Gia đình

Tắm trước khi ăn hay ăn xong mới tắm? Cứ tưởng ai cũng hiểu rõ hóa ra khối người vẫn làm sai

Tắm xong mới ăn hay ăn xong rồi tắm, câu hỏi tưởng đơn giản nhưng hóa ra rất nhiều người trả lời và đang làm sai.

Chắc hẳn đã không ít lần bạn từng nghe cha mẹ nhắc nhở rằng đừng tắm sau khi ăn no. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người lại có thói quen ăn tối xong đi tắm rồi đi ngủ và họ nói rằng chẳng thấy vấn đề gì nghiêm trọng.

Vậy tại sao chúng ta thường nhận được lời khuyên không tắm sau ăn, liệu nó có thật sự gây ảnh hưởng gì không?

Tắm trước khi ăn hay ăn xong mới tắm? Cứ tưởng ai cũng hiểu rõ hóa ra khối người vẫn làm sai
Tắm sau khi ăn rồi đi ngủ là thói quen của nhiều người. (Ảnh minh họa)

Tắm ngay sau khi ăn có sao không? Câu trả lời không đơn giản là có hay không

Peyton Berookim - bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa cho biết: “Khi bạn ăn, nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ khi máu di chuyển đến các cơ quan tiêu hóa. Điều này giúp cơ thể bạn tiêu hóa thức ăn đúng cách, mang lại cho bạn sự thoải mái và dễ chịu".

Nhưng nếu bạn tắm nước ấm hoặc tắm vòi hoa sen ngay sau bữa ăn, nước nóng sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể bạn hơn nữa và chuyển máu ra khỏi các cơ quan tiêu hóa để tập trung về phía da. "Tắm nước ấm sau khi ăn sẽ định tuyến lại máu ra khỏi dạ dày, do đó ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và có thể gây ra các triệu chứng như đau dạ dày do dạ dày không nhận được lưu lượng máu cần thiết", bác sĩ Peyton Berookim cho hay.

Nếu bạn vừa ăn xong một bữa ăn no, điều này cũng có thể dẫn đến chứng khó tiêu. Ngoài ra, tắm nước nóng không chỉ làm tăng nhiệt độ cơ thể mà còn cả nhịp tim khiến bạn càng thêm khó chịu khi bụng đang no căng. Bạn cũng sẽ cảm thấy rất uể oải sau khi tắm.

Tắm trước khi ăn hay ăn xong mới tắm? Cứ tưởng ai cũng hiểu rõ hóa ra khối người vẫn làm sai - 1
Tắm nước ấm ngay sau khi ăn sẽ khiến máu đang dồn về dạ dày để phục vụ cho việc tiêu hóa phải di chuyển đến nơi khác. (Ảnh minh họa)

Tắm nước lạnh sau khi ăn có được không?

Dựa theo lý thuyết trên, nhiều người có thể sẽ cho rằng chỉ tắm nước ấm sau khi ăn mới gây hại vì làm tăng thân nhiệt còn nước lạnh sẽ không sao.

Thực tế, điều này khá đúng. Tắm nước lạnh hoặc không quá nóng sẽ không làm tăng nhiệt độ cốt lõi trong cơ thể và sẽ không làm chuyển hướng lưu lượng máu khỏi các cơ quan tiêu hóa. Ngoài ra, tắm nước lạnh có thể khởi động quá trình trao đổi chất và giúp bạn đốt cháy nhiều chất béo hơn từ bữa ăn mà bạn vừa ăn.

Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa Elena A. Ivanina tại Northwell Health có trụ sở tại New York (Mỹ) khuyên nên tắm ở nhiệt độ phòng nếu bạn phải tắm sau khi ăn. Cô cho biết: “Tắm nước lạnh sẽ gây sốc cho cơ thể và thu hẹp các tĩnh mạch dẫn đến da, trong khi tắm nước nóng sẽ mở ra các tĩnh mạch dẫn đến da. Do đó, nhiệt độ trung tính sẽ ít ảnh hưởng đến việc định tuyến lại lưu lượng máu".

Bác sĩ Berookim cũng khuyên, cho dù tắm ở nhiệt độ nào, mọi người cũng nên đợi ít nhất 20 đến 30 phút sau khi ăn mới đi tắm nhưng bác sĩ Ivanina lại khuyến khích nên đợi 1 tiếng để cơ quan tiêu hóa có đủ thời gian làm việc. Nhưng cách tốt nhất vẫn là tắm trước khi ăn để tránh gây bất lợi cho cơ thể. 

Tắm trước khi ăn hay ăn xong mới tắm? Cứ tưởng ai cũng hiểu rõ hóa ra khối người vẫn làm sai - 2
Tắm nước ở nhiệt độ ngang nhiệt độ phòng sau khi ăn sẽ ít gây ảnh hưởng hệ tiêu hóa hơn. (Ảnh minh họa)

Những việc không nên làm sau ăn

Tắm sau bữa ăn không phải là điều duy nhất gây ảnh hưởng cho hệ tiêu hóa. Một số việc làm khác ngay sau ăn cũng không được các chuyên gia khuyến khích.

Đánh răng

Đánh răng ngay sau khi ăn có thể khiến răng của bạn bị bao phủ bởi các hạt thực phẩm có tính axit cao. Thay vì bảo vệ răng bằng fluoride, bạn sẽ làm hại men răng khi đánh răng ngay sau bữa ăn. Tốt nhất là đợi 30 phút, hoặc đánh răng ngay khi thức dậy và ngay trước khi đi ngủ.

Tập thể dục thể thao

Trong một số trường hợp, tập thể dục sau khi ăn có thể cải thiện hiệu suất tập luyện của bạn. Nhưng có lẽ bạn không muốn tập luyện nặng khi bụng đang no căng.

Bạn nên đợi ít nhất 45 phút sau bữa ăn rồi hãy bắt đầu tập luyện để vừa tốt cho việc vận động và cho cả quá trình tiêu hóa.

Ngủ

Nằm ngay sau khi ăn có thể không tốt cho niêm mạc thực quản. Bạn nên đợi cho đến khi cơ thể có cơ hội bắt đầu tiêu hóa và di chuyển thức ăn vào ruột trước khi đi ngủ. Điều này cũng sẽ giúp ngăn ngừa trào ngược axit dạ dày vào thực quản.

Theo Hoàng Dương (Phụ nữ & Pháp luật)




https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tam-truoc-khi-an-hay-an-xong-moi-tam-cu-tuong-ai-cung-hieu-ro-hoa-ra-khoi-nguoi-van-lam-sai-a588970.html