Giải trí

Cách nào ngăn chặn 'thảm họa' phim Việt ra rạp?

Một bộ phim cũng như một món hàng bày lên trên kệ của siêu thị (ở đây là hệ thống rạp phim). Thế nên cách tốt nhất để ngăn một món hàng kém chất lượng được bày bán, là nhà quản lý rạp phim phải cấm cửa ngay từ khâu “nhập hàng”.

Ngăn chặn từ xa 

Cách nào ngăn chặn 'thảm họa' phim Việt ra rạp?
Cảnh trong phim 'Mưu kế thượng lưu', một thất bại ngoài rạp chiếu năm 2022

Tuy nhiên, nói đi phải nói lại, hệ thống rạp chỉ là đơn vị kinh doanh thuần túy. Họ không phải thời điểm nào cũng có phim tốt để lấp kín toàn bộ suất chiếu được lên lịch. Từ đó phát sinh vấn đề, cứ thử chiếu nếu không được thì rút phim từ nhiều suất thành ít suất, hoặc nếu quá tệ thì sau vài ngày là rút phim hoàn toàn khỏi hệ thống rạp của mình. 

Lúc này, điểm mấu chốt sẽ nằm ở chỗ là nhà phát hành sẽ chào với hệ thống rạp những phim gì. Hệ thống rạp không có chức năng phát hành phim, do đó họ phụ thuộc rất lớn vào chất lượng phim mà nhà phát hành mang đến. Một bộ phim ra rạp chính thức ở Việt Nam, thông thường hệ thống rạp sẽ lấy 55% trên tổng doanh thu toàn bộ phim, còn nhà phát hành sẽ nhận được tỷ lệ phần trăm nhất định dựa trên thỏa thuận với nhà sản xuất phim khi quyết định nhận phát hành. 

Chính vì tỷ lệ phần trăm chi phí phát hành khác nhau cũng như khâu thẩm định bộ phim của các ekip phát hành cũng rất khác nhau, dẫn đến tình huống có thể phim bị từ chối bởi nhà phát hành này song lại được một nhà phát hành khác nhận về làm. 

Lúc này, một nhà phát hành có tâm và có tầm sẽ thể hiện rất rõ ở việc có dám mạo hiểm hợp tác với phim thảm họa, hay từ chối thẳng thừng dù lợi ích tài chính mang đến có thỏa mãn hoàn toàn. 

Ở Việt Nam, bên cạnh thỏa thuận phát hành liên quan đến tiền bạc, còn có một vấn đề khác nữa là mối quan hệ với các nhà sản xuất thân quen. Và thật ra, đây mới chính là điểm chí tử của việc rất nhiều nhà phát hành lớn nhận phát hành phim thảm họa dù tận trong thâm tâm muốn từ chối cả ngàn lần. Hình thức “bia kèm lạc” này đã và vẫn đang diễn ra trong suốt nhiều năm qua tại thị trường Việt Nam. Do đó, lại thêm một kẽ hở nữa phát sinh từ phía nhà phát hành khiến cho các “phim thảm họa” vẫn cứ tung tăng ra rạp, dù người trong cuộc đã biết trước hệ lụy phát sinh. 

Vẫn còn 'Thượng phương bảo kiếm'

Cách nào ngăn chặn 'thảm họa' phim Việt ra rạp? - 1
Nhiều bộ phim thảm họa đáng lẽ cần phải được ngăn chặn trước khi ra rạp.

Một bộ phim muốn ra rạp thì phải cần nhà phát hành, sau đó nhà phát hành sẽ đưa phim cho hệ thống rạp xếp lịch chiếu, cuối cùng khán giả là người chọn phim khi đến rạp. Song, một bộ phim muốn được phát hành phải có giấy phép công chiếu. Và giấy phép công chiếu này do Hội đồng duyệt phim quốc gia trực thuộc Cục điện ảnh cấp phép. 

Như vậy, có thể thấy “thượng phương bảo kiếm” lúc này rõ ràng đang nằm trong tay của các thành viên Hội đồng duyệt phim. Về mặt nguyên tắc, không thể ngăn cấm việc trình chiếu một bộ phim không vi phạm bất cứ quy định nào về việc cấp phép phát hành. Tuy nhiên, phim là một sản phẩm rất đặc thù, có sức tác động rất lớn với khán giả ở khía cạnh văn hóa lẫn tâm lý. Thế nên, các thành viên của Hội đồng duyệt phim hoàn toàn có thể từ chối cấp phép nếu cảm thấy bộ phim có tác động xấu đến thị trường điện ảnh, đến thị hiếu khán giả và thậm chí là là giảm sút mức độ tin cậy của nền điện ảnh chúng ta trong mắt của các đối tác quốc tế.

Không cấp phép cho phim “thảm họa” chắc chắn là một thách thức hoàn toàn mới với Hội đồng duyệt phim. Nhưng việc này hoàn toàn cần thiết, và phải thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo mỗi bộ phim đưa ra trước công chúng đều có một chuẩn chất lượng nhất định. 

Nếu Hội đồng duyệt phim làm được điều này, cũng chính là cách ngăn chặn các nhà sản xuất manh nha có ý định làm tiếp các phim “thảm họa” trong tương lai gần. Đồng thời, giải quyết luôn khâu chất lượng sản phẩm khi đưa đến tay nhà phát hành sau đó đi ra hệ thống những cụm rạp. 

Khi những “kẽ hở” được bịt kín ngay từ đầu. Dù cho những đam mê, nhiệt huyết, ý định tốt của các đạo diễn và nhà sản xuất phim có bị “đặt sai tình huống” đến đâu, thì cũng sẽ không bao giờ có thêm những “thảm họa” phim Việt nữa xuất hiện trong tâm trí khán giả. 

Và không chỉ khán giả của điện ảnh Việt Nam cảm ơn mà chính các nhà sản xuất, đạo diễn có tay nghề, những người làm việc liên quan đến các khâu trong ngành sản xuất phim… cũng sẽ rất vui mừng. Bởi không thể nào để “một con sâu làm rầu nồi canh” huống gì là “rất nhiều con sâu đang làm rầu nồi canh”! 

Theo Nguyễn Phong Việt (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/cach-nao-ngan-chan-tham-hoa-phim-viet-ra-rap-2087743.html