Giải trí

Diva như Thanh Lam chỉ cần lo... đi hát!

Không thể phủ nhận Thanh Lam được đào tạo bài bản, có tài năng, sáng tạo và đam mê nghề nghiệp… nhưng có phải ai cũng thích nghe Thanh Lam hát đâu.

Nhạc sĩ Trần Tiến trong một phát ngôn mới nhất đã nhận định: Thanh Lam là một người có học, được đào tạo cơ bản. Với nỗ lực sáng tạo, tài năng thực sự trong giới ca sỹ, cô đã được người ta xem là “Nữ hoàng nhạc nhẹ”. Nhưng thích nghe Thanh Lam hát hay không lại là việc khác. "Thú thật, cá nhân tôi không thích nghe Thanh Lam hát", nhạc sĩ nói.

Thanh Lam sở hữu một giọng nữ trung (Mezzo vocal) đầy nội lực, kỹ thuật thanh nhạc tốt, với đa dạng trong phong cách âm nhạc. Cô cũng là ca sĩ tự do đầu tiên được Nhà nước phong danh hiệu NSƯT. Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, 3 tuổi, Thanh Lam đã được người cha dạy hát và nghe đàn piano. Bảy tuổi được mẹ dạy chơi đàn thập lục, tập hát các bài dân ca. Năm 9 tuổi, Thanh Lam được tuyển chọn vào Nhạc viện Hà Nội theo học môn đàn tỳ bà hệ 11 năm, đồng thời tham gia ca hát trong đội "Chim sơn ca" của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Diva như Thanh Lam chỉ cần lo... đi hát!
NSƯT Thanh Lam

Dù được khán giả gọi với danh xưng diva nhưng tiếng hát, cách hát của Thanh Lam không phải ai nghe cũng thích, cũng thấu. Có điều, nữ nghệ sĩ được mến mộ, trân trọng bởi quá trình cống hiến miệt mài, đi hát từ tuổi niên thiếu cho đến tận bây giờ. Tất cả những lần ồn ào, tai tiếng của Thanh Lam toàn dính dáng đến phát ngôn về nghề nghiệp, đồng nghiệp chứ hiếm khi cô bị ném đá vì "hát không ai hiểu". Vậy tại sao một diva như Thanh Lam không chuyên tâm lo đi hát mà thỉnh thoảng lại "gây bão" phát ngôn làm gì.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường từng có nhận xét khá hay về Thanh Lam: "Nghệ sĩ mà thăng bằng, tỉnh táo quá là vứt, cảm giác chông chênh mới mang lại thăng hoa trong sáng tạo. Có thể thấy sự thiếu thăng bằng đến nghiêng ngả ở Thanh Lam, thể hiện ở sự khát khao, nổi loạn, có lúc đẩy niềm vui lên đến tận cùng, rồi cũng có lúc để mình chìm đi trong nỗi buồn. Và đó chính là cái hay, cái mạnh của Thanh Lam".

Nghịch lý ở chỗ, nếu như sự nổi loạn trong âm nhạc ở Thanh Lam là điều công chúng, đồng nghiệp có thể hiểu và chia sẻ thì ở khía cạnh đời sống lại vô cùng khó khăn cho sự đồng cảm. Khi một người đàn bà nổi loạn, dám đối diện với bản ngã của mình, dám thách thức đám đông đang hao hao giống nhau đồng nghĩa với chuyện chủ thể ấy đang ở rất gần "mép vực" đời sống, gần với tai tiếng, thị phi.

Diva như Thanh Lam chỉ cần lo... đi hát! - 1
Thanh Lam không ngại "chê" Mỹ Tâm, Thu Minh

Năm 2010, khi Uyên Linh vừa đăng quang ngôi vị quán quân Vietnam Idol, Thanh Lam đã nói thẳng toẹt: "Uyên Linh về mặt ca hát cũng bình thường thôi và tôi không thích lắm". Một thời gian sau, khi được hỏi về giám khảo The Voice, Thanh Lam đáp: "Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà dùng công nghệ rất nhiều. Tôi cũng ngạc nhiên và không thể tưởng tượng ra hai bạn ấy sẽ dạy bằng cái gì? Có bột mới gột nên hồ. Phải có trình độ mới dạy được".

Năm 2016, Thanh Lam mắng Hồ Quỳnh Hương trên sóng truyền hình và dính nghi vấn "đá xéo" đàn em trên trang cá nhân: "Cô huấn luyện viên hàng ngày đóng kịch với chính mình. Cô dạy học trò cái văn hoá vốn có nơi cô! Đã bao giờ nhìn mình thật chưa... mọi thứ đều giả".

