Gia đình

Tai nạn nâng ngực: Sau 3 năm đầu mềm mại và đẹp là 17 năm đau đớn, túi ngực vỡ tan

Không thể nghĩ đó là thứ lấy ra từ trong cơ thể con người, mà đặc biệt lại là lấy từ ngực một phụ nữ. Nó trông như cái bánh cam cứng ngắc và đã bị vỡ nhiều mảnh, màu vàng nâu sạm.

Đó là chia sẻ của bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ Nguyễn Đức Khải, Phòng khám Phẫu thuật thẩm mỹ Eva, TP HCM.

Túi ngực vỡ tan sau 20 năm phẫu thuật

Cụ thể, trường hợp này là một người phụ nữ Việt sinh sống ở Úc. Chị đặt túi ngực tại một bệnh viện ở nước ngoài cách đây 20 năm. Lúc đó chị 41 tuổi, đã sinh 4 đứa con.

"Nhìn bên ngoài, da trên khối ngực bị thâm tím và loang lổ không đều ở nhiều chỗ, trông không mềm mại mà gồ ghề. Khi chụp MRI thì trông thấy túi ngực đã bị bể, tiết dịch, vôi hóa và co cứng, biến dạng như một khối cao su đặc có mặt ngoài rất nhiều cục nhỏ lợn cợn. 

Khi mở ra, túi ngực đã bị xơ cứng bám vào các mô xung quanh. Vỏ bao xơ bị vôi hóa cứng dày đến 3 mm. 

Khi tách bóc, lấy bao xơ và túi ngực cũ ra thì phát hiện thêm túi đã bị bể đáy, chất silicon chảy ra trong khoang ngực", BS Khải cho biết.

Tai nạn nâng ngực: Sau 3 năm đầu mềm mại và đẹp là 17 năm đau đớn, túi ngực vỡ tan

Ba năm đầu, bộ ngực mới của chị hoàn toàn mềm mại và đẹp. Đến năm thứ 8 thì nó bắt đầu cứng, càng ngày càng cứng và bắt đầu biến dạng. Thậm chí, chơi thể thao chị cũng thấy ngực bị tức và đau hơn. Tuy vậy chị cứ nghĩ hiện tượng này là bình thường. 

Ngoài ra, do sống độc thân, con cái đã lớn và ở riêng nên chị cũng không quan tâm lắm đến sự bất thường này. Chị cũng đã đi kiểm tra tại Úc, được bác sĩ khuyên lấy túi ra nhưng không nghe theo mà cứ cố chịu đựng.

Sau đó, càng ngày phần ngực chị càng đau thắt và có nhiều điểm đau chói, vùng quầng ngực thì đau toàn diện. Thậm chí đau đến nỗi chị không tập được các động tác vai - ngực. 

Cách đây một tháng, chị về nước chơi, tranh thủ đi khám và sau khi được tư vấn, chị đã đồng ý để cho BS lấy hết túi ngực cũ ra khỏi cơ thể.

"Túi ngực cũ đặt trên lớp cơ và dưới tuyến vú. Sau khi lấy sạch túi cũ, phần da ngực của bệnh nhân bị giãn rộng và bùng nhùng nên chị yêu cầu đặt lại túi ngực mới. Túi ngực mới này tôi không đặt ở trên cơ như túi cũ mà đặt vào trong khoang ngực. Size túi là 290 ml. 

Sau phẫu thuật một ngày người bệnh đã khỏe, đi lại bình thường, vết mổ khô, không tiết dịch cũng không phù nề. Đến ngày thứ 11 thì cắt chỉ và chị có thể sinh hoạt gần như bình thường", bác sĩ Khải cho biết.

Lý giải nguyên nhân túi ngực bị vỡ

Giải đáp về trường hợp người nâng ngực có thể bị ngã, bị đè ép mạnh khiến túi ngực bị vỡ ra, BS Khải cho biết, các túi ngực thế hệ cũ khá mỏng, còn túi ngày nay vỏ có hai, ba lớp, dày và chắc hơn.

Túi ngực loại cũ chứa silicon lỏng nên khi vỡ túi silicon lỏng có thể chảy vào trong cơ thể, còn silicon trong túi ngực ngày nay là dạng bánh đặc, không chảy lỏng nên tỷ lệ an toàn cao hơn. Túi ngực được sản xuất đúng kỹ thuật rất bền, dai.

Trong các thử nghiệm, chiếc túi ngực được đặt để xe tải trọng tải 8 tấn cán qua nhưng vẫn không bị vỡ. Do vậy những động tác sinh hoạt cá nhân hay trong đời sống vợ chồng bình thường không thể gây vỡ túi ngực được.

Theo thống kê của Hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ thế giới thì tỷ lệ vỡ và rò rỉ túi là 3%. Có những nguyên nhân phổ biến sau đây:

- Kỹ thuật không đúng. Ví dụ đường rạch để đưa túi ngực vào quá hẹp có thể gây chèn tức túi ngực khi đưa vào, khiến túi bị rạn, tăng khả năng bị nứt vỡ.

- Sử dụng túi ngực không có chứng nhận y tế. Trên thị trường vẫn tồn tại không ít các loại túi ngực "lậu", sản xuất chui, kém chất lượng.

Lưu ý: phải sử dụng các loại túi ngực đã được FDA (Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm, thuộc Bộ Y tế Hoa Kỳ) chứng nhận, hoặc phải có chứng nhận CE.

- Không tuân thủ khuyến cáo của nhà sản xuất và bác sĩ: hiện tại các loại túi ngực sản xuất hợp pháp đều được nhà sản xuất bảo hành trọn đời, nhưng họ luôn khuyến cáo thay túi ngực sau 10 năm, vì khi mang thai, sinh con, những thay đổi trong cơ thể phụ nữ có thể gây thắt bao xơ quanh túi ngực (dẫn đến cứng bầu ngực).

Chị em nhất thiết phải thực hiện trong cơ sở y tế được cấp phép, có đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo và thành thục tay nghề.

Tuyệt đối không tin những quảng cáo lừa bịp như "bơm mỡ nhân tạo, mỡ đồng loại", vì đó đều là silicon lỏng hết.

Silicon lỏng đã bị cấm dùng trong y học trên 20 năm, nhưng vẫn có những người tham lợi hành nghề "thẩm mỹ" lậu sử dụng cho những ai kém hiểu biết. Xin nhớ chỉ mỡ tự thân mới có thể tồn tại trong cơ thể.

Tác hại của bơm silicon lỏng vào cơ thể tóm tắt có 4 nguy cơ:

+ Gây nhiễm trùng.

+ Biến dạng ngực.

+ Hoại tử.

+ Rủi ro đến tính mạng.

Theo Hoàng Xuân (Trí Thức Trẻ)