Gia đình

Vợ hốt hoảng khi thấy chồng ngâm mấy chum rượu tiếp khách ngày Tết

Kể từ ngày 1/1/2020, Việt Nam sẽ cấm triệt để hành vi đi xe ra đường (bao gồm cả ôtô, xe máy, xe đạp điện…) khi có nồng độ cồn trong người. Ấy thế mà, tôi lại thấy chồng mua về chum to, chum nhỏ ngâm rượu đãi khách ngày Tết.

Lấy chồng được 5 năm nhưng tôi chưa phải làm dâu ngày nào bởi vợ chồng tôi sống và làm việc ở TP. Hà Nội. Trong khi đó, quê của hai vợ chồng là một, nhà nội nhà ngoại cạnh nhau, mỗi lần về quê là về cả nhà nội nhà ngoại luôn.

Chồng tôi là con trưởng. Chính vì vậy, cứ gần đến Tết dù công việc của tôi bận đến thế nào vẫn phải lo sắm sanh đồ ăn, thức uống và ti tỉ thứ nữa…

Vợ hốt hoảng khi thấy chồng ngâm mấy chum rượu tiếp khách ngày Tết

Nhưng như thế đã là gì, sợ nhất là 3 ngày Tết, tôi bắt đầu lục đục từ chiều 30 Tết nào gói bánh chưng, thịt gà cúng giao thừa, gói nem… và thêm đủ thứ việc không tên. Đến sáng sớm mồng Một là phải có 3 mâm cỗ cúng. Tới 9, 10h sáng, cô dì, chú bác, các em đông đủ, quần áo xúng xính tới chúc Tết chỉ việc ngồi vào mâm thì tôi vẫn quần áo luộm thuộm, tay dầu tay mỡ.

Năm nào cũng như năm nào, thôi thì tôi cũng đã quen với cảnh làm dâu trưởng, học hai chữ “chấp nhận”. Nhưng nghĩ vẫn tủi, trong khi các mọi người thảnh thơi đi chúc Tết thì hai vợ chồng ở nhà “trực chiến” đợi khách tới chúc Tết. Cứ lượt khách này đi, lượt khách này đến và trà bánh cũng mang ra mang vào. Đặc biệt, bia rượu hết lon này đến chén kia đến mức chồng tôi nồng nặc mùi rượu, chân nam đá chân xiêu cả mấy ngày Tết.

Năm nay, chồng tôi tuyên bố ngâm 3 chum rượu táo mèo, nếp cẩm, mơ để tiếp khách. Tôi “ngã ngửa” trước tuyên bố của chồng vì đã sợ lắm cảnh ai đến cũng lôi chén rượu ra tiếp, cụng với nhau vài chén.

Nếu như đã có chén rượu chén trà, chồng tôi ở nhà nằm nghỉ ngơi thì tôi cũng chẳng kêu ca làm gì đâu. Đằng này, chồng tôi lại lôi xe máy đi chúc Tết riêng từng nhà nữa. Đến mỗi nhà lại làm thêm chén rượu hoặc hớp bia mà ngày Tết mà không thể từ chối được.

Mà kể từ ngày 1/1/2020, nhà nước sẽ cấm triệt để hành vi đi xe ra đường (bao gồm cả ôtô, xe máy, xe đạp điện…) khi có nồng độ cồn trong người. Nói với chồng vậy mà ông ấy cứ gạt phăng đi kêu Tết nhất phải có chén rượu, chén trà; từ lâu tục lệ làng mình đã vậy rồi.

Nhẽ ra ngày Tết được đi chơi, được xả hơi thì đây tôi lại lo ngay ngáy sợ chồng đi đường lái xe không an toàn, sợ chồng uống nhiều về lại nôn thốc nôn tháo, gở mồm lại trúng gió thì khổ.

Thấy chồng tuyên bố vậy, tôi thủ thỉ bảo chồng năm nay ở lại Hà Nội đón Tết được không? Đằng nào, vợ chồng lấy nhau mấy năm chưa có năm nào đón Tết ở nhà riêng của mình. Rồi mồng Hai, cả gia đình về chúc Tết ông bà nội, ngoại, họ hàng.

Thế nhưng, chồng tôi kêu tôi ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho mình, sao không nghĩ ông bà ở quê lủi thủi một mình, chờ con cháu, buồn biết bao.

Vợ chồng vẫn về thăm ông bà chứ Tết có không về đâu mà chồng tôi nói vậy. Ừ, đúng là về muộn mấy hôm thì ông bà cũng sẽ mong nhưng như thế ông bà càng quý chứ sao, “xa thơm gần thối” mà.

Chứ năm nay mà lại lặp lại như mọi năm, cứ nghĩ đến các hoạt động ngày Tết tôi đã thấy chân tay rã rời rồi không biết phải làm sao để chồng xoay chuyển ý đây. Mọi người cho tôi lời khuyên.

Theo PV (Nguoiduatin.vn)




https://www.nguoiduatin.vn/vo-hot-hoang-khi-thay-chong-ngam-may-chum-ruou-tiep-khach-ngay-tet-a461210.html