Gần nhất, cùng với phát ngôn nhạy cảm về các ca sĩ phía Nam ít học hành, nữ nghệ sĩ còn nhận xét về Mỹ Tâm, Thu Minh, Hương Tràm, Chi Pu... khiến khán giả sững sờ. Về quyền cá nhân, về vị trí nghề nghiệp, Thanh Lam có quyền phát ngôn nhận xét như thế nhưng nếu xét yếu tố văn minh trong ngành nghề nghệ thuật, liệu có đảm bảo không?

Yếu tố căn cốt nhất khiến ca sĩ chinh phục khán giả là tiếng hát. Bởi lẽ đó mà công chúng cũng đủ bao dung để hiểu rằng nghệ sĩ không thể "mười phân vẹn mười" về mặt đời sống, phát ngôn... nhưng một người có nền tảng cơ bản như Thanh Lam, một người không bao giờ chỉ chịu hát theo bản năng như Thanh Lam rất cần thêm sự văn minh trong đời sống âm nhạc.

Một nghệ sĩ như Thanh Lam được khán giả tôn trọng, hâm mộ bắt đầu qua giọng hát, phong cách, bản lĩnh nhưng rất có thể sự thất vọng, quay lưng lại được bắt đầu từ những cú vấp váp trong phát ngôn, đời sống. Nếu chú ý, sẽ thấy rằng, xưa nay, càng những "cây đa cây đề" trong làng nghệ thuật, họ càng khiêm tốn, cẩn trọng trong phát ngôn vì phàm là những người sống nhờ khán giả, họ càng ý thức sâu sắc giá trị đỉnh cao hay vực sâu của nghề nghiệp.

Những lời chê của Thanh Lam không hẳn không có lý. Ngay cả quan niệm ca sĩ phải không ngừng học tập mới bền lâu cũng chẳng sai. Tuy nhiên, cách mà nữ nghệ sĩ bày tỏ, giới hạn trong ngôn ngữ, đối tượng vẫn quá hớ hênh. Sự học là học cả đời, ngay trong cách ăn nói, ứng xử cũng phải học chứ chưa nói tới nhạc lý, kỹ năng sân khấu.

Trong khi những nghệ sĩ gạo cội như Khánh Ly vẫn hào hứng nghe nhạc Sơn Tùng M-TP, đứng chung với Hồ Ngọc Hà song ca trên sân khấu... thì phát ngôn mang cảm hứng "kẻ cả", "bề trên" khi Thanh Lam nhận xét về đồng nghiệp đương nhiên thành chủ đề bài xích, chê trách. Bằng không, nhẹ nhàng hơn thì cũng chẳng được hưởng ứng.

Đời sống âm nhạc nói riêng, nghệ thuật nói chung ở thời điểm hiện tại đã không còn chỗ cho những vị trí độc tôn. Thay vào đó là sự phân tách thành các nhóm nghệ sĩ, trào lưu, khán giả. Nên việc đứng ở vị trí này nhận xét vị trí kia, phân biệt sự cống hiến qua tuổi tác, bằng cấp, giải thưởng... nhiều khi trở nên thừa thãi.

Còn nhớ, trong một cuộc phỏng vấn, khi chúng tôi gọi Khánh Ly với danh xưng "danh ca" thì bà đã nhẹ nhàng đính chính xin được gọi là ca sĩ. Trở lại câu chuyện của Thanh Lam, dù cô không tự nhận nhưng danh xưng diva đã mang đến cho cô quá nhiều hào quang, hậu đãi.

Xét cho cùng, cái danh xưng mà công chúng dành cho một ca sĩ như thế đủ khẳng định phần nào cống hiến của họ trong ca hát nhưng cũng như một lời nhắc nhớ rằng vai trò của họ chỉ là hát thôi. Chỉ cần hát thôi! Tiếng hát chính là ngôn ngữ với một người ca sĩ. Ở đó gói ghém gần như tất cả: Tâm tư, tình cảm, tư duy âm nhạc... Người nào càng sử dụng tốt ngôn ngữ ấy, càng tịnh tiến đến văn minh nghề nghiệp mà không cần tuyên ngôn!

Theo T.Nam (Giadinh.net.vn)

Nguồn tin: http://giadinh.net.vn/giai-tri/diva-nhu-thanh-lam-chi-can-lo-di-hat-20171025164230932.htm