Giải trí

'Bố Già là chuyện kỳ ngộ chỉ có ở Hollywood và cũng chỉ 100 năm mới có một lần'

Bình Bồng Bột - biên kịch của Tiệc Trăng Máu đã đưa ra những quan điểm tích cực về tương lai của điện ảnh Việt nhân dịp phim đại thắng doanh thu cán mốc 200 tỷ.

Chiều ngày 14/3, nhà sản xuất Bố Già hân hoan thông báo tin từng: bộ phim của Trấn Thành đã công phá cột mốc 200 tỷ chỉ sau 9 ngày chiếu, trở thành phim điện ảnh Việt có doanh thu nội địa cao nhất từ trước đến nay. Thành công và tốc độ của Bố Già là một trường hợp vô tiền khoáng hậu tại phòng vé Việt, thể hiện không chỉ chất lượng của tác phẩm mà còn là tiềm năng của điện ảnh nước nhà. Bộ phim giờ đây không chỉ trở thành "cục cưng" của nền công nghiệp phim nội địa, mà còn là tấm gương, một trường hợp sẽ được nhắc đến mãi về sau nhờ những kỷ lục mà nó tự đặt, tự công phá.

'Bố Già là chuyện kỳ ngộ chỉ có ở Hollywood và cũng chỉ 100 năm mới có một lần'

Trước sự thể hiện của Bố Già, nhiều nhà làm phim bên cạnh việc cảm thấy vui mừng cho phim thì cũng đặt ra những nỗi lo riêng. Liệu trong tương lai, sẽ có nhiều tác phẩm "bắt chước Bố Già", mong muốn lập lại thành công của phim và đẩy thị trường vào "thế bí", hay tác phẩm sẽ trở thành áp lực cho những bộ phim khác?

Anh Bình Bồng Bột - biên kịch của "bom tấn" Tiệc Trăng Máu từng thắng đậm vào năm ngoái đã đăng tải một bài chia sẻ khá dài trên trang Facebook cá nhân. Anh thể hiện thái độ lạc quan về thành công của Bố Già, rằng "Bố Già chắc chắn sẽ chạm mốc 300 tỉ, thậm chí có thể hơn, để trở thành bộ phim ăn khách nhất qua mọi thời đại tại Việt Nam. Khẩu hiệu 'giải cứu phim Việt' với 'Ủng hộ phim Việt' cất vào kho được rồi."

'Bố Già là chuyện kỳ ngộ chỉ có ở Hollywood và cũng chỉ 100 năm mới có một lần' - 1
Bình Bồng Bột là biên kịch của nhiều bộ phim nổi tiếng, là người đã "Việt hóa" kịch bản của Tiệc Trăng Máu. Các dự án tiếp theo của anh có Trạng Tí và Em Và Trịnh.

Nguyên văn chia sẻ của biên kịch Bình Bồng Bột:

1. Hôm qua sau một ngày làm việc mệt điên tôi tìm đến rạp để xem phim Raya. Hầm giữ xe to khổng lồ của Landmark 81 quá tải, xe vừa ùa xuống đã phải quay trở lên. Tìm chỗ ném cái xe xong, tôi vào rạp thì thấy quá tải. Ai cũng đòi xem Bố Già, nhưng bốn suất liền nhau trống không còn một chỗ kín, í nhầm, kín không còn một chỗ trống. Suất nửa đêm còn hai ghế hàng đầu, hai bạn nam đi cùng nhau trù trừ không biết có nên mua rồi ngồi chờ năm tiếng đồng hồ để xem không. Một bạn nói: "Ngồi hàng A thì ngó lên chỉ thấy cái lỗ mũi của Trấn Thành thôi". Rốt cục cãi nhau xong thì họ vẫn quyết định sẽ vào xem cái lỗ mũi của Trấn Thành. Và lỗ mũi của Tuấn Trần, Ngọc Giàu, Lê Giang, Hoàng Mèo… nữa.

2. Bố Già hết, họ tràn sang xem Gái Già. Kết hợp với các bạn đã muốn xem Gái Già từ đầu, các suất của Gái Già kín mít luôn hàng A. Nhóm này tất nhiên sẽ xem lỗ mũi của Kaity Nguyễn, cô Hồng Vân và cô Lê Khanh. Cuối cùng, đám đông đến xem Bố Già và Gái Già hết vé đã tràn qua mua sạch vé Raya. Không còn vé, tôi lủi thủi ra về mà lòng hân hoan quá đỗi. Lần cuối cùng ta thấy cảnh rạp nhộn nhịp đông đảo như vậy là lúc nào?

