Gia đình

Phát hoảng vì con dọa 'tố' cha mẹ vì kiên quyết đòi giữ tiền lì xì

Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, chị Nguyễn Liên (tên nhân vật đã được thay đổi), khu Đô thị II Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, con trai 14 tuổi dọa “tố” cha mẹ để kiên quyết đòi giữ tiền lì xì.

Chị Nguyễn Liên cho biết, do số tiền lì xì con nhận được trong dịp Tết Nguyên đán khá lớn nên cha mẹ muốn giữ hộ bởi lo lắng mất an toàn. Mất an toàn cho chính con nếu sử dụng tiền không đúng mục đích và mất an toàn với số tiền nếu con không giữ cẩn thận.

Tuy nhiên, con kiên quyết giữ tiền bởi cho rằng, từ trước đến nay chưa được giữ tiền mừng tuổi do mẹ luôn là người giữ hộ và không được tự quyết định tiêu khi mẹ chưa đồng ý. Nên gần như 13 năm về trước tiền mừng tuổi của con là mẹ tiêu.

Chính vì vậy năm nay, con trai 14 tuổi của chị Liên kiên quyết giữ tiền. Khi chị Liên không đồng ý thì con trai đã dọa tố cha mẹ nếu phản đối con giữ tiền lì xì.

Phát hoảng vì con dọa 'tố' cha mẹ vì kiên quyết đòi giữ tiền lì xì
Ảnh minh họa

Chị Liên cho biết: "Cũng như mọi năm sau ngày Tết, tôi đề nghị giữ giúp tiền lì xì Tết cho con. Thế nhưng, con trai lần này phản ứng khá quyết liệt thậm chí dọa cha mẹ có thể bị phạt 1.000.000 đồng vì giữ của riêng của con khi không được con đồng ý. Lúc con dọa tôi hơi bất ngờ, thậm chí có chút hoảng vì thấy buồn không hiểu vì sao con lại phản ứng khiến mình thấy tổn thương. Sau đó mới tìm hiểu thì được biết "con đọc được thông tin trên mạng là cha mẹ giữ tiền mừng tuổi có con có thể bị phát 1.000.000 đồng".

"Tìm hiểu kỹ tôi mới biết, thông tin nói trên trích theo quy định trong Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy, Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ ngày 28/12/2013", chị Liên chia sẻ.

Theo điểm a, khoản 2, Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình bị xem là hành vi bạo lực về kinh tế và sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Phát hoảng vì con dọa 'tố' cha mẹ vì kiên quyết đòi giữ tiền lì xì - 1
Khi con trên 15 tuổi hãy hướng dẫn cho con cách quản lý chi tiêu, hướng dẫn con cách giữ tiền thay vì cha mẹ bắt ép đề nghị giữ hộ tiền cho con.

Đúng là theo quy định nói trên, tiền lì xì Tết cũng được coi là tài sản riêng của con. Tiền lì xì Tết của con mà cha mẹ yêu cầu được giữ khi con không đồng ý thì có thể bị xử phạt với số tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Khoản 1, Điều 75, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về Quyền có tài sản riêng của con, cũng quy định: "Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con".

Vì vậy, muốn quản lý, giữ giúp tiền lì xì hoặc tài sản riêng của con, ba mẹ có thể cùng con trao đổi, thỏa thuận để quản lý, sử dụng khoản tiền lì xì Tết hoặc tài sản riêng của con một cách hợp lý, như quy định tại Điều 76 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Tại khoản 1, Điều 76 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: "con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý". Và theo khoản 2, "tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác".

Chị Nguyễn Thị Hiền, chuyên gia tâm lý Trung tâm Khoa học tâm lý Thủy Anh phân tích, việc con phản ứng khi cha mẹ đề nghị giữ tiền mừng tuổi thì cha mẹ cũng cần xem lại cách xử lý của mình. Do cha mẹ nghĩ rằng con còn nhỏ chưa biết gì về tiền, nên thường tịch thu hết lì xì của các con. Điều này, khiến con cảm thấy bị tước đoạt thứ thuộc về mình.

Vì vậy, khi giữ tiền mừng tuổi cho con bố mẹ nên nói "bố mẹ sẽ giữ hộ" hoặc cùng con bỏ tiền mừng tuổi vào lợn đất. Sau đó thỏa thuận với con rằng, số tiền này bố mẹ sẽ chỉ dùng cho con, ví dụ như trích ra mua quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cho con. Khi trích mua món cụ thể cũng nói rõ cho con được biết. Như vậy, con sẽ cảm thấy mình được tôn trọng, xóa bỏ cảm giác bị cha mẹ lấy mất tiền.

Khi con trên 15 tuổi, luật đã cho phép cha mẹ nên hướng dẫn con cách sử dụng tiền mừng tuổi hợp lý. Ví dụ, tiền mừng tuổi sẽ được chi cho những khoản hợp lý, chi mua quần áo, giầy dép, trang trí góc học tập của con, quà tặng người thân nhân dịp sinh nhật…

Thông qua đó, các con sẽ có ý thức hơn và biết trân quý những phong bao lì xì được nhận trong dịp Tết Nguyên.

Theo Đông An (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/gia-dinh/phat-hoang-vi-con-doa-to-cha-me-vi-kien-quyet-doi-giu-tien-li-xi-20200204120342394.htm