Gia đình

Nhiều cặp vợ chồng tưởng chừng rất hạnh phúc nhưng cuối cùng vẫn ra tòa ly hôn, nguyên nhân đến từ điều mà không ít người vẫn coi nhẹ

Có khi nguồn cơn phá nát cuộc hôn nhân tưởng chừng hội tụ đầy đủ yếu tố để hạnh phúc kia lại là những điều mà nhiều người vẫn coi nhẹ.

Trong cuộc sống không thiếu những cuộc hôn nhân khiến người ngoài cảm thấy khó mà hiểu được. Có cặp vợ chồng tưởng chừng rất hạnh phúc, thu hút nhiều sự ngưỡng mộ của người xung quanh, song đến cuối cùng họ vẫn dắt nhau ra tòa ly hôn. Ai cũng ngỡ ngàng không hiểu nguyên nhân vì đâu, cặp vợ chồng ấy có đủ tiền tài, địa vị, con cái đề huề, lại đều là những người sống đạo đức cả.

Nguyên nhân rạn nứt của một mối quan hệ người ngoài cuộc sẽ khó bề đoán định. Có khi nguồn cơn phá nát cuộc hôn nhân tưởng chừng hội tụ đầy đủ yếu tố để hạnh phúc kia lại là những điều mà nhiều người vẫn coi nhẹ. Có thể kể đến 4 nguyên nhân sau đây:

1. Vợ chồng ngày càng ít tương tác

Cuộc sống hiện đại khiến cả vợ và chồng đều bận rộn với công việc, những mối quan hệ riêng. Cả ngày quay cuồng với công việc trên công ty chẳng ai có thời gian nhắn tin, gọi điện cho người còn lại. Buổi tối có khi vợ thì bận chăm con, chồng tăng ca về muộn hay tụ tập với bạn bè... Hết 1 ngày ai cũng mệt mỏi rã rời, chỉ muốn chìm vào giấc ngủ chẳng còn thiết tha trò chuyện, tâm sự với nhau vài lời.

Nhiều cặp vợ chồng tưởng chừng rất hạnh phúc nhưng cuối cùng vẫn ra tòa ly hôn, nguyên nhân đến từ điều mà không ít người vẫn coi nhẹ
Ảnh minh họa

Tình hình như vậy kéo dài chắc chắn khiến mối quan hệ vợ chồng ngày càng xa cách. Mang tiếng chung sống dưới 1 mái nhà nhưng thực chất sự tương tác với nhau thì chẳng khác gì người xa lạ.

Bất kì một mối quan hệ nào cũng cần phải có sự duy trì và bồi đắp. Không ít người sẵn sàng dành nhiều thời gian để bồi đắp tình cảm với đồng nghiệp và bạn bè. Song họ lại coi nhẹ sự tương tác vợ chồng, cho rằng đã là vợ chồng với nhau thì cần gì những thứ giao tiếp khách sáo đó. Để rồi tới lúc nhận ra giữa 2 người chẳng còn gì để nói, tình cảm và suy nghĩ đã cách xa nhau thì đã muộn.

2. Vợ chồng không chú trọng tạo khoảnh khắc ngọt ngào bên nhau

Tình cảm vợ chồng không để so được với cảm xúc khi còn yêu đương về sự nồng nàn và cuồng nhiệt. Đó là sự thật nhưng nhiều người lại vin vào quan điểm ấy để mặc kệ tình cảm vợ chồng trở nên nguội lạnh, nhạt nhẽo.

Không dưng mà người ta thường thủ thỉ với nhau những chiêu để "hâm nóng tình cảm vợ chồng". Mối quan hệ vợ chồng khác với mối quan hệ yêu đương song điều đó không có nghĩa nó không cần những khoảnh khắc riêng tư ngọt ngào giữa hai người.

Một cặp vợ chồng ít chú trọng tạo ra những khoảng thời gian riêng tư đáng nhớ thì tình cảm vợ chồng sẽ ngày càng nhàm chán, nhạt nhẽo. Để rồi đứng trước cám dỗ bên ngoài họ dễ dàng bị hấp dẫn đến quên cả lối về.

3. Mâu thuẫn vợ chồng không được giải quyết triệt để

Mâu thuẫn vợ chồng không quá đáng sợ, quan trọng là cách giải quyết và đối mặt với rắc rối của người trong cuộc. Mâu thuẫn phát sinh cần phải được giải quyết triệt để, qua đó vợ chồng cùng rút ra bài học và kinh nghiệm, lần sau vấn đề ấy không lặp lại nữa.

Nhưng nhiều người lại chọn cách bỏ qua mâu thuẫn, trốn tránh xung đột vì họ ngại phải tranh luận, không muốn hao tâm tổn trí nghĩ cách thức giải quyết vấn đề. Hoặc đơn giản họ cho rằng chỉ cần im lặng và làm ngơ thì, tự khắc mọi chuyện sẽ được giải quyết.

Nhiều cặp vợ chồng tưởng chừng rất hạnh phúc nhưng cuối cùng vẫn ra tòa ly hôn, nguyên nhân đến từ điều mà không ít người vẫn coi nhẹ - 1
Ảnh minh họa

Song họ không hiểu được rằng, một khi nguồn gốc sâu xa của mâu thuẫn không được tháo gỡ thì trong lòng mỗi người sẽ vẫn âm ỉ khó chịu, bất mãn. Cách làm ấy chẳng khác gì chôn 1 quả bom ngầm dưới lòng đất, bình thường chẳng nhìn ra chuyện gì nhưng một khi có sự việc nào đó phát sinh, nó sẽ lập tức phát nổ. Hậu quả lúc ấy thật sự khó bề tưởng tượng nổi.

4. Để mặc cha mẹ can thiệp quá mức vào cuộc sống vợ chồng

Con cái phải hiếu thảo và phụng dưỡng cha mẹ là điều hiển nhiên. Nhưng một khi đã trưởng thành, lập gia đình thì mỗi người cần tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của riêng mình, cha mẹ chỉ nên là người ở bên cạnh đưa ra lời khuyên mà thôi.

Vậy nhưng có một số người phần lại quá phụ thuộc vào cha mẹ, hoặc giả họ coi nhẹ tác hại của việc cha mẹ can thiệp quá mức vào cuộc sống vợ chồng. Họ cho rằng điều đó chẳng ảnh hưởng gì, bởi đó là cha mẹ của họ chứ đâu phải người lạ. Khi vợ họ bày tỏ bất mãn, ấm ức, thậm chí người đàn ông còn quay ngược lại trách mắng vợ mình không biết điều.

Cuộc hôn nhân với một người chồng giàu sang, có địa vị nhưng lại ngày ngày sống dưới sự chỉ đạo, kiểm soát từ gia đình chồng từ những chuyện nhỏ nhất, thực sự chẳng khác gì bi kịch. Để đến khi người vợ muốn ly hôn, chồng họ nực cười thay vẫn không hiểu lý do tại sao ấy chứ!

Theo An Du (Báo Dân Sinh)




http://baodansinh.vn/nhieu-cap-vo-chong-tuong-chung-rat-hanh-phuc-nhung-cuoi-cung-van-ra-toa-ly-hon-nguyen-nhan-den-tu-dieu-ma-khong-it-nguoi-van-coi-nhe-22202077234453180.htm