Gia đình

Những nguy hiểm bạn có thể bỏ qua với viêm gan virus B 'thể ngủ'

Phần lớn những người bị nhiễm viêm gan virus B (HBV) ở “thể ngủ” có tâm lý chủ quan vì nghĩ không gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khi virus HBV tồn tại trong cơ thể, vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác bằng đường máu hoặc theo đường tình dục, mẹ truyền cho con… và nguy cơ gây hại cho gan vẫn rất lớn.

Những nguy hiểm bạn có thể bỏ qua với viêm gan virus B 'thể ngủ'
Dù mang thể lành tính, những người có virus viêm gan B vẫn cần phải tầm soát kiểm tra định kỳ. Ảnh minh họa

Viêm gan virus B “thể ngủ” là gì?

Virus viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu gây nên xơ gan và ung thư gan. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh viêm gan do virus là nguyên nhân thứ 7 gây tử vong trên toàn cầu. Nước ta nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ nhiễm viêm gan B hoạt động và thụ động cao nhất thế giới.

Nói về bệnh này, GS.TS.TTND Nguyễn Văn Mùi, (nguyên Phó Giám đốc, Chủ nhiệm Bộ môn Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 103) cho biết, viêm gan B mạn tính gồm hai thể bệnh là viêm gan B thể hoạt động và “thể ngủ”. Virus viêm gan B tồn tại trong cơ thể nhưng chưa phá hủy tế bào gan, xét nghiệm men gan bình thường thì gọi là nhiễm virus viêm gan B thể lành tính hay còn gọi “thể ngủ”.

Đa phần mọi người vẫn chủ quan với thể lành tính. Đúng là khi virus “ngủ yên”, không nhân lên, bệnh không đáng lo ngại. Nhưng người bệnh vẫn cần phải tầm soát bệnh thường xuyên, duy trì lối sinh hoạt khoa học. Virus lúc này chỉ là tạm thời không hoạt động, bất cứ lúc nào cũng sẽ bùng phát tái hoạt động, đặc biệt là khi cơ thể ốm yếu, sức đề kháng kém… Và một khi virus HBV tồn tại trong cơ thể, vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác bằng đường máu hoặc theo đường tình dục, mẹ truyền cho con. Điều mà nhiều người hiện vẫn có suy nghĩ sai lầm rằng, ở thể lành tính thì viêm gan B không lây truyền.

Theo PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam, khi virus HBV vào cơ thể người mà cơ thể chưa có miễn dịch chống HBV thì nguy cơ bị virus tấn công là khó tránh. Nhưng không phải cứ nhiễm virus này sẽ gây bệnh cho gan. Khi virus nhân lên ồ ạt, tấn công tế bào gan mạnh mẽ sẽ gây ảnh hưởng đến gan.

Virus viêm gan B có thể từ trạng thái ngủ sang trạng thái hoạt động và tiến triển rất nhanh gây tổn thương đến gan. Họ vẫn cần phải có những biện pháp phòng bệnh, tránh để virus hoạt động.

Nếu như không được tầm soát, kiểm tra định kỳ, lối sống không lành mạnh sẽ tạo điều kiện cho virus hoạt động mạnh. Điều đáng nói là viêm gan virus B là một căn bệnh có diễn tiến phức tạp thay đổi theo thời gian. Hơn nữa, ở giai đoạn đầu mới tổn thương gan vẫn có thể đảm nhiệm các chức năng của mình nên thường không có biểu hiện đặc trưng, rầm rộ. Bởi vậy mà nhiều người thường nhầm lẫn, chủ quan.

Nhiều trường hợp khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn nặng, thậm chí có thể đã biến chứng nguy hiểm như xơ gan, xuất hiện khối u trong gan, ung thư gan… khiến việc điều trị khó khăn, cơ hội sống cũng ít.

Cách bảo vệ lá gan khỏe mạnh dù ở “thể ngủ”

Theo GS.TS.TTND Nguyễn Văn Mùi, viêm gan virus B không quá nguy hiểm, người bệnh hoàn toàn có thể sống chung hoà bình với bệnh trong nhiều năm, thậm chí vẫn có thể tham gia lao động bình thường và sống thọ.

Với những người lành mang HBV tạm thời virus không hoạt động, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của gan, không cần điều trị bất kỳ một loại thuốc nào. Các loại thuốc Tây y hiện chỉ có tác dụng ức chế HBV phát triển ồ ạt với viêm gan B cấp và mạn. Những người này đã được xác định là nhiễm virus nên vaccine sẽ không phát huy được tác dụng phòng chống.

Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát, ngăn chặn sự bùng phát trở lại của virus như đã nói ở trên lại rất nguy hiểm. Bởi vậy, để bảo vệ lá gan, những người lành mang virus tuyệt đối không nên chủ quan.

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng những biến chứng cho gan, mọi người cần lưu ý:

Tăng cường sức đề kháng, có lối sống lành mạnh để không cho virus có cơ hội nhân lên. Mọi người nên kiêng rượu, bia và các loại nước giải khát có cồn. Không hút thuốc lá, hạn chế mỡ động vật. Tăng cường hoạt động thể lực bằng cách thể dục nhịp điệu, đi bộ, bơi hoặc chơi cầu lông...

Kiểm tra xem nhiễm bệnh hay chưa qua xét nghiệm máu tìm dấu ấn HBsAg, sau đó nên tiêm phòng. Trường hợp dương tính với viêm gan B cần đi khám sức khỏe định kỳ để đánh giá chức năng gan và mức độ hoạt động của virus. Tùy vào xác định định lượng virrus cũng như giai đoạn bệnh mà bác sỹ sẽ có phương pháp điều trị cụ thể.

Dù ở thể lành cũng cần kiểm tra sức khỏe và làm các xét nghiệm định kỳ 6 tháng một lần có liên quan đến HBV như: HBsAg, HBeAg, HBVDNA và xét nghiệm men gan để được theo dõi thật chặt chẽ đề phòng HBV tái hoạt động. Với người có chỉ định dùng thuốc, phải tuyệt đối tuân thủ phác đồ của bác sỹ.

Có thể sử dụng thêm các loại thảo dược được kiểm chứng khoa học có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm gan virus, bảo vệ gan chẳng hạn như cây cà gai leo và mật nhân…

Bên cạnh đó, bệnh viêm gan B có khả năng lây nhiễm cho người khác bằng đường máu hoặc theo đường tình dục, mẹ truyền cho con. Bởi vậy, những người bị viêm gan virus B, C hay ung thư gan cũng cần chú ý phòng lây nhiễm cho người thân và cộng đồng bằng cách: Sinh hoạt tình dục cần sử dụng bao cao su, không hiến máu, không sử dụng chung các dụng cụ như dao cạo râu, bơm kim tiêm…

Điều cần làm khi con bị lây nhiễm viêm gan B từ mẹ

“Trong trường hợp con đã bị lây nhiễm từ mẹ bị viêm gan B cũng không có cách nào khác là cần theo dõi định kỳ 4 - 6 tháng/lần để đánh giá xem men gan có tăng không nhằm kiểm soát bệnh diễn biến phức tạp. Để điều trị viêm gan B, hiện có 3 thuốc ưu tiên sử dụng là Entercavir, Tenofovir và Peg- IFN”.

PGS.TS Trịnh Thị Ngọc (Phó Chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam)

Theo Hà My - Thanh Bùi (Giadinh.net.vn)