Gia đình

Từ vụ 8 sinh viên ngộ độc rượu, 2 người tử vong: Làm sao phân biệt rượu ethanol và rượu chứa độc chất methanol?

Đã có nhiều cái chết thương tâm vì ngộ độc rượu chứa độc chất methanol. Làm sao để phân biệt rượu ethanol và rượu chứa độc chất methanol?

Vụ việc 8 người (tuổi đời chỉ 19 - 23) nghi ngộ độc rượu tại nhà hàng Mr Bao (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP.HCM) dẫn đến 2 người chết, 6 người đang cấp cứu khiến nhiều người bàng hoàng.

Thông tin với phóng viên Dân trí, TS.BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, đến sáng 7/8 trong số nạn nhân của vụ nghi ngộ độc rượu xảy ra ở phường Phước Long B (TP Thủ Đức) đang điều trị tại đây, chỉ có trường hợp của chị T.T.G.M. còn nặng. Các trường hợp còn lại hiện cải thiện tốt.

Trước đó vào chiều tối 5/8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định liên tục tiếp nhận 4 trường hợp chuyển tuyến, đều 20 tuổi với chẩn đoán ngộ độc Methanol.

Từ vụ 8 sinh viên ngộ độc rượu, 2 người tử vong: Làm sao phân biệt rượu ethanol và rượu chứa độc chất methanol?
Có 4 trường hợp phải cấp tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Ảnh: BVCC).

Cụ thể, bệnh nhân L.Q.K. nhập viện trong tình trạng đau đầu, chóng mặt. Kết quả kiểm tra nồng độ Methanol trong máu 246.46 mg/dL. Bệnh nhân được lọc máu, điều trị nội khoa tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU).

Bệnh nhân T.T.G.M. nhập viện trong tình trạng lơ mơ, lay gọi không trả lời, không tỉnh táo, phải thở oxy canula. Người nhà cho biết trước đó bệnh nhân nôn ói nhiều, chóng mặt, đau bụng, sau đó co giật. Hiện tình trạng bệnh nhân bị toan chuyển hóa nặng, tăng kali máu, được đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu, điều trị tại khoa ICU.

2 bệnh nhân còn lại là V.V.Đ. (nam) và N.T.T.V (nữ) trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc tốt, hiện được theo dõi và điều trị tại khoa Nội tiết thận.

Phân biệt Ethanol và Methanol

Ethanol là cồn được sản xuất bằng hình thức chưng cất bởi các loại tinh bột từ các loại ngũ cốc, gạo… Một trong những ứng dụng của Ethanol đó là nguyên liệu chính trong thức uống có cồn, nước hoa, nước súc miệng cũng có Ethanol.

Ở mức cho phép, chất này không gây hại cho cơ thể người. Tuy nhiên, để tăng lợi nhuận, một số gian thương sản xuất rượu bằng cách pha loãng cồn Ethanol, điều này làm nồng độ Ethanol trong rượu tăng cao, gây ảnh hưởng xấu cho người sử dụng.

Methanol được sản xuất từ các loại vật liệu có chứa cenlulose, được dùng trong công nghiệp hòa tan các chất vô cơ hay hữu cơ. Khác với Ethanol thì Methanol không tốt cho cơ thể khi ngộ độc có những biểu hiện tổn thương nghiêm trọng.

Ngày nay, hàm lượng Methanol cho phép trong rượu 0.1%. Tuy nhiên trên thị trường tỷ lệ này trong rượu cao hơn rất nhiều.

Từ vụ 8 sinh viên ngộ độc rượu, 2 người tử vong: Làm sao phân biệt rượu ethanol và rượu chứa độc chất methanol? - 1

Khó phân biệt rượu ethanol và rượu chứa độc chất methanol

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 7-8, chuyên gia hóa học, PGS Trần Hồng Côn cho biết bằng vị giác và khứu giác, con người không thể phân biệt rượu ethanol và rượu chứa độc chất methanol. Cách duy nhất để phân biệt là thực hiện xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Ông Côn cho hay cồn công nghiệp có giá rất rẻ và thường chứa lẫn methanol. Vì lợi nhuận và không muốn tốn thời gian, công sức, nhiều người đã dùng cồn công nghiệp để pha chế thành rượu rồi bán cho người tiêu dùng mà không chưng cất để loại methanol.

"Nếu uống rượu lẫn methanol, dù chỉ 10% cũng gây ngộ độc và dẫn đến tử vong nhanh chóng. Cứu được thì dễ để lại di chứng rất đau lòng", ông nói.

