Gia đình

Nhận biết và ngăn ngừa giới trẻ tự tử như thế nào?

Hiện nay tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng gia tăng nhưng người lớn, các bậc phụ huynh chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp.

Rạng sáng 1/4, một nam sinh cấp 3 ở quận Hà Đông, Hà Nội đã trèo qua ban công căn hộ ở tầng 28 rồi nhảy xuống tự tử. Trước đó, nạn nhân có để lại thư tuyệt mệnh có nêu lý do là do áp lực học hành. 

Đến tối 1/4, lãnh đạo phòng Giáo dục&Đào tạo TP Bắc Ninh cho biết, vào sáng 31/3, gia đình nữ sinh N.K.V. (học sinh lớp 8 trường THCS Đại Phúc, TP Bắc Ninh) phát hiện con tử vong trong tư thế treo cổ tại nhà riêng thuộc phường Đại Phúc.

Tại hiện trường, gia đình phát hiện K.V có để lại thư và nhiều trang nhật ký nói về việc mình sắp đi xa.

Trước đó, từ ngày 29/3, V. được nghỉ học tự ôn tập chuẩn bị kiểm tra giữa học kỳ II, ở nhà và không đến trường.

Qua thông tin từ nhà trường, được biết V. có học lực tốt, tuy nhiên ở lớp khá ít nói, ít trao đổi thông tin với các bạn. Phía nhà trường cũng cho hay trong quá trình học tập, nữ sinh V. không có biểu hiện bất thường về tâm lý. Tuy nhiên, căn cứ vào nhật ký và thư mà nữ sinh V. để lại, mọi người suy đoán V. có dấu hiệu trầm cảm.

Đáng chú ý, chỉ trong 10 ngày đã trở lại đây, các vụ tử tử ở học sinh liên tiếp xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu đều do trầm cảm.

Theo các chuyên gia, trầm cảm thường bắt đầu do chịu không nổi áp lực trong cuộc sống, dẫn đến những thiếu hụt về dẫn chất thần kinh trong não. Đó có thể là áp lực vì thất bại trong yêu đương; mất việc làm; mất vị trí, bị bạn bè trấn áp, áp lực học hành, thi cử;…

Dấu hiệu nhận biết người muốn tự tử

Hiện nay các nghiên cứu đã cho thấy nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên là lo âu, trầm cảm. Lo âu, trầm cảm là vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn phát triển trẻ vị thành niên (giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn). Đây là độ tuổi rất nhạy cảm trước những tác động của môi trường, xã hội do những thay đổi về tâm sinh lý ở lứa tuổi này. 

Trầm cảm luôn là nguyên nhân dễ khiến trẻ vị thành niên tìm đến cái chết.
Trầm cảm luôn là nguyên nhân dễ khiến trẻ vị thành niên tìm đến cái chết.

Trầm cảm là một hội chứng gồm các triệu chứng, dấu hiệu về rối loạn cảm xúc, tâm thần, hành vi. Đó có thể là cảm thấy buồn rầu, hay trống rỗng; Mệt mỏi; Mất hứng thú với các hoạt động yêu thích; Bi quan về tương lai, cảm thấy vô vọng; Giảm tự tin, đánh giá thấp về bản thân; Không thể tập trung, hoặc suy giảm trí nhớ; Không thể ngủ, hoặc ngược lại ngủ quá nhiều; Ăn quá nhiều hoặc không muốn ăn; Muốn chết, có ý nghĩ tự sát, cố gắng tự sát; Có thể kèm theo các triệu chứng cơ thể... Đối với trẻ vị thành niên, đôi khi triệu chứng ẩn sau các dấu hiệu như cáu kỉnh, giận dữ, không hợp tác khiến trẻ bị hiểu lầm là “sự nổi loạn của lứa tuổi ẩm ương”.

Sự phát triển của Internet, mạng xã hội có ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ và hành vi của trẻ vị thành niên. Có những trò chơi thách thức sự dũng cảm bằng hành động tự làm đau bản thân, có tính bạo lực. Hay những hình ảnh, câu chuyện mang tính bạo lực, bế tắc đều tác động đến hiện tượng tự tử ở thanh thiếu niên. Những cách giải quyết bế tắc trong truyện, phim gây ảnh hưởng tới tâm lý, tình cảm của họ.

Còn cả yếu tố về xã hội, các tệ nạn xã hội một khi lỡ dính vào rượu bia, trộm cắp, bài bạc,.. sự xâm nhập của các lối sống, kiểu sống không đúng chuẩn mực, bạo lực,… thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển về thể chất, tinh thần của thanh thiếu niên cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến hành vi tự tử của họ.

Cần phải nghi ngờ trẻ có ý định tự tử nếu trẻ có các biểu hiện như: Trẻ luôn than thở buồn chán, nghĩ mình đầy tội lỗi xấu xa, cảm thấy bất tài vô dụng. Có ý định tàng trữ, cất giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự tử như: tích trữ thuốc ngủ, chuẩn bị dây… Đột ngột có những hành vi bất thường: dặn dò bạn bè, mặc quần áo đẹp, tự nhiên trò chuyện vui vẻ với mọi người sau thời gian dài không giao tiếp với xung quanh.

Cần làm gì để giảm tỷ lệ tự tử ở trẻ vị thành niên?

Đứng trước một ý nghĩ hay một mưu toan tự tử của trẻ vị thành niên, mọi người không thể coi thường mà ngược lại phải cho họ biết rằng mình rất quan tâm đến vấn đề này và sẵn sàng để giúp đỡ các em vượt qua khó khăn, tin tưởng hơn vào cuộc sống.

Xây dựng một gia đình hạnh phúc, cha mẹ nên dành nhiều thời gian quan tâm, trò chuyện với con cái của mình nhiều hơn, lắng nghe tâm tư, tình cảm của con.

Không áp đặt thành tích học tập cho con, không đặt kì vọng quá cao cho con. Phân bổ thời gian học tập, vui chơi hợp lý.

Dạy cho trẻ nhiều kỹ năng sống, giá trị cuộc sống để trẻ luôn hướng về những điều tốt đẹp. Giúp các em giảm nỗi đau buồn về tâm lý bằng cách thay đổi môi trường stress, tranh thủ sự nâng đỡ của người thân trong gia đình và bạn học. Giúp các em hiểu rằng, mỗi người có thể có một nỗi buồn chính đáng, mọi người xung quanh cũng có những nỗi buồn riêng nhưng đều có cách cách giải quyết.

Với những trẻ đã từng có ý định tự tử, nhà tâm lý phối hợp với gia đình theo dõi và đánh giá được khả năng tái phát. Các số liệu cho thấy tỉ lệ tái phát tự tử thường khá cao, từ 30% đến 50% trong khoảng thời gian từ 12 đến 18 tháng sau lần tự sát đầu tiên không thành công.

Ngoài ra, cần có các chương trình nâng cao kiến thức cho học sinh ứng phó với suy nghĩ tự tử. Khi có suy nghĩ tự tử, học sinh cần có kỹ năng chia sẻ và ứng phó.

Theo Như Hương (Kinh Tế & Đô Thị)




https://kinhtedothi.vn/nhan-biet-va-ngan-ngua-gioi-tre-tu-tu-nhu-the-nao.html