3. Rạp khát khán giả, khán giả khát phim hay. Và Bố Già như một cơn mưa tưới mát cùng lúc cả hai cơn khô hạn ấy. Tôi nghĩ những ai đang làm phim rồi sẽ nhớ Bố Già, như đã từng nhớ Gái Nhảy của anh Lê Hoàng đã có công kích hoạt trở lại các rạp chiếu ngày trước. Cám ơn những ai đã có công làm nên bộ phim này.

4. Bố Già chắc chắn sẽ chạm mốc 300 tỉ, thậm chí có thể hơn, để trở thành bộ phim ăn khách nhất qua mọi thời đại tại Việt Nam, vượt qua cả mọi bom tấn nước ngoài. Đó là tin vui. Vì nó cho thấy phim ta có thể ăn trên sân nhà, đấu sòng phẳng với những phim nước ngoài. Khẩu hiệu "giải cứu phim Việt" với "Ủng hộ phim Việt" cất vào kho được rồi. Kong vs Godzilla mày cứ bước ra, tụi tao đấu với mày. Thắng thì tụi tao nổ, thua tụi tao… sẽ chúc mừng mày.

5. Chúc mừng người thắng sẽ là và nên là thái độ của các nhà làm phim Việt trong tương lai. Tôi có một vận may lớn là dù bước vào nghề chưa lâu, toàn được làm việc cùng những nhà làm phim văn minh. Họ luôn khen phim người khác nếu thành công, luôn tự kiểm điểm mình khi phim không thắng và trên hết là tư duy nhìn về phía trước. Anh Vũ Ngọc Đãng lần đầu trong đời có một phim ăn khủng khiếp như thế, lập tức lao vào phát triển một dự án mới. Anh Charlie Nguyễn thì cứ "Bố Già hay quá" với "Trấn Thành giỏi quá". Anh Nguyễn Quang Dũng thì nói "Tiệc Trăng Máu là cơn mưa còn Bố Già là cơn bão". Chúc mừng người giỏi sẽ tạo ra tư duy hướng thượng. Sự đố kỵ tích cực sẽ cùng kéo mọi người đi lên.

6. Điều tôi lo ngại nhất là mọi người sẽ nảy ra tư duy "làm phim kiểu Bố Già". Không đâu. Trấn Thành cả đời chỉ có một Bố Già thôi. Muốn thành công ở phim tiếp theo, anh sẽ cần một câu chuyện khác và một cách kể chuyện khác. Và mãi mãi sẽ không có "Bố Già 2" hay "Bố Già 3" đâu. Đó là chuyện kỳ ngộ chỉ có ở Hollywood và cũng 100 năm mới có một lần. Nếu giữ tư duy "làm phim kiểu Bố Già" thì điện ảnh Việt chỉ có những bản sao thảm hại của Bố Già mà thôi.

7. Và cũng đã đến lúc hạn chế dùng những danh xưng như đạo diễn trăm tỷ, biên kịch trăm tỷ, diễn viên trăm tỷ. Tôi mong khi mỗi dự án mở ra, người ta không còn nêu ra mục tiêu là chạm mốc 100 tỷ nữa. Bố Già sẽ chạm mốc 300 tỷ và tôi tin muộn nhất một năm, cột mốc 400 tỷ sẽ được chinh phục, khi thị trường đã mở ra và các nhà làm phim ngày càng giỏi hơn. Nhưng những cột mốc trăm tỷ ấy sẽ sai lắm nếu ta mang nó ra nói chuyện khi mở ra một dự án.

8. Khi Trấn Thành và ê kíp làm "Bố Già", tôi tin là họ chỉ muốn kể câu chuyện của mình. Chuyện của một ông bố và một cậu con trai thương nhau nhưng không có cách nào thể hiện tình cảm ấy. Sự dồn nén ấy đã tích tụ trong người Trấn Thành mấy chục năm, cũng như đã tích tụ mấy chục năm trong lòng chúng ta. Nên khi nghe câu "lần cuối mọi người chụp hình với ba của mình là lúc nào", nước mắt ta trào ra không có gì ngăn được. Nó là mũi dao đâm vào cảm thức sâu thẳm của từng người ở cái đất nước Á Đông này, của cái nếp nghĩ lịch sự với người ngoài nhưng khắc nghiệt với người thương. Trấn Thành kể nó vì không kể ra, anh chịu không nổi.

