Gia đình

Những người có nguy cơ mắc chứng hoại tử xương hàm nghi liên quan Covid-19

Các trường hợp bị hoại tử xương hàm thường có bệnh nền, đặc biệt là tiểu đường, được kê đơn thuốc chứa corticoid khi điều trị Covid-19.

Covid-19 chủ yếu ảnh hưởng đến hệ hô hấp tuy nhiên, một số ít bệnh nhân cũng xuất hiện biến chứng răng hàm mặt gồm cả hoại tử xương. 

Mới đây, một nhóm các nhà khoa học Hy Lạp đã công bố nghiên cứu về 12 ca bị hoại tử xương hàm sau nhiễm Covid-19 từ 37 tới 68 tuổi. Bảy người trong số đó là nữ. Tất cả các trường hợp đều đồng nhiễm một bệnh khác và được kê đơn thuốc kháng viêm corticoid khi điều trị Covid-19. 

Thời gian bắt đầu xuất hiện các triệu chứng hoại tử xương trung bình là 5-7 tuần tính từ ngày có kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Bệnh nhân được phẫu thuật khử trùng và dùng kháng sinh trước và sau mổ tối thiểu 3 tuần. Tất cả các bệnh nhân được theo dõi trong ít nhất 2 tháng, không có ca tái phát.

Tính tới tháng 7, cả thế giới đã có tổng 558 triệu lượt ca Covid-19 với hơn 6 triệu người tử vong. Mặc dù đa số các bệnh nhân đã bình phục nhưng dễ có các biến chứng sau đó. 

Theo BMC, chứng hoại tử xương hàm hiện có thể coi là một trong những biến chứng răng hàm miệng tiềm ẩn hậu Covid-19. 

Nhiều yếu tố có khả năng góp phần gây ra chứng hoại tử xương hàm hậu Covid-19. Yếu tố chính là bản thân virus SARS-CoV-2 gây ra trạng thái viêm, rối loạn miễn dịch, huyết khối vi mạch, tăng tình trạng đông máu. 

Thứ hai là các loại thuốc được sử dụng để điều trị hội chứng viêm quá phát và cơn bão cytokine như corticoid và các loại thuốc sinh học như kháng thể đơn dòng. 

Thứ ba là các bệnh đồng nhiễm, có thể là nhiễm trùng thứ cấp do vi khuẩn hoặc nấm. 

Thứ tư là các bệnh nền kèm theo, đặc biệt là bệnh đái tháo đường, làm suy giảm thêm khả năng miễn dịch của cơ thể. 

Những người có nguy cơ mắc chứng hoại tử xương hàm nghi liên quan Covid-19
Biểu hiệu ở một số bệnh nhân bị hoại tử xương hàm

Những yếu tố trên liên quan đến sự phát triển của chứng hoại tử xương hàm, độc lập hoặc là kết quả của sự tương tác. 

Các bệnh nhân đều mắc thêm bệnh đi kèm, trong đó có tiểu đường. Một số báo cáo đã ghi nhận mối liên hệ giữa Covid-19 ở bệnh nhân tiểu đường với sự xuất hiện của hoại tử xương hàm và các xương khác. 

Điều đặc biệt là tất cả các trường hợp có sự liên hệ tiềm ẩn giữa hoại tử xương hàm và Covid-19 xuất hiện triệu chứng ở hàm trên. Điều này có thể do niêm mạc mũi và xoang hàm trên gần nhau. Người ta suy đoán viêm tủy xương do viêm xoang là điểm khởi đầu cho tình trạng nghiêm trọng này vì SARS-CoV-2 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.

Tình trạng hoại tử xương hàm xảy ra ở những bệnh nhân đã hồi phục sau nhiễm SARS-CoV-2 đang là một mối quan tâm dù số lượng chưa nhiều. Các bệnh nhân có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và những người được kê đơn corticoid được đánh giá có nguy cơ đáng kể. 

Các nhà chuyên môn cho răng, cần thêm các phân tích để xác nhận liệu virus hay các yếu tố khác có dẫn đến hoại tử xương hàm hay không.

Theo An Yên (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/chung-hoai-tu-xuong-ham-nghi-lien-quan-toi-covid-19-2039802.html