Giải trí

“Chồng hờ” của cô gái mù trong “Điều ước thứ 7” giờ ra sao?

Hơn một năm trước, câu chuyện về cặp vợ chồng người hát rong Thanh - Đào trong chương trình “Điều ước thứ 7” đã làm không ít khán giả phải rơi nước mắt. Nhưng sự thật về người chồng đã có vợ con ở Thanh Hóa sau đó bị phát hiện. Sau sự cố, không ai biết anh Thanh và chị Đào bây giờ có cuộc sống ra sao?

 

 Hơn một năm trước, câu chuyện về cặp vợ chồng người hát rong Thanh - Đào trong chương trình “Điều ước thứ 7” đã làm không ít khán giả phải rơi nước mắt. Nhưng sự thật về người chồng đã có vợ con ở Thanh Hóa sau đó bị phát hiện. Sau sự cố, không ai biết anh Thanh và chị Đào bây giờ có cuộc sống ra sao?

Vợ chồng anh Thanh - chị Hà. Ảnh: Ngọc Hưng
 

Chồng đi biển, vợ bán cá

Nằm ở cuối con đường đất ngay cạnh bãi biển, ngôi nhà cấp 4 cũ thuộc thôn 8, xã Quảng Đại, thị xã Sầm Sơn (trước kia thuộc huyện Quảng Xương) là nơi trú ngụ của gia đình anh Nguyễn Nhật Thanh. Sự lam lũ, vất vả in hằn trên khuôn mặt từng thành viên trong gia đình. Sự việc xảy ra cách đây hơn một năm như một cơn ác mộng, tình yêu chân thành của người vợ tần tảo sớm hôm là sợi dây gắn kết bền chặt để họ tiếp tục với cuộc sống hiện tại, cùng nhau nuôi những đứa con thơ dại.

Cũng như bao đứa trẻ ở vùng biển, lúc nhỏ, anh Thanh theo mẹ chờ bố mỗi khi thuyền cập bờ, rồi lại tất tả cùng mẹ mang cá, tôm ra chợ bán. Lớn lên, anh vừa đi học, vừa cùng bố ra biển. Nửa năm lớp 10, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh quyết định bỏ học. Hai bố con ngày ngày vật lộn với những con sóng dữ, thu nhập chẳng đáng là bao nhưng cũng đủ cho cả gia đình chi tiêu. Năm 2010, anh kết hôn với chị Nguyễn Thị Hà, cùng thôn.

Trong câu chuyện có phần rụt rè, anh Thanh tâm sự: “Bây giờ, những nhà có điều kiện đều sắm tàu lớn ra khơi xa đánh bắt. Do khó khăn nên gia đình tôi chỉ đánh bắt gần bờ. Nghề biển vất vả, nguy hiểm, lại thêm cái đói nghèo cứ đeo bám mãi không thoát ra được. Từ nhỏ tôi đã thích ca hát, có chút năng khiếu nên tôi theo anh em ra Hà Nội hát rong kiếm tiền phụ vợ con. Hai năm lăn lộn, phiêu dạt khắp đất Hà thành, những đồng tiền kiếm được từ nghề hát rong cũng cơ cực, nhiều lúc cay đắng vô cùng. Sau khi sự việc xảy ra, được sự động viên của vợ và gia đình, tôi quyết định quay về quê nhà tiếp tục bám biển mưu sinh qua ngày. Khoảng 3h sáng tôi đi biển, tầm 8-9h quay về, vợ tôi mang cá, tôm đi bán. Thu nhập không ổn định, có hôm được lãi vài trăm ngàn đồng, nhưng cũng có nhiều hôm phải bù lỗ tiền dầu. Cuộc sống rất vất vả nhưng không có nghề phụ nào khác nên phải cố gắng thôi. Vợ chồng cùng nhau chia sẻ những khó khăn và chăm các con khôn lớn trưởng thành”.

Nên duyên với cô hàng xóm qua tiếng hát

Tuy cuộc sống còn bộn bề khó khăn, vất vả nhưng các thành viên trong gia đình luôn cố gắng vượt qua. Ông Nguyễn Bá Nhữ (53 tuổi, bố anh Thanh) bị bệnh tim, thoái hóa đốt sống cổ, có tháng phải nhập viện 2 lần. Gần đây nhất, các bác sĩ tư vấn phải nong động mạch vành với số tiền lên đến 60 triệu đồng. Do không có tiền nên ngày ngày ông vẫn gắng gượng ra biển kiếm mớ cá, con tôm về phụ giúp gia đình. Bà Nguyễn Thị Chung (mẹ anh Thanh) bị tiểu đường, ngoài thời gian trông cháu, bà vẫn đi chợ buôn bán kiếm từng đồng bạc lẻ.

