Gia đình

Ung thư da từ nốt ruồi ở cánh mũi

Nốt ruồi ở cánh mũi của người phụ nữ 57 tuổi ngày càng to bất thường, không đau, kết quả sinh thiết da là ung thư tế bào đáy.

Bệnh nhân khám ở một bệnh viện, bác sĩ tư vấn phẫu thuật cắt bỏ nốt ruồi trị ung thư da, khả năng sau mổ để lại sẹo xấu. Bệnh nhân lại khám ở Bệnh viện Da liễu TP HCM vào đầu tháng 3. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt rộng thương tổn, kết hợp lấy vạt da vùng rãnh mũi má để xoay chuyển lên vùng nốt ruồi đã cắt, đảm bảo tính thẩm mỹ và tỷ lệ tái phát thấp.

Bác sĩ Phạm Văn Đảm, Đơn vị Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu TP HCM, ngày 14/3, cho biết sau khi cắt rộng thương tổn để xử trí ung thư, vùng cánh mũi sẽ để lại một khuyết hổng lớn.

"Trước đây khi tạo hình vùng cánh mũi, các bác sĩ ít chú trọng tính thẩm mỹ nên thường dùng phương pháp lấy da vùng sau lỗ tai để ghép vào cánh mũi", bác sĩ Đảm chia sẻ. Sau mổ, màu da không tương đồng, một bên cánh mũi không phồng lên khiến hai bên mũi không cân xứng, không đảm bảo thẩm mỹ.

Ung thư da từ nốt ruồi ở cánh mũi
Bác sĩ phẫu thuật tạo hình cánh mũi cho nữ bệnh nhân 57 tuổi bị ung thư da. Ảnh: Lan Anh.

Gần đây, bệnh viện áp dụng phương pháp xoay vạt da từ vùng rãnh mũi má vào vùng cánh mũi nên màu sắc tương đồng, cánh mũi phồng tự nhiên, hai bên cân xứng. Nơi lấy vạt da sau khi khâu lại trùng với rãnh mũi má nên giấu được sẹo.

Theo bác sĩ Đảm, việc xử trí thương tổn và tạo hình được thực hiện trong cùng một cuộc mổ, giúp rút ngắn thời gian nằm viện còn 5-7 ngày. Trước đây, ở nhiều nước, bác sĩ triển khai hai lần mổ, sau khi lấy vạt da chuyển vào vùng cánh mũi đã cắt bỏ thương tổn ung thư, bác sĩ khâu lại, giữ cuống chờ 21 ngày sau mới phẫu thuật lần hai để cắt cuống và tạo hình cánh mũi.

Ung thư da từ nốt ruồi ở cánh mũi - 1
Vạt da vùng rãnh mũi má để xoay chuyển lên vùng cánh mũi. Ảnh: Lan Anh.

Ngoài bệnh nhân ung thư da, phương pháp này còn được bệnh viện áp dụng ở những bệnh nhân bị tai nạn, chấn thương dẫn đến bị khuyết vùng cánh mũi.

Bệnh viện Da liễu TP HCM mỗi năm ghi nhận khoảng gần 2.500 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị ung thư da. Để phòng tránh ung thư da và có làn da khỏe mạnh, bác sĩ khuyến cáo mọi người hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 10 sáng đến 3 giờ chiều, sử dụng kem chống nắng thường xuyên, che chắn làn da khi ra ngoài trời nắng...

Nên chú ý kiểm tra làn da thường xuyên. Khi thấy có các dấu hiệu như có nốt ruồi bị đau, xuất huyết, thay đổi kích thước nhanh chóng hoặc xuất hiện vùng da bất thường, biến đổi màu sắc... cần tới ngay cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được thăm khám.

Các nốt ruồi xuất hiện từ khi còn rất nhỏ tuổi, là do các tế bào sắc tố da sẫm màu phát triển thành nhóm. Đây là một yếu tố mang tính di truyền. Tuy nhiên việc thường xuyên để da tiếp xúc với ánh nắng cũng là nguyên nhân hình thành các nốt ruồi, tàn nhang, đốm nâu.

Người nhiều nốt ruồi hoặc nốt ruồi bất thường có nguy cơ mắc bệnh ung thư da cao hơn. Những nốt ruồi bất thường lớn hơn so với nốt ruồi bình thường, có nhiều khả năng trở thành ung thư. Nếu có nốt ruồi bất thường hãy theo dõi chúng thường xuyên và thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán.

"Ung thư da nếu phát hiện và điều trị sớm có thể chữa khỏi", bác sĩ Đảm nói.

Thủ phạm gây ung thư da Nốt ruồi 10 năm trên mũi hóa ung thư da Thực phẩm có tác dụng chống nắng cho da Tia cực tím TP HCM ở mức nguy hại da Ở trong nhà có nên thoa kem chống nắng?

Theo Lê Phương (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/ung-thu-da-tu-not-ruoi-o-canh-mui-4247185.html