Gia đình >> COVID-19 (nCoV)

Vì sao sống chung với F0 nhưng xét nghiệm nhiều lần vẫn âm tính?

Nhiều người thắc mắc vì sao sống chung nhà với F0 nhưng xét nghiệm nhiều lần cho kết quả âm tính.

Chia sẻ về sự việc, BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cũng cho rằng, việc ở chung với F0 xét nghiệm âm tính là chuyện bình thường. Ngưỡng chống chọi với bệnh tật của mỗi con người khác nhau, khả năng lây nhiễm cũng khác với bất kỳ một bệnh nhiễm trùng nào cũng vậy, ghi nhận trên VTC.vn

Về bệnh học, việc một người bị lây nhiễm hay không phụ thuộc vào các yếu tố như: Thời gian tiếp xúc với F0 nhiều hay ít; nồng độ virus xâm nhập vào cơ thể cao hay thấp và khả năng miễn dịch tại chỗ của người đó ở mức độ nào…

“Việc sống chung hoặc tiếp xúc trực tiếp với F0 nhưng xét nghiệm vẫn âm tính không có gì lạ. Bởi có thể quá trình tiếp xúc không nhiều, nồng độ virus xâm nhập vào cơ thể ít, khi vào cơ thể khả năng miễn dịch của họ lại cao thì virus sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt. Điều này càng rõ hơn với người tiêm đủ vaccine hoặc đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, để xác định chính xác một người trước đó mắc COVID-19 và sau đó khỏi bệnh chúng ta phải xét nghiệm kháng thể”, BS Hà nhấn mạnh.

Vì sao sống chung với F0 nhưng xét nghiệm nhiều lần vẫn âm tính?

Đồng quan điểm, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM, trường hợp sống chung nhà với F0 nhưng xét nghiệm nhiều lần vẫn âm tính thường có 2 khả năng xảy ra.

Thứ nhất, người xét nghiệm “mãi vẫn âm tính” bị bệnh từ trước, rồi lây cho người khác, sau đó khỏi bệnh. Điều này cho thấy, người này nhiễm nCoV nhưng không triệu chứng và tự khỏi. Khi đã khỏi bệnh thì test nhanh không thể ra kết quả dương tính.

Thứ hai là do người này được tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ. BS Khanh cho biết, người tiêm đủ 2 mũi vaccine sẽ xảy ra các trường hợp như không bị lây nhiễm SARS-CoV-2, bị lây nhiễm gây bệnh nhẹ, bị lây nhiễm gây bệnh nặng (nhưng không đến mức tử vong) và số ít dù tiêm vaccine nhưng vẫn ảnh hưởng tính mạng.

Chuyên gia cho rằng, ở chung nhà với F0 nhưng xét nghiệm âm tính là chuyện bình thường, đặc biệt trong bối cảnh nhiều người được tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19.

Chuyên gia này lý giải thêm, một người tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19, trong cơ thể đã có lượng kháng thể nhất định. Khi tiếp xúc với F0 (người này cũng đã tiêm đủ 2 mũi) thì có thể không bị lây nhiễm. Bởi theo nghiên cứu người tiêm đủ vaccine khi là F0 thường phát tán tán ít virus hơn người chưa tiêm.

Những việc F0 và người sống cùng nhà với F0 cần làm khi cách ly, điều trị tại nhà

Những việc F0 cách ly, điều trị tại nhà cần làm:

- Luôn giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người khác.

- Không ăn uống cùng với người khác.

- Không tiếp xúc gần với người khác.

- Không sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm với các phòng khác trong nhà.

- Không rời khỏi khu vực cách ly.

- Bổ sung dinh dưỡng hợp lý, rèn luyện các bài tập tăng cường chức năng hô hấp và vận động hàng ngày giúp giãn nở lồng ngực, tăng thông khí ra vào phổi, hô hấp tốt hơn, tăng cường khả năng vận động và các cơ tham gia hô hấp, ngăn chặn suy giảm thể chất, cải thiện tinh thần, tăng cường sức khoẻ.

- Ngoài ra, Bộ Y tế cũng có một số lưu ý khác về việc vệ sinh dụng cụ ăn uống của F0 để tránh lây nhiễm như: F0 nên có một bộ đồ dùng cá nhân để ăn uống riêng, tốt nhất là nên dùng dụng cụ dùng một lần; nếu đồ tái sử dụng thì rửa bằng nước nóng và xà phòng và tự rửa ở phòng riêng; nếu cần người chăm sóc hỗ trợ thì người chăm sóc phải mang găng tay khi thu dọn đồ ăn và rửa bát đĩa. Luôn mở cửa sổ, cửa lối đi khi có thể, cho không khí luôn được thay đổi; Không để luồng khí thổi từ phòng F0 vào không gian chung; Sử dụng quạt và máy lọc không khí và rửa tay thường xuyên là vấn đề được Bộ Y tế nhấn mạnh để giảm lây nhiễm COVID-19.

Người sống cùng nhà với F0 cần làm những việc sau:

- Cách ly người nhiễm khỏi những người khác.

- Thường xuyên vệ sinh tay, đeo khẩu trang, sử dụng găng tay đúng cách.

- Vệ sinh dụng cụ ăn uống tránh lây nhiễm, vệ sinh bề mặt tiếp xúc và môi trường xung quanh sạch sẽ.

- Xử lý đồ vải và vật dụng, chất thải và dịch tiết đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tránh lây nhiễm.

Lưu ý: Người nhiễm COVID-19 (F0) không được tiếp xúc với vật nuôi trong nhà và Bộ Y tế cũng khuyến cáo, người sống cùng nhà với F0 cũng không nên tiếp xúc gần với vật nuôi; không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/vi-sao-song-chung-voi-f0-nhung-xet-nghiem-nhieu-lan-van-am-tinh-tintuc800047