Gia đình

Tại sao 3 ngày sau tiêm vắc xin Covid-19, trẻ không nên bơi lội, đá bóng?

Khuyến cáo về tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi, các chuyên gia cho rằng, 2-3 ngày sau khi tiêm trẻ không nên vận động mạnh.

Ths.BSCKII Ngô Thị Hiếu Minh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, chia sẻ, tất cả các đối tượng từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi đều có thể mắc Covid-19 vì vậy tiêm phòng vắc xin luôn là giải pháp hàng đầu trong phòng chống dịch.

Cũng theo Ths.BSCKII Ngô Thị Hiếu Minh, các nước trên thế giới đều đánh giá vắc xin phòng Covid-19 hiệu quả trong phòng bệnh, phòng tái nhiễm, phòng diễn biến nặng.

Ths.BS Hiếu Minh khuyến cáo, trẻ từ 5 đến dưới 11 tuổi thường có tâm lý sợ tiêm. Vì vậy trước khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin, phụ huynh cần làm công tác tư tưởng cho con. Sự phân tích, động viên kịp thời sẻ giúp trẻ không bị streess về tâm lý. Ngoài ra, người giám hộ cần giữ sức khỏe ổn định cho trẻ trước, trong và sau khi tiêm. 

Tại sao 3 ngày sau tiêm vắc xin Covid-19, trẻ không nên bơi lội, đá bóng?
Tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi tại Quảng Ninh

Sau tiêm, trẻ thường có các phản ứng thông thường như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi… Cha mẹ hãy ở lại ít nhất 30 phút sau khi bé được tiêm và báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con trước khi ra về. 

Sau tiêm về nhà, phụ huynh cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu của trẻ. Nếu trẻ sốt cao trên 38.5 cho uống hạ sốt, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, vitamin, vi chất… để hệ miễn dịch hoạt động đáp ứng tốt nhất. Với trường hợp bé xuất hiện sưng, đau tại vết tiêm, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên đắp bất cứ vật gì lên vết tiêm tránh ảnh hưởng đến tác dụng vắc xin.

Trường hợp bé sốt quá 24h, không đáp ứng thuốc hạ sốt, bứt rứt, khó thở, li bì… cần được đưa đến cơ sở y tế để xử trí, cấp cứu.

“Tốt nhất sau tiêm 2 -3 ngày đầu sau tiêm, trẻ không nên vận động mạnh, chơi các trò chơi mất sức như đá bóng, chạy nhảy, bơi lội… Bởi vận động mạnh, bé sẽ có phản ứng quá mức gây khó thở, tim đập nhanh, mệt mỏi… Các triệu chứng này khiến chúng ta bị “nhiễu” khó phân biệt là do trẻ vận động mạnh hay do phản ứng với vắc xin”, Ths.BS Minh nói.

Đồng quan điểm, BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho rằng, người nhà nên theo dõi sát, không cho trẻ vận động mạnh sau tiêm vắc xin Covid.

Theo BS Ngãi, hoạt động thể lực cũng có thể kích thích các phản ứng bất lợi sau tiêm vắc xin Covid-19 ở trẻ. Có 4 mốc thời gian quan trọng để theo dõi trẻ sau tiêm chủng gồm 30 phút, 24 giờ, 3 ngày và 28 ngày. 4 mốc thời gian theo dõi này nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ sau khi tiêm vắc xin.

Phó giáo sư Dương Thị Hồng, Viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cũng khuyến cáo, gia đình chủ động theo dõi con vì các trẻ ở lứa tuổi nhỏ có thể bỏ qua hoặc không chú ý để kể lại cho cha mẹ những triệu chứng bất thường đang gặp. 

Trong ba ngày đầu sau tiêm chủng, gia đình cần theo dõi trẻ 24/24 nhằm phát hiện sớm các triệu chứng bất thường như sốt cao, phát ban, khó thở, tím tái hoặc mệt mỏi, li bì. Thông thường phản ứng xảy ra khoảng 4-8 tiếng sau tiêm vắc xin, xu hướng giảm dần sau ngày đầu. Cha mẹ cũng cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế nếu trẻ có phản ứng bất thường khác nằm ngoài khuyến cáo.

Theo Ngọc Trang (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/tai-sao-3-ngay-sau-tiem-vac-xin-covid-19-tre-khong-nen-boi-loi-da-bong-2009388.html