Gia đình

Tốn tiền tỷ kéo dài sự sống, bệnh nhân ung thư đứng giữa 'ngã ba đường'

Mỗi lọ thuốc miễn dịch có giá từ 55 tới 60 triệu đồng, người bệnh ung thư có thể phải sử dụng 1-2 lọ trong một liệu trình. Do đó, người bệnh sẽ tốn hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ để kéo dài sự sống bởi không thể chữa khỏi hoàn toàn.

Hơn 50 triệu đồng một lọ thuốc miễn dịch

Anh N.V.P (50 tuổi, trú tại Hà Nội) mắc ung thư phổi từ tháng 8/2020. Khi phát hiện bệnh, khối u ác tính đã rất lớn. Trên phim MRI, hình ảnh khối u thùy trên phổi phải kích thước 5x6cm, hạch trung thất, rải rác tổn thương thứ phát hai phổi. 

Anh được các bác sĩ chỉ định hóa trị kết hợp liệu pháp miễn dịch. Thuốc miễn dịch anh sử dụng là một loại hoạt chất truyền tĩnh mạch. Chi phí 1 lọ thuốc chứa hoạt chất này là 55 triệu đồng (100mg) người bệnh cần 2 lọ. Ngoài ra, các chi phí thuốc hóa chất khác khoảng 15 triệu đồng. Như vậy, một chu kỳ người bệnh phải chi trả khoảng 130-140 triệu đồng. Trong quá trình thu nhỏ u ác tính, bệnh nhân phải trải qua rất nhiều chu kỳ.

Sau 6 tháng, bác sĩ chụp lại đánh giá khối u phổi đã giảm còn 3x2cm. 9 tháng khối u còn 1x2cm. Anh tiếp tục duy trì phác đồ điều trị và đánh giá định kỳ sau 3 tháng.

Tốn tiền tỷ kéo dài sự sống, bệnh nhân ung thư đứng giữa 'ngã ba đường'
Bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh: Phương Thúy. 

PGS.BS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chia sẻ so với hóa trị là biện pháp đưa thuốc gây độc tế bào vào cơ thể qua đường uống, tiêm, truyền để tiêu diệt các tế bào ung thư, điều trị miễn dịch là biện pháp gián tiếp tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách giúp hoạt hóa hệ miễn dịch của cơ thể tấn công và tiêu diệt các tế bào ung thư. Tại Việt Nam, liệu pháp miễn dịch đã được áp dụng trong 5 năm trở lại đây và đã có nhiều người bệnh được tiếp cận liệu pháp này.

Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tham gia các thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm áp dụng liệu pháp miễn dịch trong điều trị bệnh ung thư phổi. 

Tại bệnh viện Bạch Mai, PGS Phương cho biết đã có vài trăm bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp tiên tiến này. Các bệnh lý được áp dụng điều trị miễn dịch như: ung thư phổi, ung thư biểu mô vảy vùng đầu cổ, ung thư gan, ung thư đường niệu, ung thư vú, ung thư hắc tố, ung thư đại tràng... Kết quả cho thấy liệu pháp miễn dịch đã giúp mang lại kết quả điều trị cho các bệnh nhân.

Từ năm 2018, Bệnh viện K (Hà Nội) cũng áp dụng điều trị miễn dịch cho người bệnh ung thư. Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Điều trị A, Bệnh viện K, cho biết phương pháp điều trị này có thể kết hợp với các phương thức phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh giai đoạn di căn. Hiệu quả rõ ràng nhưng không phải tất cả bệnh nhân đều đáp ứng với thuốc miễn dịch, phụ thuộc vào các dấu ấn sinh học. 

Ngoài ra, hạn chế của phương pháp này đó là quá đắt đỏ. Đến nay, thuốc điều trị miễn dịch chưa được BHYT thanh toán. Một số thuốc được các hãng dược hỗ trợ giúp người bệnh giảm tài chính.

Tốn tiền tỷ kéo dài sự sống, bệnh nhân ung thư đứng giữa 'ngã ba đường' - 1
Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Bệnh viện K (Hà Nội), tư vấn cho một bệnh nhân. Ảnh: Phương Thúy. 

Ví dụ, một loại thuốc miễn dịch phổ biến được sử dụng trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ có giá khoảng 55 đến 60 triệu đồng/lọ. Hiện tại, người bệnh sử dụng 2 liệu trình được hãng dược tặng 1 giúp giảm 1/3 chi phí cho bệnh nhân. Dù vậy, đây vẫn là số tiền quá lớn đối với người Việt. "Có bệnh nhân chi trả hơn tỷ đồng. Đắt đỏ nhưng nó chỉ giúp kéo dài thời gian, hạn chế tái phát và không chữa khỏi hoàn toàn”, Tiến sĩ Tuấn Anh nhấn mạnh.

Trăn trở của bác sĩ

Nói tới chi phí quá lớn, PGS Phương cho biết nhiều trường hợp người bệnh có chỉ định điều trị bằng thuốc đích hay liệu pháp miễn dịch nhưng vì lý do kinh tế họ không tiếp cận được. Đó cũng là những trăn trở của các bác sĩ điều trị ung bướu. 

Vị chuyên gia này vẫn nhớ câu chuyện của một bệnh nhân nữ 62 tuổi chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn IV, xét nghiệm có biểu lộ PD-L1 là 100%, rất phù hợp để điều trị bằng liệu pháp miễn dịch đơn trị để vừa đáp ứng tốt vừa ít tác dụng phụ.

Tuy nhiên, vì người bệnh không có điều kiện về kinh tế nên họ chỉ điều trị bằng phác đồ hóa chất được BHYT chi trả. Sau 7 tháng điều trị, bệnh tiến triển và thể trạng yếu nên bệnh nhân không điều trị tiếp được với các phác đồ khác mà chỉ điều trị chăm sóc giảm nhẹ trong giai đoạn cuối đời.

Đứng trước bài toán chi phí, các bác sĩ phải tư vấn thật kỹ để hài hòa giữa việc điều trị bệnh và điều kiện kinh tế. Người nhà và bệnh nhân đưa ra lựa chọn phù hợp nhất, dù không phải là tối ưu nhất.

Để vận động chính sách chi trả cho người bệnh ung thư, Tiến sĩ Tuấn Anh cho rằng đây là vấn đề khó. Bởi hiện tại, các quốc gia đều chưa chi trả cho người bệnh vì thuốc đắt đỏ. Nếu BHYT chi trả có thể vỡ quỹ. Tiến sĩ Tuấn Anh hi vọng trong tương lai, khi thời gian bảo hộ thuốc hết, các loại dược phẩm này sẽ được sản xuất rộng rãi hơn người bệnh có thể sử dụng với chi phí thấp hơn. 

Theo Phương Thúy (VietNamNet)

 




https://vietnamnet.vn/ton-tien-ty-de-mua-thuoc-moi-benh-nhan-ung-thu-dung-giua-nga-ba-duong-2145601.html