Giải trí

8 điểm khác biệt lớn nhất giữa 'Vua sư tử' mới so với bản gốc

Mặc dù diễn biến phim không khác gì bản gốc, nhưng có lẽ đạo diễn Jon Favreau hiểu rằng nếu không có các chi tiết khác biệt, chắc chắn sẽ chẳng ai đón nhận phim của mình. Chính vì thế, một vài gia vị mới được thay đổi trong “Vua sư tử” (2019) sẽ là điều bạn cần chú ý ngay bây giờ để không lỡ nhịp khi xem phim nhé.

Với phiên bản điện ảnh của “Lion King” mà Disney vừa ra mắt khán giả ngày hôm nay, đạo diễn Jon Favreau hẳn đã khiến người hâm mộ ngạc nhiên và thích thú. Phiên bản mới so với bộ phim hoạt hình sản xuất năm 1994 đã có nhiều thay đổi, khác biệt lớn nhất là cách tiếp cận hình ảnh thực tế so với hình ảnh hoạt họa.

Các diễn viên cũng thay đổi, Donald Glover và Beyoncé trong vai Simba và Nala trưởng thành, trong khi Billy Eichner và Seth Rogen đảm nhận lồng tiếng cho Timon và Pumbaa. Phần lớn bộ phim có cốt truyện và diễn biến không khác gì phiên bản trước, từ đoạn phim mở đầu về cuộc sống của muông thú quanh hồ nước, cho đến cảnh Simba lang thang một mình sau đó chạy trốn khỏi Xứ Vua. Nhưng có một số thay đổi nhỏ khiến “Lion King” (2019) trở nên khác biệt.

1. Vai trò phụng sự của Zazu đối với Mufasa

Nếu như trong phiên bản hoạt hình năm 1994, Zazu được biết đến như một cố vấn chính trị của nhà vua thì trong “Lion King” (2019) vai trò này đã được thay đổi phù hợp hơn với hoàn cảnh và ưu thế của loài chim, Zazu vừa là người bảo vệ cho Simba, vừa là người đưa tin mẫn cán.

2. Nhà tiên tri Rafiki trở nên kiệm lời

Trong phiên bản cũ của “Lion King”, Rafiki có nhiều đất diễn và không gian để phô trương năng lực tiên tri cùng pháp thuật thần tiên của mình, nhà tiên tri cũng đặc biệt nói khá nhiều khiến khán giả khó lòng quên được những đoạn thoại đắt giá của Rafaki với Simba. Trong bản điện ảnh mới, sự hiện diện của Rafaki khá dè dặt, chỉ xuất hiện trong những lúc thật cần thiết, dường như ý đồ của đạo diễn là muốn nhân vật này trở nên huyền bí hơn.

8 điểm khác biệt lớn nhất giữa 'Vua sư tử' mới so với bản gốc

3. Cuộc chạm mặt đám linh cẩu lần đầu tiên của Simba

Một số hội thoại đã được đưa vào đoạn này đầy tinh tế, tăng thêm sự sống động và chân thực cho bản điện ảnh. Sự tương tác giữa Simba, Nala, Zazu và đám linh cẩu thể hiện rõ cá tính và cảm xúc của các nhân vật. Simba thì quá trẻ con, hiếu thắng, trong khi đám linh cẩu thì cười cợt, chế giễu và đầy dã tâm.

4. “Be prepared” với màn trình diễn của Scar và đám linh cẩu

Đoạn phim ca nhạc với ca khúc “Be Prepared” khi Scar đến tìm và lôi kéo đám linh cẩu về phe mình đã được “xào” lại hợp lý và lôi cuốn hơn rất nhiều. Ở phiên bản cũ, hình ảnh đám linh cẩu được mô tả như những kẻ ăn thịt ngu ngốc và đi theo Scar như nô lệ phục tùng trong kế hoạch độc ác của hắn. Trong phiên bản mới, “Be prepared” mang nhiều ý nghĩa hơn, Scar kết bạn và hợp tác với thủ lĩnh đàn linh cẩu để đôi bên cùng có lợi, trên danh nghĩa bạn bè hắn lợi dụng sự bảo vệ của đàn linh cẩu trước ngai vàng của mình.

5. Hành động của Scar và Zazu thay đổi tại hẻm núi

Ở phiên bản mới, khi Mufasa lao xuống hẻm núi để cứu Simba trước cơn chạy loạn của đàn trâu rừng, Scar đã khuyên Zazu đi gọi bầy sư tử đến giúp đỡ để mình có thời gian thủ tiêu Simba. Trong khi đó, phiên bản cũ Scar đã lộ bộ mặt thật ngay lúc nguy nan, ngăn cản không cho Zazu đi báo tin.

8 điểm khác biệt lớn nhất giữa 'Vua sư tử' mới so với bản gốc - 1

6. Hành trình phiêu lưu của búi lông Simba đã được li kì hóa

Trong phiên bản gốc, Simba rụng một búi lông, theo gió, nó bay đến chỗ Rafiki và chính nhờ đó Rafiki đã biết rằng vị vua tương lai còn sống. Vẫn là hành trình ấy, đạo diễn Jon Favreau đã khiến nó trở nên li kì và hấp dẫn hơn khi nó chui tọt vào bụng chú hươu cao cổ, lẫn trong đống phân hươu và được một chú bọ cánh cứng mang về nhà, sau đó tình cờ bị tha đi bởi một đàn kiến trước khi đến được tay Rafiki.

7. Nala có thêm nhiều đất diễn

Nala vốn là nhân vật luôn được khán giả yêu thích, vai trò của cô trong bộ phim lần này được khai thác tối đa. Theo nguyên bản, Nala sinh ra đã mang trong mình dòng máu của một chiến binh mạnh mẽ, mỗi khi tranh cãi với Simba cô luôn có xu hướng lãnh đạo. Trong “Lion King” (2019), Nala đã được ưu ái riêng 1 cảnh solo, đó là khi cô thực hiện cuộc vượt ngục táo bạo để đi tìm đồng minh bên ngoài Xứ Vua, với sự trợ giúp đánh lạc hướng của Zazu. Trở lại Xứ Vua cùng Simba, năng lực chiến đấu của Nala một lần nữa được khẳng định trong trận chiến cuối với Scar và đàn linh cẩu.

8. Thời lượng phim dài hơn

So với 88 phút của bản cũ, thì 118 phút của “Lion King” (2019) sẽ giúp khán giả thỏa mãn hơn về thị giác khi câu chuyện được kể dưới góc nhìn điện ảnh chi tiết và cặn kẽ hơn.

“Vua sư tử” phiên bản 2019 đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ 17/7.

Trúc An (SHTT)