Nói về cuộc sống hiện tại, bà Chung cho biết: “Chúng tôi không mong gì hơn, chỉ mong các con hạnh phúc, các cháu khỏe mạnh, cuộc sống cứ bình yên như thế này là mãn nguyện rồi. Cái gì qua thì cứ để cho nó qua đi. Những chuyện không mong muốn đã xảy ra, mọi người đều bị tổn thương. Sau những xáo trộn, hiện cuộc sống gia đình tôi dần dần ổn định lại. Tôi rất mừng vì vợ chồng Thanh sống vui vẻ, hạnh phúc. Trong thôn xóm, nhà nào có đám cưới, việc vui, Thanh đều đến hát hò khiến chúng tôi cũng an lòng”.

Nhớ lại những ngày tháng mới yêu nhau, chị Nguyễn Thị Hà (vợ anh Thanh) chia sẻ: “Chúng tôi là người cùng làng, lớn lên cùng nhau. Học xong cấp 2, tôi vào Nam đi làm công ty. Sau khi bố ốm, tôi về quê để chăm sóc ông và làm nghề phơi cá thuê cho nhà người họ hàng ở gần nhà anh Thanh. Anh ấy hay qua nhà chơi, rồi ra ngoài bãi biển hát cho mọi người nghe. Giọng hát ngọt ngào, tha thiết luôn làm trái tim tôi xao xuyến. Sau một năm yêu nhau, chúng tôi quyết định kết hôn. Cuộc sống cơm áo đè nặng nên anh bàn với tôi ra Hà Nội hát rong. Còn tôi ở nhà, sáng sớm gửi con cho mẹ rồi tất tả đạp xe đạp xuống cảng Hới, cách xa nhà gần 20 cây số để lấy cá về bán. Vất vả lắm nhưng thu nhập cũng chỉ vài chục đến 100.000 đồng là nhiều. Những lúc không buôn cá, tôi đi làm sứa thuê. Cả ngày cũng chỉ kiếm được 50.000 đồng, cùng với tiền anh ấy gửi về dành dụm nuôi con”.

Đôi mắt đượm buồn khi nghĩ đến những việc đã qua, với vai trò là vợ, là mẹ, chị Hà đã phải gắng gượng vượt qua những gièm pha, dị nghị của xóm làng. Điều chúng tôi cảm nhận được chính từ tình yêu chân thành của chị đã giữ vững được hạnh phúc gia đình trước những sóng gió. Những lúc rảnh rỗi, anh Thanh lại lấy đồ nghề ra hát cho vợ con nghe. Sau sóng gió, giờ gia đình anh chị đang sống khá hạnh phúc. "Giờ sẽ không đồng ý cho chồng đi xa nữa. Qua năm, tôi sẽ xin đi làm công ty để có thêm thu nhập, vừa để có điều kiện lo cho con cái tốt hơn, vừa đỡ đần gánh nặng với chồng”, chị Hà chia sẻ về những dự định trong tương lai.

Năm 2015, chương trình “Điều ước thứ 7” của VTV3 phát sóng câu chuyện gây xúc động về cặp vợ chồng hát rong Nguyễn Nhật Thanh (người Thanh Hóa) và người vợ khiếm thị Nguyễn Như Đào (người Nghệ An). Năm năm sống với nhau, họ có một con gái xinh xắn tên là Sao Mai, với mong ước sau này con lớn lên sẽ được đứng trên sân khấu Sao Mai điểm hẹn. Ước muốn của cặp vợ chồng được ê-kíp chương trình đáp ứng trong một buổi ghi hình của cuộc thi Sao Mai điểm hẹn. Câu chuyện của cặp vợ chồng Thanh - Đào gây xúc động lớn cho khán giả, được nhiều người gọi là chuyện cổ tích giữa đời thường. Tuy nhiên, sau khi phát sóng, chương trình bị phát hiện có nhiều thông tin sai sự thật. Theo đó, nhân vật người chồng Nguyễn Nhật Thanh có tên thật là Nguyễn Bá Thanh và đã có vợ con ở quê nhà Thanh Hóa là chị Nguyễn Thị Hà. Anh cũng không tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia như đã được đưa tin.

 

Theo Ngọc Hưng (Gia Đình & Xã Hội)