Gia đình

Sốc nhiệt mùa hè có thể gây ra đột quỵ hoặc tử vong, 3 bước sơ cứu ai cũng phải biết

Đợt nắng nóng gay gắt đang diễn ra ở miền bắc với chỉ số UV rất cao dễ gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt.

Sốc nhiệt là tình trạng gây ra bởi cơ thể của bạn quá nóng, thường do tiếp xúc kéo dài hoặc gắng sức ở nhiệt độ cao. Đây là hình thái tổn thương do nhiệt nghiêm trọng nhất, sốc nhiệt có thể xảy ra nếu nhiệt độ cơ thể của bạn tăng lên đến 400C (104 độ F) hoặc cao hơn. Sốc nhiệt cần được điều trị cấp cứu.

Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây tổn thương cho não, các cơ quan nội tạng trong cơ thể, đột quỵ và thậm chí là tử vong. Vì vậy, để bảo vệ bản thân và những người xung quanh, ai cũng nên biết 3 bước sơ cứu khi gặp tình trạng sốc nhiệt sau đây:

Bước 1: Nghỉ ngơi trong bóng râm

Ngay lập tức đưa người bị sốc nhiệt vào nơi có bóng râm để nghỉ ngơi. Tốt nhất là nên nằm hoặc ngồi.

Tuy nhiên không nên ở nơi quá đông người hoặc mọi người nên tránh xa để tạo môi trường thoáng khí, dễ thở. Nhưng nhớ đừng vội vã đưa họ đến nơi có nhiệt độ quá chênh lệch giống như phòng điều hòa nhiệt độ thấp dưới 20 độ sẽ làm tình trạng tồi tệ hơn.

Sốc nhiệt mùa hè có thể gây ra đột quỵ hoặc tử vong, 3 bước sơ cứu ai cũng phải biết

Bước 2: Tản nhiệt

Sau khi tìm được nơi râm mắt hãy chú trọng đến tản nhiệt. Đầu tiên là nới lỏng hoặc cởi bớt quần áo trên cơ thể để nhanh chóng giảm nhiệt, hồi sức. Sau đó dùng quạt vừa phải sau đó vẩy nước lên đầu, người để tản nhiệt.

Cũng có thể dùng khăn ẩm và lạnh để lau toàn thân hoặc chườm lạnh tại các vị trí có nhiều mạch lớn như cổ, nách hoặc đùi trong của người bệnh.

3. Bổ sung độ ẩm

Sốc nhiệt gây ra tăng nhiệt độ cơ thể, mất nước trầm trọng, rối loạn mạch máu. Vì vậy việc bổ sung độ ẩm khi sơ cứu là rất quan trọng. Ngoài vẩy nước hoặc chườm lạnh, hãy cho người bệnh uống ngay nước lọc hoặc nước muối, đồ uống thể thao để bổ sung lượng nước và chất điện giải đã mất.

Đặc biệt, nếu nạn nhân hôn mê, không uống được nước, bị nôn hay sốt cao liên tục kèm theo 1 trong các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải lập tức gọi cấp cứu hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Sốc nhiệt mùa hè có thể gây ra đột quỵ hoặc tử vong, 3 bước sơ cứu ai cũng phải biết - 1

Trên đường đi, cần mở điều hòa hoặc cửa sổ xe cứu thương, tiếp tục đắp khăn ướt và nước lạnh lên cơ thể để làm mát. Truyền dịch tĩnh mạch nếu có thể và luôn theo dõi nhiệt độ cơ thể người bệnh. Nếu bệnh nhân đã bị tổn thương thận thì có thể phải lọc máu liên tục hoặc thực hiện các chăm sóc tích cực khác phụ thuộc vào tình trạng của từng ca bệnh theo hướng dẫn từ nhân viên y tế.

Ai dễ bị sốc nhiệt?

- Trẻ em.

- Vận động viên, những người hay tập thể dục.

- Công nhân, nông dân, những người làm công việc ở ngoài trời.

- Người cao tuổi.

- Những người có sức đề kháng yếu, mới ốm dậy hoặc mắc đang điều trị bệnh, nhất là bệnh tim mạch, huyết áp, thần kinh.

- Phụ nữ có thai.

- Những người đang sử dụng 1 số loại thuốc như kháng sinh nặng, thuốc trị trầm cảm, mất ngủ, khí huyết kém lưu thông.

Cần phải đặc biệt chú ý để phát hiện sớm các triệu chứng sốc nhiệt sau đây:

Sốc nhiệt mùa hè có thể gây ra đột quỵ hoặc tử vong, 3 bước sơ cứu ai cũng phải biết - 2

- Thông thường, người bị sốc nhiệt ban đầu sẽ bị tăng nhiệt độ cơ thể nhanh, người nóng bừng, da khô, mặt đỏ, choáng váng, mất sức.

- Ngay sau đó sẽ kéo theo các triệu chứng đau đầu, thường là đau nửa đầu, khó thở, tức ngực, buồn nôn hoặc nôn mửa.

- Các trường hợp nặng có thể cộng thêm bị sốt cao, chóng mặt, ngất xỉu, thậm chí rối loạn hệ thần kinh (mê sảng), rối loạn hô hấp (thở nhanh, rối loạn tim mạch). Nắng nóng còn có thể dẫn đến tình trạng mất nước do tiết nhiều mồ hôi, làm giảm khối lượng tuần hoàn máu dẫn đến trụy mạch.

Làm gì để phòng tránh sốc nhiệt?

Hạn chế đi ra ngoài đường, trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo chống nắng, đeo kính chống nóng.

Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, có thể uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol. Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

Lưu ý không nên uống nước đá, nước lạnh hay nước ngọt có gas bởi nó chỉ khiến cơ thể thêm phần mất nước.

Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, dẫn đến thay đổi đột ngột nhiệt độ khi ra ngoài, không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

Thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Những người làm việc trong môi trường nắng nóng phải tự bảo vệ mình, phải tạm dừng nếu điều kiện thời tiết vượt quá sức chịu đựng của cơ thể.

Đặc biệt, thời điểm 12 – 16 giờ là nhiệt độ cao nhất trong ngày, do vậy không lao động ngoài trời ở khoảng thời gian này. Vì cơ thể không dung nạp được nhiệt độ môi trường, sẽ có nguy cơ xảy ra nhiều biến cố nguy hiểm.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/soc-nhiet-mua-he-co-the-gay-ra-dot-quy-hoac-tu-vong-3-buoc-so-cuu-ai-cung-phai-biet-tintuc829603