Gia đình

'Sáng ăn như vua' liệu có tốt nhất cho sức khỏe? Đáp án ít ai ngờ từ các chuyên gia

Trong xã hội hiện nay, việc ăn sáng tùy vào nhu cầu, sở thích của từng người, vì thế câu nói “sáng ăn như vua” không đúng cho tất cả.

Bữa sáng có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, điều này đã được đúc kết từ rất lâu, cũng chính vì thế mà trong dân gian vẫn lưu truyền câu nói: “Ăn sáng như một vị vua, ăn trưa như một hoàng tử và ăn tối như một kẻ ăn mày”.

Phân tích về ý nghĩa câu nói trên, TS.BS Từ Ngữ - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, không phải tự nhiên xuất hiện câu nói trên, nghĩa của nó xét về khía cạnh dinh dưỡng là muốn đề cao giá trị và sự cần thiết của bữa sáng.

'Sáng ăn như vua' liệu có tốt nhất cho sức khỏe? Đáp án ít ai ngờ từ các chuyên gia
Bữa sáng chủ yếu dựa vào nhu cầu của từng người chứ không ăn thật nhiều, thật no như ngày xưa. (Ảnh minh họa)

Theo TS Từ Ngữ, hiện nay các gia đình ăn tối khoảng 18h-20h, sau đó sẽ nghỉ và ngủ cho đến 7h-8h sáng hôm sau mới ăn sáng, như vậy thời gian cách nhau sẽ là 12 tiếng. Do vậy, bữa sáng cần được ăn nhiều để bù lại năng lượng đã mất và nạp năng lượng cho ngày làm việc mới. Đó là ý nghĩa của sự ví von "Sáng ăn như vua".

Trước đây, trong thời kỳ khó khăn, câu nói này rất đúng, vì người dân khi đó nghèo đói, bữa sáng là bữa chính, thậm chí chỉ ăn một bữa sáng lấy sức để đi làm và nhịn cả ngày, đến tối về ăn lót dạ (ăn như một kẻ ăn mày) rồi đi ngủ.

Còn ở thời điểm hiện tại, TS Từ Ngữ cho rằng, câu nói trên chỉ đúng với ý khẳng định vai trò quan trọng của bữa sáng, vì thực tế việc ăn sáng cái gì, ăn ra sao… sẽ phụ thuộc vào từng cá thế, chứ không phải ai cũng cần ăn sáng thật no.

'Sáng ăn như vua' liệu có tốt nhất cho sức khỏe? Đáp án ít ai ngờ từ các chuyên gia - 1
Không nên bỏ bữa sáng nhưng việc ăn như thế nào cần phù hợp điều kiện, nhu cầu. (Ảnh minh họa)

“Với người lao động, buổi sáng cần nhiều năng lượng thì có thể ăn một gói xôi thêm trứng, chả… Dân văn phòng có khi chỉ cần chiếc bánh mỳ hoặc bát bún là xong. Còn những người muốn giảm cân thậm chí chỉ cần một bát nhỏ ngũ cốc, hay một quả trứng luộc, chút hoa quả… Nhiều người vẫn ăn sáng nhưng chỉ coi là điểm tâm, chứ không quá quan trọng.

Với bản thân tôi, ăn sáng cũng rất đơn giản, có hôm ăn nhiều, có hôm ăn ít, tùy vào nhu cầu. Chẳng hạn, hôm nào mà tối trước có nhậu một chút thì sáng hôm sau tôi ăn nhiều hơn. Còn bình thường chỉ cần gói xôi, bát bún là xong. Nhưng tôi không bao giờ bỏ bữa sáng”, TS Từ Ngữ chia sẻ.

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Phó khoa Dinh dưỡng tiết chế (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho rằng, vấn đề ăn uống trong ngày cần phân chia sao cho hợp lý lượng calo nạp vào cơ thể và ăn theo nhu cầu của mỗi người. Tuy nhiên, nguyên tắc bất di bất dịch dù bữa sáng, trưa hay tối đó là phải đa dạng thực phẩm, đầy đủ 4 nhóm chất (đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất).

'Sáng ăn như vua' liệu có tốt nhất cho sức khỏe? Đáp án ít ai ngờ từ các chuyên gia - 2
Nguyên tắc cơ bản khi ăn bữa sáng đó là phải đủ nhóm chất và đa dạng thực phẩm. (Ảnh minh họa)

“Một người trưởng thành trung bình cần nạp 1.600kcal/ngày, thì chúng ta cần phân chia sao cho hợp lý và tập trung vào 3 bữa chính. Về cơ bản thì năng lượng nạp vào cân đối theo các bữa ăn sẽ là: Bữa sáng: 500kcal; bữa trưa: 500kcal: Bữa tối: 500kcal, số calo còn lại là từ nguồn khác như bữa phụ, ăn vặt…

Tuy nhiên, nếu ai cần ăn nhiều vào buổi sáng có thể nạp thêm lên đến 600kcal, bữa trưa cũng ăn đến 600kcal để lấy sức làm việc chiều, khi đó buổi tối cần phải giảm đi. Bởi nếu cứ nạp thêm nhiều calo nhưng cơ thể không tiêu hao hết sẽ tích tụ lại và dẫn tới thừa cân, béo phì”, bác sĩ Hưng tư vấn.

Tóm lại, bác sĩ Hưng cho rằng việc ăn uống là tùy từng người, tuy nhiên tuyệt đối không ăn quá nhiều vào một bữa và không nên bỏ bữa. Mỗi bữa ăn đều có vai trò riêng, chứ không phải bữa sáng mới quan trọng, các bữa còn lại có thể lơ là.

 

Theo Lê Phương (Phụ Nữ Việt Nam)




https://phunuvietnam.vn/sang-an-nhu-vua-lieu-co-tot-nhat-cho-suc-khoe-dap-an-it-ai-ngo-tu-cac-chuyen-gia-512022245141017206.htm