Gia đình

Quên ăn sáng bị hạ đường huyết, tài xế hôn mê trên đường

Nam tài xế quê Long An bị bệnh tiểu đường, quên ăn sáng nên hạ đường huyết nghiêm trọng dẫn đến hôn mê sâu.

Thạc sĩ Võ Tuấn Khoa, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), cho biết bệnh nhân 38 tuổi bị đái tháo đường khoảng 12 năm nay. Mỗi ngày anh phải tiêm insulin bằng bút tiêm. Cách nay 2 tuần, bệnh nhân điều trị viêm phổi tại bệnh viện địa phương. Khoảng 3 ngày sau, bệnh nhân được bác sĩ chuyển từ dạng tiêm insulin bằng bút thành dạng lọ insulin dùng với kim tiêm. 

Một tuần trước, buổi sáng anh thức dậy và tiêm insulin bằng kim tiêm với liều 25 đơn vị như thường ngày. Tuy nhiên anh quên ăn sáng.

Bệnh nhân là tài xế xe tải. Khi vừa lái xe ra khỏi nhà, anh cảm thấy mệt nhiều nên dừng xe bên lề đường và dần hôn mê. 5 tiếng đồng hồ sau anh mới được mọi người phát hiện đưa đi cấp cứu. Bệnh nhân được xử trí tạm thời và chuyển từ Long An đến Bệnh viện Nhân dân 115 chiều cùng ngày.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân hôn mê hạ đường huyết kéo dài, đái tháo đường type 2, viêm phổi nặng.  Bệnh nhân được hỗ trợ hô hấp bằng máy thở, truyền dịch glucose để đưa mức đường huyết về bình thường. 

Sau một tuần điều trị nội khoa tích cực, tri giác của bệnh nhân mới cải thiện dần. Bệnh nhân hiện tỉnh táo hơn, có thể trò chuyện và nhận biết người thân nhưng rất chậm.

"Đây là trường hợp bị hạ đường huyết nghiêm trọng và được cứu sống hy hữu ở bệnh nhân đái tháo đường đang sử dụng insulin", bác sĩ Khoa chia sẻ. Các trường hợp hạ đường huyết quá lâu có thể dẫn đến di chứng não không hồi phục, thậm chí tử vong.

Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, phần lớn bệnh nhân hồi phục và không để lại di chứng.

Quên ăn sáng bị hạ đường huyết, tài xế hôn mê trên đường
Insulin thường được tiêm trước bữa ăn của bệnh nhân. Ảnh: apotekbebi

Theo bác sĩ Khoa, các yếu tố khiến nam tài xế bị hạ đường huyết quá mức gồm không chú ý thời điểm tiêm insulin và thiếu bữa ăn sáng. Loại insulin mà bệnh nhân đang dùng cần được tiêm trước khi ăn 30 phút. Liều insulin có thể thay đổi khi chuyển từ bút tiêm sang loại lọ tiêm dùng kèm kim tiêm. Bệnh nhân có thể chưa được bác sĩ hướng dẫn cách nhận biết và xử trí ban đầu khi bị hạ đường huyết.

Bác sĩ khuyến cáo với bệnh nhân đái tháo đường có nghề nghiệp đòi hỏi an toàn lao động tuyệt đối như lái tàu xe, vận hành máy móc, thợ xây dựng làm việc trên giàn giáo..., tình trạng hạ đường huyết quá mức có thể xảy ra làm mất ý thức đột ngột, rất nguy hiểm. Bệnh nhân được bác sĩ chuyên khoa nội tiết tư vấn chọn các loại thuốc an toàn, hướng dẫn cách xử trí tạm thời nếu bị hạ đường huyết. 

Với bệnh nhân bị hạ đường huyết nhiều lần, bác sĩ nên khuyến cáo cân nhắc chuyển đổi nghề khác. 

Theo Lê Phương (VnExpress.net)