Gia đình >> COVID-19 (nCoV)

Tự ý mua dùng thuốc trị COVID-19, F0 đối mặt với những nguy cơ gì?

Trước thực trạng số ca F0 đang tăng nhanh tại Hà Nội, nhiều người dân đã tự ý tìm mua tích trữ và tự ý sử dụng thuốc trị COVID-19. Tuy nhiên, việc dùng sai thuốc không chữa được bệnh, thậm chí sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng.

Dịch Covid-19 tại Hà Nội leo thang trong thời gian vừa qua tạo áp lực lớn lên lực lượng quản lý và điều trị F0. Khó tiếp cận với y tế cơ sở để được hỗ trợ điều trị Covid-19 tại nhà, một bộ phận người dân "tự xoay xở" bằng cách mua các thuốc được cho là có thể chữa Covid-19, đặc biệt là thuốc kháng virus. Thậm chí, nhiều trường hợp chưa phải là F0 cũng mua sẵn thuốc kháng virus để dự phòng.

Chỉ cần không đến 5 phút lướt trên các trang mạng có thể bắt gặp hàng trăm lời quảng bá về các loại thuốc trị COVID- 19 "xách tay" với rất nhiều lời mời chào hấp dẫn, và hướng dẫn cách sử dụng…

Thuốc được tư vấn là thuốc điều trị COVID-19 của Nga, có tác dụng ức chế virus, tăng cường đề kháng, giảm tối đa lây nhiễm COVID-19. Thuốc có nhiều dạng, dùng cho các lứa tuổi và giá thì "trên trời": Liệu trình 40 viên 10 triệu, hộp 100 viên 13 triệu, 17 viên giá gần 3 triệu…Thuốc molnupiravir 400mg được chào bán với giá 1,2 triệu đồng/vỉ 10 viên; molcovir có giá gần 5 triệu đồng cho 1 hộp 100 viên nang; thuốc arbidol 200mg của Nga được rao bán giá 290-350 ngàn đồng/hộp 10 viên; thuốc areplivir có giá từ 2,1-2,5 triệu đồng/hộp; thuốc favipiravir và remdesivir cũng được chào bán với giá từ 3-5 triệu đồng..

Tự ý mua dùng thuốc trị COVID-19, F0 đối mặt với những nguy cơ gì?
Nguy hiểm khi tự mua thuốc điều trị COVID-19 tại nhà. 

Chị ĐTH (Cầu Giấy) chia sẻ trên Sức Khỏe & Đời Sống: "Cơ quan tôi mới có F0, nhà có con nhỏ, bố mẹ già, nên cũng mua sẵn thuốc kháng virus để dự phòng. Chị cho hay, qua tham khảo trên mạng chị thấy có rất nhiều loại thuốc trị COVID-19 của nước ngoài với nhiều loại giá khác nhau và đã tìm mua một số loại như: Favipiravir, molnupiravir, areplivir, arbidol… với số tiền gần 10 triệu đồng".

Vì sao người dân lùng mua thuốc kháng virus về tích trữ và điều trị dẫn đến thị trường chợ đen có giá “trên trời”? Chị N.T.C ở quận Hà Đông cho biết: “Để được phát gói thuốc B, C thì người bệnh phải có kết quả xét nghiệm PCR dương tính. Như nhà tôi test nhanh dương tính, báo y tế phường lấy mẫu xét nghiệm, 3 ngày sau mới có kết quả, mà thuốc này hiệu quả cao nhất là uống vào “thời gian vàng”, nghĩa là sau khi dương tính phải uống ngay. Chính vì vậy chúng tôi phải mua thuốc ở chợ đen về uống. Mới đây tôi được biết thuốc mà mình uống bên Ấn Độ đã ngừng sử dụng vì có nhiều tác dụng phụ”. Thông tin trên CAND Online.

Liên quan tới sự việc, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hiệp, Khoa Huyết học, Bệnh viện Quân y 103, thành viên nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà cho biết, khi biết bản thân mắc Covid-19, hầu như ai cũng có tâm lý lo lắng, tự lên mạng mua các thuốc kháng virus của Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… về uống. Đây đều là các thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng, hàng xách tay nên dù bệnh nhân có chỉ định dùng hoạt chất đó nhưng không rõ nguồn gốc nên bác sĩ cũng không thể tư vấn dùng.

Theo BS Hiệp, điều này mang lại hiệu quả không tốt, thậm chí quá liều có thể dẫn đến ngộ độc với các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt…

"Cá biệt có trường hợp mới chỉ là F1 đã mua thuốc kháng virus xách tay để dùng. Thuốc kháng virus phải dùng đúng chỉ định mới có tác dụng, không thể dùng như thuốc bổ được", BS Hiệp chia sẻ trên Dân Trí.

Trên CAND, ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, thuốc điều trị COVID-19, đặc biệt là thuốc kháng virus đều là những thuốc mới được nghiên cứu. Vì vậy, các đặc tính của thuốc cũng như các tác dụng và độc tính vẫn cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu tiếp. Những trường hợp mắc COVID-19 cần được theo dõi chặt chẽ để có sự hướng dẫn tốt nhất về chuyên môn. Người dân không tự ý dùng hoặc nghe theo lời mách bảo của những người bán hàng không có chuyên môn có thể vừa mất tiền vừa có hại nếu dùng sai.

BS Cấp cho biết, với những người là F0 nếu không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ thì có thể không cần phải uống thuốc. Đặc biệt với thuốc kháng virus Molnupiravir, chưa được Bộ Y tế cấp phép, hiện đang sử dụng trong chương trình điều trị có kiểm soát, do đó, các F0 chỉ được sử dụng khi đã khám sàng lọc, đánh giá và cam kết tham gia với sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế. 

Tự ý mua dùng thuốc trị COVID-19, F0 đối mặt với những nguy cơ gì? - 1
Không khó để tìm thấy các bài viết quảng cáo bán thuốc molnupiravir trên mạng xã hội.

Trên Người lao động, cảnh báo mới nhất của Bộ Y tế về thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19: 

- Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu trứng dưới 5 ngày.

- Molnupiravir không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp.

- Molnupiravir không được sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng Covid-19.

- Đối với phụ nữ có thai và cho con bú: Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.

- Đối với trẻ em và thanh thiếu niên: Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.

- Đối với nam giới: Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới hoạt động tình dục với phụ nữ có khả năng sinh đẻ nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Theo khuyến cáo của BS, người dân cần chuẩn bị sẵn những thuốc này trong nhà để dự phòng chẳng may mình là F0 phải cách ly: Kháng sinh; chống viêm; chống đông máu; giảm đau hạ sốt; chống dị ứng, dự phòng và điều trị loét dạ dày, thực quản; giảm ho; tăng cường miễn dịch (với người suy giảm miễn dịch tiến triển), điều trị bệnh nền (người có bệnh nền). Lưu ý là khi sử dụng những thuốc này đều phải hỏi ý kiến của bác sĩ.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/tu-y-mua-dung-thuoc-tri-covid-19-f0-doi-mat-voi-nhung-nguy-co-gi-tintuc805275