9. Hãy khởi đầu bộ phim từ một nỗi đau. Mang nó ra giải phẫu và mời mọi người cùng xem. Để họ nhận ra: chà, ta cũng có nỗi đau ấy, và giờ ta về mà mổ nó ra thôi.

10. Đầy niềm tin khi nhìn về tương lai. Mong lắm những câu chuyện của Việt Nam được kể ra. Dân tộc mấy ngàn năm này có hàng vạn nỗi đau đang chờ các bác sĩ tâm hồn cầm con dao lên, với trọn vẹn tấm lòng được chữa lành, chứ không phải vì ca mổ ấy trị giá trăm tỷ!

Lỡ hẹn ở rạp chiếu dịp Tết, thế nhưng Bố Già đã tự làm ra "Tết" ở rạp phim 1 tháng sau đó, khi xã hội vừa bước qua thời kì chống dịch căng thẳng. Người ta đến rạp xem Bố Già, rồi có thể xem nốt Gái Già Lắm Chiêu V, sau nữa thì còn có Raya Và Rồng Thần Cuối Cùng - bom tấn Hollywood duy nhất có mặt tại rạp. Như vậy, trước mắt thì rạp chiếu Việt đang sôi động hơn bao giờ hết khi chỉ có sự đối đầu của 3 bộ phim lớn.

"Tre già thì măng mọc", và những nhà làm phim trẻ, tài năng mới sẽ tiếp tục "kế nghiệp" Bố Già hay Hai Phượng, Tiệc Trăng Máu... để làm nên những tác phẩm sẽ còn vượt qua cả cột mốc 200 tỷ bây giờ. Nhìn Avengers: Endgame từng chạm mốc 285 tỷ ở thị trường Việt hồi năm 2019, chứng tỏ khán giả vẫn luôn sẵn sàng để bỏ tiền ra rạp khi có một bộ phim xứng đáng, khi họ tìm thấy được cảm xúc và sự sẻ chia, choáng ngợp ở phim.

'Bố Già là chuyện kỳ ngộ chỉ có ở Hollywood và cũng chỉ 100 năm mới có một lần' - 2

Cũng chẳng phải lo lắng rằng Bố Già sẽ tạo tiền đề để nhiều tác phẩm "sao chép", "bắt chước" xuất hiện. Điện ảnh luôn luôn thay đổi, và nếu như Trấn Thành đã xuất sắc trong việc sáng tạo ra câu chuyện của Bố Già, thì sẽ còn nhiều tài năng nữa đang ấp ủ những dự án tham vọng như vậy, hấp dẫn như vậy mà chẳng cần phải cố kiếm lấy điểm tương đồng với các phim đã thành công. Phải có sự đổi mới và sáng tạo, thì mới có thành công rực rỡ. Trấn Thành có lẽ cũng không quá quan trọng việc phải có "Bố Già 2" hay những phần tiếp theo, vì một bộ phim có lẽ sẽ giữ mãi được hào quang nếu nó không bị người ta cố gắng lôi ra mổ xẻ, kéo dài chỉ vì lợi nhuận. Bộ phim đã có một cái kết hoàn chỉnh, và giờ đây con đường của Trấn Thành, hay Vũ Ngọc Đãng sẽ hướng tới những tham vọng tiếp theo của họ ở sân chơi điện ảnh quá sức rộng lớn, cả nội địa và quốc tế.

Bố Già thành công trong việc kể một câu chuyện về nỗi đau trong gia đình. Còn nhiều câu chuyện nữa gần gũi, hoặc ấm áp hoặc xót xa, nhưng đều đáng thưởng thức và có tiềm năng công phá màn ảnh Việt. Hóa ra, điện ảnh Việt chẳng bao giờ cần khán giả phải giải cứu. Thứ đang cần sự quan tâm, chính là cảm xúc của khán giả mà thôi!

Theo HIEUTHUBA (Pháp Luật & Bạn Đọc)




https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/bo-gia-la-chuyen-ky-ngo-chi-co-o-hollywood-va-cung-chi-100-nam-moi-co-mot-lan-162211403180009775.htm