Gia đình

Tai họa khủng khiếp nhiều người trẻ đang gặp khi đeo tai nghe thường xuyên

Mới đây, một cô gái 28 tuổi đã bị điếc một bên tai vì thói quen đeo tai nghe. Thói quen này cũng gặp ở rất nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Theo các chuyên gia, việc đeo tai nghe thường xuyên cộng thêm âm thanh quá lớn rất dễ bị giảm thính lực, điếc, thậm chí ảnh hưởng thần kinh.

Bị điếc chỉ vì đeo tai nghe thường xuyên

Mới đây, một cô gái 28 tuổi ở Đài Loan được xác định mất thính giác đột ngột hay còn gọi điếc đột ngột. Nguyên nhân được xác định do cô có thói quen thường xuyên đeo tai nghe xem phim tới khuya. Mặc dù đã thử thay đổi tai nghe nhưng một bên tai bệnh nhân vẫn không tiếp nhận được âm thanh.

Ở nước ta tại các bệnh viện như Bệnh viện Tai Mũi họng Trung ương, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM… cũng đã từng tiếp nhận không ít trường hợp bị ảnh hưởng thính lực vì thói quen đeo tai nghe không đúng. Đa phần các trường hợp khi vào viện thường xuất huyết lỗ tai và không tiếp nhận được âm thanh bên ngoài.

Tai họa khủng khiếp nhiều người trẻ đang gặp khi đeo tai nghe thường xuyên
Cần chú ý tránh để âm lượng quá to khi đeo tai nghe vì có thể gây điếc tạm thời và ảnh hưởng cả não bộ. Ảnh minh họa

Theo chia sẻ của các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương có những trường hợp là học sinh bị giảm thính lực vì nghiện headphone. Con trai anh Trần Văn Vịnh (Hà Nội) là một ví dụ. Khi thấy con nói chuyện phải lớn tiếng mới nghe được và cô giáo chủ nhiệm của con phản ánh việc con viết chậm, sai nhiều vì nghe không rõ, vợ chồng anh đưa con đi kiểm tra mới biết con bị giảm thính lực do tác động âm thanh từ bên ngoài trong một thời gian dài.

Anh chia sẻ, con trai anh có thói quen đeo tai nghe mỗi khi xem phim, nghe nhạc và học trực tuyến. Ngày nào con cũng đeo vài tiếng, nhiều khi nhà ồn ào cháu phải bật âm lượng lớn để tập trung. Điều may mắn là vì được phát hiện kịp thời nên thính lực của con anh được bác sĩ cải thiện nhanh chóng. Bác sĩ chia sẻ, nếu để thêm thời gian, cháu có thể bị điếc.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, các vấn đề thính giác gặp phải có thể do điếc bẩm sinh, điếc do thuốc, điếc do bệnh viêm tai giữa và điếc do tiếng ồn. Trước đây, bệnh điếc vẫn thường ở người già là chính nhưng giờ người trẻ gặp phải cũng nhiều. Cách đây không lâu, một khảo sát của Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho thấy trong số bệnh nhân bị điếc đột ngột có hơn 40% là thanh niên tuổi từ 16 - 30.

Một trong những nguyên nhân từ thói quen đeo tai nghe trong thời gian dài của người trẻ, nghe với cường độ lớn làm kích thích thẳng vào ốc tai, tai trong dẫn đến viêm, giảm thính lực. Thậm chí, có những trường hợp có sở thích đeo tai nghe nghe nhạc đi ngủ rồi ngủ quên… Điều này không chỉ làm tổn thương tính giác mà còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Hiện tượng mọi người gặp phải sau khi tỉnh dậy bị đau đầu, mệt mỏi là biểu hiện của tai bị tổn thương.

"Khi cơ thể thấy có những biểu hiện ù tai nhiều, chóng mặt, nhức đầu, đau tai, hoa mắt, nghe âm thanh khác lạ trong tai chỉ mình nghe thấy là các biểu hiện chấn thương âm thanh cấp tính. Mọi người khi đó cần đến bác sĩ chuyên khoa khám để kịp thời xác định nguyên nhân và điều trị, việc để lâu sẽ ảnh hưởng đến thính lực", PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh cho hay.

TS Vật lý Nguyễn Văn Khải đã có những khuyến cáo, ngay cả các loại tai nghe bịt kín ống tai cũng có thể là sát thủ với thính lực của mỗi người. Do khi ống tai bịt kín không khí lưu thông trong tai bị tắt nghẽn rất dễ bị viêm nhiễm.

Bình thường cường độ âm thanh tai có thể tiếp nhận tối đa là 90 decibel (dB). Mức âm thanh này sẽ tương đương với mức trung bình ở volume của thiết bị nghe nhạc… Khi nghe âm thanh lớn hơn (90-100 dB) sẽ làm tổn thương ốc tai. Nghe ở mức độ âm thanh lớn đột ngột từ 120 dB - 140 dB có thể điếc ngay lập tức. Để tránh nguy cơ điếc đột ngột, khi sử dụng mọi người cần điều chỉnh âm lượng nghe headphone nhỏ hơn 2/3 mức cho phép, tức khoảng 60-70 dB.

Ngưỡng nghe nào an toàn?

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, việc đeo tai nghe quá lâu với âm lượng lớn dần khiến cho người đeo bị lệ thuộc. Có nhiều người chỉ đeo tai nghe vào mới rõ, lúc đó thính lực đã bị giảm sút nghiêm trọng. Để an toàn, mọi người cần lưu ý thời gian dùng tai nghe không nên liên tục trong 60 phút để tai có thời gian được nghỉ ngơi.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra rằng, tai mỗi người có nhiều tế bào thính giác, có thể nghe những loại tần số âm thanh khác nhau. Nếu sử dụng liên tục trong 2 giờ liền, các tế bào lông bị kích thích mạnh và gây mệt mỏi làm tai bị ù. Việc để âm lượng cao có thể gây điếc tạm thời và ảnh hưởng cả não bộ.

Để đảm bảo thính lực được tốt, các chuyên gia khuyến cáo, mọi người cần cẩn trọng khi đeo tai nghe nghe nhạc quá to. Ảnh hưởng của chúng có thể không ngay lập tức nhưng lâu dài thính lực chắc chắn ảnh hưởng, thậm chí bị điếc, đau viêm mống tai ngoài.

Bệnh điếc thường diễn biến âm thầm trong một thời gian dài, đến khi phát hiện thì rất khó hồi phục. Một trong những sai lầm mà nhiều bạn trẻ đang làm là nghe nhạc trên đường di chuyển. Điều này vô cùng nguy hiểm vì dễ gây tai nạn khi không nghe được tín hiệu từ các phương tiện khác.

Việc dùng chung tai nghe giữa nhiều người khi không được vệ sinh tốt còn là môi trường lây nhiễm vi khuẩn. Ngoài ra cũng cần chú ý vệ sinh tai nghe thường xuyên, nếu tai nghe có miếng bọc bên ngoài nên thay chúng mỗi tháng/lần để đảm bảo vệ sinh.

Theo Phương Thuận (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/song-khoe/tai-hoa-khung-khiep-nhieu-nguoi-tre-dang-gap-khi-deo-tai-nghe-thuong-xuyen-20200212181710272.htm