng để xứng với tầm vóc của phim về người nhạc sĩ Tân nhạc lớn nhất Việt Nam.

Em và Trịnh là một tác phẩm thất bại? - 11

Ví dụ như ở phim từng mang về 4 giải Oscar cho Hàn Quốc - Ký Sinh Trùng, nhà làm phim đã mang đến thông điệp ý nghĩa về sự giàu - nghèo trong cuộc sống. 

Đáng nói, giàu - nghèo là vấn đề muôn thuở tồn tại ở khắp mọi nơi. Thế nhưng ở đây, tư tưởng của đạo diễn kiêm viết kịch bản cho phim - Bong Joon Ho đã mang đến thông điệp đầy tính chiêm nghiệm khi dùng ngôn ngữ điện ảnh rất riêng và dị biệt để khiến “giàu” và “nghèo” trở thành cơn ác mộng đối với mọi người, gặm nhấm dần tâm trí của khán giả và khiến cả thế giới phải ngả mũ.

Hay như Vu Chính - biên kịch vàng của nền phim ảnh Trung Quốc cũng từng phát biểu rằng bản thân ông làm phim không hẳn chỉ để cho khán giả quê nhà thưởng thức mà còn lan tỏa nó cho cả khán giả quốc tế biết được về con người, cũng như sự tài hoa của ông. Thông qua các tác phẩm như Công Chúa Cuối Cùng, Cung Tỏa Tâm Ngọc, Diên Hi Công Lược,... người ta đã thấu hiểu được tầm nhìn, sự vĩ mô mà Vu Chính đặt vào trong các tác phẩm của mình.

Em và Trịnh và những điều chưa thuyết phục

Lại nói về tên phim - Em và Trịnh, ngay từ tiêu đề, khán giả đã phần nào hình dung được sự lãng mạn trong tình yêu của chàng Trịnh. Tuy nhiên "Em" chỉ là một chủ thể, còn nội dung trong phim có quá nhiều "Em". Như vậy cũng đủ cho thấy có gì đó sai sai với Em và Trịnh.

Nhiều khán giả cho rằng ê-kíp nên tập trung vào một giai nhân cụ thể. Ví dụ như nhân vật Dao Ánh. Đây là người mà Trịnh Công Sơn thương nhất, day dứt nhất về sau, cũng là chủ nhân của 300 phong thư tình đủ cung bậc cảm xúc.

Em và Trịnh là một tác phẩm thất bại? - 12

Hoặc chỉ khai thác sâu về nàng thơ Khánh Ly - danh ca Lệ Mai - người gắn liền với những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Danh ca Khánh Ly nói đúng hơn là một tri kỷ, một nàng thơ trong âm nhạc của chàng Trịnh. Việc cô được đặt cạnh những mối tình của Trịnh Công Sơn khiến nhiều khán giả không mấy hài lòng.

Em và Trịnh là một tác phẩm thất bại? - 13

Theo lời kể của Bùi Lan Hương, danh ca Khánh Ly đã nhận được nhiều email, cuộc gọi của ê-kíp Em và Trịnh về nhân vật trong phim. Với Em và Trịnh, danh ca Khánh Ly không hề phản đối, nhưng lại không xem phim.

Em và Trịnh là một tác phẩm thất bại? - 14

Nhiều người đặt nghi vấn vì sao danh ca Khánh Ly không xem Em và Trịnh, trong khi trước đó, bà đã hỗ trợ cho Bùi Lan Hương để hóa thân vào chính mình trong phim. 

Phải chăng nữ danh ca cảm thấy có chút chạnh lòng khi bản thân được đặt chung với những mối tình của chàng Trịnh, nhưng những đóng góp về âm nhạc của bà lại không được nhắc nhiều hay có quá nhiều tình tiết hư cấu khiến bà không "cảm" được?

Em và Trịnh là một tác phẩm thất bại? - 15

Chia sẻ về Em và Trịnh, danh ca Khánh Ly chỉ nói đơn giản bản thân bà đã có một Trịnh Công Sơn ngoài đời nên cần gì phải xem phim. Bà cũng rất trân trọng thành ý của ê-kíp đã làm nên một tác phẩm để tri ân Trịnh Công Sơn. 

Với bà, chàng Trịnh chỉ là một người bình thường, không phải vĩ nhân hay hiện tượng nghìn năm có một, nhưng ông đặc biệt ở chỗ gìn giữ tình cảm nơi trái tim mình để lan tỏa đến mọi người.

Em và Trịnh là một tác phẩm thất bại? - 16

Mấy ngày nay, công chúng đã bàn luận không ngớt về phát biểu của danh ca Khánh Ly đối với dự án về tri kỷ của mình, có người đồng cảm - nhưng cũng có người cho là bà vô tình. Nhưng điều khiến công chúng hoài nghi nhất là cô có điều gì không hài lòng về tác phẩm này chăng?

Em và Trịnh là một tác phẩm thất bại? - 17

Vậy câu hỏi đặt ra là Em và Trịnh có thật sự là bộ phim khai thác đúng về cuộc đời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hay chỉ là một tác phẩm hư cấu để nhà sản xuất lấy ra làm "kim bài" đối phó trước những phản ứng gay gắt của khán giả yêu chàng Trịnh?

Em và Trịnh là một tác phẩm thất bại? - 18

Có thể nói, Em và Trịnh đã mang đến một dự án chưa thật sự thành công về tượng đài âm nhạc Trịnh Công Sơn. Nhưng biết đâu được, trong tương lại sẽ có những tác phẩm làm tốt hơn, truyền tải thông điệp sâu sắc hơn về cuộc đời Trịnh Công Sơn, giống như danh ca Khánh Ly đã nói, biết đâu sau Em và Trịnh sẽ có phiên bản khác - Trịnh và Em nào đó thì sao?

Theo Team Điện Ảnh (Saostar.vn)




https://saostar.vn/dien-anh/em-va-trinh-la-mot-tac-pham-that-bai-202206222324229845.html