Còn theo ông Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), để phân biệt hai loại này, chỉ có 1 điểm là khi uống rượu có pha methanol sẽ có vị hơi ngọt chứ không đắng như rượu thông thường. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu, nên dễ bị nhầm lẫn.

Tuy nhiên khoảng 1 - 2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều axit formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch, ông Nguyên thông tin thêm.

Biểu hiện khi ngộ độc rượu:

Ngộ độc Ethanol:

Ethanol ức chế làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, giảm hoạt tính các nơron thần kinh. Vì thế nếu uống nhiều rượu sẽ dẫn đến say, nghiện và gây ra những tác hại đối với sức khỏe. Ngộ độc Ethanol có thể cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu người đó thường xuyên uống.

Từ vụ 8 sinh viên ngộ độc rượu, 2 người tử vong: Làm sao phân biệt rượu ethanol và rượu chứa độc chất methanol? - 2

Ngộ độc cấp tính: Giai đoạn đầu có dấu hiệu kích thích (thấy sảng khoái, nói nhiều, các vận động phối hợp đã bị rối loạn). Giai đoạn ức chế biểu hiện: Phản xạ gân xương giảm, tri giác giảm, mất khả năng tập trung. Giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp, tử vong.

Ngộ độc mạn tính: Uống rượu kéo dài dẫn đến sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột, da tái do thiếu máu, thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan, mất trí nhớ, rối loạn tâm thần.

Ngộ độc Methanol:

Lúc đầu biểu hiện giống ngộ độc Ethanol, sau đó là giai đoạn ngộ độc thực sự (thường khoảng 8 giờ sau uống nếu là Methanol đơn thuần, nhưng thường trong rượu uống có cả Ethanol nên biểu hiện có thể chậm 18-24 giờ sau hoặc lâu hơn) thở nhanh, sâu, rối loạn về nhìn (nhìn mờ, nhìn đôi, nhìn thấy các đốm, thu hẹp thị trường, mù), đồng tử giãn, mạch nhanh, tụt huyết áp, co giật, đái ít, vô niệu, tử vong.

Những nguyên tắc khi uống rượu để tránh bị ngộ độc

– Chỉ uống các loại rượu có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng, có tem chứng nhận của các cơ quan chức năng.

– Không uống rượu tự pha chế, rượu tự ngâm lá, rễ cây, động vật… mà không rõ thành phần, xuất xứ, công dụng.

– Không uống rượu có hàm lượng Methanol >0,1%.

– Không nên uống quá nhiều rượu. Tốt nhất, mỗi người chỉ nên uống 1 đơn vị rượu/ngày. Cụ thể, chỉ nên uống 300-350ml bia (nồng độ 4%), 150-200ml rượu sâm banh (nồng độ 11%), 50ml rượu có màu (nồng độ 17-20%) và chỉ nên uống 25ml rượu trắng (nồng độ 35-40%).

Từ vụ 8 sinh viên ngộ độc rượu, 2 người tử vong: Làm sao phân biệt rượu ethanol và rượu chứa độc chất methanol? - 3

– Không uống rượu khi đang đói.

– Không uống rượu kèm với các loại nước có gas.

– Tuyệt đối không uống rượu khi đang sử dụng các loại thuốc như: thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương, thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương, thuốc hạ huyết áp, thuốc hạ đường huyết, các nhóm kháng sinh Cephalosporin, nhóm Phenicol (Chloramphenicol), nhóm Azol (Metronidazol, Ketocanzol), thuốc kháng viêm không steroid thế hệ cũ (Diclofenac, Ibuprofen,…).

Rượu là một thức uống vừa có hại vừa có lợi cho sức khỏe, nếu uống lượng vừa đủ cơ thể sẽ khỏe mạnh hơn, ngược lại nếu uống quá nhiều sẽ gây hại cho cơ thể. Nhiều người chủ quan cho rằng rượu không nguy hiểm nhưng thực chất tình trạng say rượu cũng chính là ngộ độc rượu và tùy từng mức độ có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí là tử vong. Vì vậy, để có một sức khỏe tốt, hãy sử dụng rượu bia thật hợp lý.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/tu-vu-8-sinh-vien-ngo-doc-ruou-2-nguoi-tu-vong-lam-sao-phan-biet-ruou-ethanol-va-ruou-chua-doc-chat-methanol-tintuc835773