Gia đình

Sự thật về 'vi khuẩn ăn thịt người', triệu chứng và cách phòng bệnh ai cũng cần biết

Nhiều người lầm tưởng Whitmore là “vi khuẩn ăn thịt người”. Nhưng trên thực tế, đây là tên gọi dành cho Vibrio vulnificus, không phải Whitmore.

Nhầm lẫn Whitmore là vi khuẩn ăn thịt người

Những ngày gần đây, thông tin về việc một bé gái 9 tuổi ở Đăk Lăk bị “vi khuẩn ăn thịt người” (Whitmore) tấn công đã nhận được sự quan tâm của nhiều người. Cụ thể, bé gái nhập viện với triệu chứng sốt cao, tuyến mang tai hai bên sưng to, góc hàm hóa mủ, đau, há miệng hạn chế. Theo CDC Đăk Lăk, đây là trường hợp đầu tiên tại địa phương được ghi nhận mắc bệnh Whitmore - căn bệnh đã bị lãng quên nhiều năm và mới xuất hiện lại gần đây.

Sự thật về 'vi khuẩn ăn thịt người', triệu chứng và cách phòng bệnh ai cũng cần biết
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

TS.BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM cho biết, những hoang mang, lo lắng mà mọi người chia sẻ trên mạng về vi khuẩn “ăn thịt người” đang bị hiểu nhầm.

Bác sĩ Khanh cho biết, bệnh mọi người đang bàn tán xôn xao trên mạng có tên là Whitmore (hay bệnh Melioidosis) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Đây không phải vi khuẩn “ăn thịt người”, bệnh này cũng không phải mới mà đã biết đến từ rất lâu.

“Bệnh là do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua da trầy xước là chính. Vi khuẩn từ vết xước đi vào máu gây nhiễm trùng máu hay áp xe hoại tử nhiều cơ quan, trong đó có da và vùng da bị bệnh gây loét hoại tử”, BS Khanh cho hay.

Vi khuẩn "ăn thịt người” là gì?

Vibrio vulnificus (hay V. vulnificus) là vi khuẩn cùng họ với bệnh tả, sống tự do trong nước biển hoặc nước lợ (vùng cửa sông). Nó cũng có thể ký sinh trong các loài có vỏ như tôm, hàu… Vibrio vulnificus thường được gọi là “vi khuẩn ăn thịt người” vì nó gây hoại tử cân cơ rất nhanh, tỷ lệ tử vong cao.

Con đường lây nhiễm của Vibrio vulnificus gồm có hải sản sống chứa khuẩn hoặc chưa được nấu chín; bị vết thương khi tham gia các hoạt động trên biển. Đã có trường hợp bị nhiễm qua những vết thương rất nhỏ như vết đâm bởi đuôi con tôm, vỏ hàu khi tắm biển. Ngoài ra, nhiễm trùng có thể xảy ra khi phơi nhiễm vết thương có từ trước với vi khuẩn V. vulnificus.

Hiện nay, khoảng 12 loài Vibrio gây bệnh cho người. Mỹ ghi nhận khoảng 80.000 ca bệnh mỗi năm, hơn 100 ca tử vong. Đặc biệt, 52.000 trong số đó là do ăn hải sản bị ô nhiễm như hàu sống.

Sự thật về 'vi khuẩn ăn thịt người', triệu chứng và cách phòng bệnh ai cũng cần biết - 1

Sự thật về 'vi khuẩn ăn thịt người', triệu chứng và cách phòng bệnh ai cũng cần biết - 2
Hình ảnh dưới kính hiển vi của vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (gây bệnh Whitmore) (trên) và Vibrio vulnificus (dưới). 

Biểu hiện khi mắc vi khuẩn "ăn thịt người"

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn ăn thịt người sẽ gặp tình trạng: Tiêu chảy ra nước, đau quặn bụng, nôn, sốt, ớn lạnh. Nếu gặp biến chứng nhiễm trùng máu, nạn nhân bị huyết áp thấp, suy đa phủ tạng, tổn thương da phồng rộp.

Khi vi khuẩn lan sang phần còn lại của cơ thể, chúng gây các triệu chứng sốt, đỏ, đau, sưng, nóng, đổi màu và tiết dịch (chất lỏng bị rò rỉ). Một số trường hợp nhập viện được chẩn đoán mắc bệnh viêm cân mạc hoại tử, một bệnh nhiễm trùng nặng do vi khuẩn phá hủy da và mô cơ, có thể gây hoại tử xung quanh vết thương.

Vi khuẩn "ăn thịt người" có nguy hiểm?

Vibrio vulnificus xâm nhập cơ thể qua vết thương hở. Chúng thường sinh sống tại các vùng nước lợ, eo biển. Nhiều bệnh nhân phải cắt cụt chi, tử vong sau nhiễm vi khuẩn ăn thịt người. NBC News thống kê khoảng 20% bệnh nhân tử vong vì Vibrio vulnificus.

Theo khuyến cáo từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn này từ người sang người hoặc từ động vật sang người. Thời gian ủ bệnh từ 3 tiếng đến 6 ngày.

Bệnh nhiễm trùng máu do V. vulnificus gây tử vong cao, lên đến 50%, thậm chí 90% nếu bệnh nhân có sốc nhiễm khuẩn tụt huyết áp tại thời điểm nhập viện và thường tử vong trong vòng 48 giờ mặc dù được điều trị tích cực.

Sự thật về 'vi khuẩn ăn thịt người', triệu chứng và cách phòng bệnh ai cũng cần biết - 3
Bàn tay hoại tử của một bệnh nhân bị nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" Vibrio vulnificus

Đối tượng có nguy cơ mắc vi khuẩn "ăn thịt người"

Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ nhiễm khuẩn V. vulnificus theo cơ chế lây bệnh kể trên. Tuy nhiên, có những nhóm người dễ bị mắc bệnh hơn, bao gồm: Người nghiện rượu; mắc bệnh gan mạn tính (viêm gan, xơ gan); tan máu bẩm sinh; người bị suy giảm sức đề kháng (như đái tháo đường, suy thận mạn, u lympho…); nam giới đặc biệt ở tuổi cao dễ mắc bệnh hơn nữ giới.

Cách phòng ngừa

Theo khuyến cáo của CDC, để giảm nguy cơ nhiễm trùng vết thương do vi khuẩn Vibrio, bạn nên tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

- Nếu bị thương, hãy tránh xa các vùng nước mặn, nước lợ, hạn chế đi biển, không nên để vết thương tiếp xúc các nguồn nước tự nhiên.

- Băng vết thương bằng băng không thấm nước nếu vết thương có thể tiếp xúc nước mặn, nước lợ, hải sản sống hoặc chưa nấu chín.

- Nên đeo găng tay khi xử lý động vật có vỏ sống.

- Rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước sau khi tiếp xúc với nước mặn, nước lợ, hải sản sống.

- Không ăn hàu sống hoặc các động vật có vỏ sống khác. Nấu kỹ động vật có vỏ (sò, nghêu, trai). Tránh nhiễm chéo hải sản nấu chín và các thực phẩm khác với hải sản sống.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/su-that-ve-vi-khuan-an-thit-nguoi-trieu-chung-va-cach-phong-benh-ai-cung-can-biet-tintuc827174