Giải trí

“Đặc vụ áo đen - Sứ mệnh toàn cầu”: Khi MIB được ‘mix’ với James Bond

Trilogy kinh điển của MIB đã bị phá vỡ chỉ vì một quyết định mạo hiểm - làm thêm phần 4 của nhà sản xuất.

Laurie MacDonald - nhà sản xuất của MIB từng chia sẻ rằng series phim đã khép lại hoàn hảo với 3 phần, sứ mệnh của Will Smith (J) và Tommy Lee Jones (K) đã hoàn thành và họ không nghĩ đến việc sẽ có thêm phần thứ 4 trong nhiều năm. Đó là lý do mà phải mất 7 năm “Đặc vụ áo đen: Sứ mệnh toàn cầu” mới ra đời, xem như là một quyết định mạo hiểm so với những dự tính ban đầu.

Thị phần khán giả sau 7 năm đã có nhiều thay đổi đáng kể, lớp fans cũ của MIB đã trưởng thành, nhường rạp chiếu bóng cho lớp khán giả trẻ hơn, nhu cầu giải trí khác hơn. Sẽ có nhiều người hoàn toàn mới mẻ với MIB, Will Smith hay Tommy Lee Jones, vì vậy việc phải làm mới kịch bản và bối cảnh đặt ra nhiều thử thách cho những người làm phim. Không ít người tiếc nuối cho sự nghiệp áo đen 15 năm của đặc vụ J và đặc vụ K, nhưng cũng dễ lòng thông cảm cho cái khó của biên kịch và đạo diễn khi đảm nhận việc phát triển một thương hiệu nhượng quyền đã ghim sâu ấn tượng cho khán giả.

Trailer Đặc vụ áo đen.

 “Đặc vụ áo đen: Sứ mệnh toàn cầu” là phần thứ 4 trong series phim hành động - viễn tưởng “Men in black”, ra mắt sau MIB 3 bảy năm và một phần tư thế kỉ kể từ khi Will Smith và Tommy Lee Jones lần đầu tiên giới thiệu đến khán giả thế giới điệp viên đầy lôi cuốn MIB. Tessa Thompson và Chris Hemsworth đảm nhiệm 2 phiên bản mới của Will Smith và Tommy Lee Jones, dẫn đầu sứ mệnh quan trọng của văn phòng MIB London - bảo vệ trái đất khỏi sự hủy diệt của đám người ngoài hành tinh có tên gọi The Hive và tìm ra kẻ gián điệp nằm vùng trong tổ chức âm mưu phản bội loài người.

“Đặc vụ áo đen - Sứ mệnh toàn cầu”: Khi MIB được ‘mix’ với James Bond

Thế giới điệp viên trong các bộ phim Hollywood luôn gắn liền với văn hóa và bối cảnh mỗi quốc gia, nếu như Kingsman hay James Bond ghi dấu ấn thương hiệu từ phong cách điệp viên lịch lãm, sang trọng, quyến rũ của các quý ông châu u, thì MIB với Will Smith và Tommy Lee Jones đã làm nên một chất Mỹ đậm đặc, hài hước, sôi nổi, nhiệt huyết và chân thành.

Tuy nhiên với “Đặc vụ áo đen: Sứ mệnh toàn cầu”, người ta ít thấy chất Mỹ của năm xưa, thay vào đó là màu sắc James Bond đã được đạo diễn F.Gary Gray vay mượn quá nhiều. Vấn đề bắt đầu từ cái tên “International” của MIB 4, sau 7 năm quy mô hoạt động của tổ chức đã nhân rộng lên đến tầm cỡ quốc tế, không chỉ còn mang sứ mệnh bảo vệ người Mỹ mà còn cả thế giới. Điều đó có lẽ đã buộc MIB phải thay đổi cả phong cách thời trang, hành động và lối sống của mình.

Điệp viên H (Chris Hemsworth) được xem là nhân bản của James Bond trong hàng ngũ MIB, kiểu điệp viên phiêu lưu được cử từ London đến Paris, qua Marrakesh, Morocco rồi trở về. H ngủ với người ngoài hành tinh, say sưa với những ly cocktail dị thường và lái những chiếc siêu xe với tốc độ bạt mạng. Bạn đồng hành của H cũng là một cô gái, chỉ thiếu vẻ ngoài gợi cảm, quyến rũ như các Bond-girl, vì M (Tessa Thompson) còn bận rộn với bộ đồng phục đen kín bưng của tổ chức.

“Đặc vụ áo đen - Sứ mệnh toàn cầu”: Khi MIB được ‘mix’ với James Bond - 1

Các nhà làm phim Hollywood luôn muốn kiếm chác nhiều hơn từ những bộ phim nhượng quyền của mình, nhưng khi bắt tay vào thực hiện một bom tấn mới, họ thường quá cầu kì đến nỗi quên luôn việc tại sao bộ phim gốc lại thành công ngay từ đầu. Hình ảnh mà "Đặc vụ áo đen" đã gây dựng từ năm 1997 thành công bắt nguồn từ sự hài hước do tính cách đối lập của cặp đôi bạn thân J và K. Bộ phim khai thác sâu mối quan hệ của 2 người bạn cũng là 2 đồng nghiệp trong bối cảnh hành động lôi cuốn đan xen giữa thực tại và viễn tưởng. Những pha hành động có phần lúng túng và vụng về nhưng vẫn rất ăn ý, đạt hiệu quả thị giác lẫn cảm xúc cho người xem. Trong khi M và H lại có mối liên kết khá lỏng lẻo trong “Đặc vụ áo đen: Sứ mệnh toàn cầu”, cả trên vai trò đồng nghiệp lẫn tình bạn đều chưa đủ thuyết phục. Cuộc hợp tác chớp nhoáng trong “Thor: Ragnarok” chưa đủ để Thompson và Hemsworth trở thành cặp đôi vàng trên màn ảnh hứa hẹn.

Điểm sáng tạo hấp dẫn duy nhất có lẽ là thay vì MIB là nơi chủ động tìm kiếm điệp viên như trong các phần phim trước, lần này Molly (Tessa Thompson) chính là người đã tìm ra tổ chức. Molly đã mất 20 năm học hỏi, rèn luyện để được trở thành một phần của MIB, sau cuộc ghé thăm định mệnh của của 2 điệp viên áo đen tới nhà khi cô còn nhỏ. Điểm sáng thứ 2 của bộ phim thật tiếc không tới từ dàn diễn viên chính mà phải kể đến sự xuất hiện tinh nghịch, hài hước của người ngoài hành tinh mini Pawny (Kumail Nanjiani). Pawny đã góp phần không nhỏ trong những pha hài nhẹ nhàng gây cười cho khán giả, cũng là nhân vật cứu team trong phút chót giữa trận chiến gần như thất bại trước The Hive.

“Đặc vụ áo đen - Sứ mệnh toàn cầu”: Khi MIB được ‘mix’ với James Bond - 2

Sony và các đồng sự đang kì vọng “Đặc vụ áo đen: Sứ mệnh toàn cầu” sẽ đạt doanh thu 30 triệu đô vào cuối tuần này sau 3 ngày công chiếu, tuy nhiên nhượng quyền liệu có thể tồn tại khi thiếu vắng tên tuổi Will Smith và Tommy Lee Jones hay không vẫn là một câu hỏi mở.

“Đặc vụ áo đen: Sứ mệnh toàn cầu” do F.Gary Gray đạo diễn, kịch bản bởi Art Marcum và Matt Holloway được chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ 14/06.

Trúc An (SHTT)