Gia đình

Người đàn ông nguy kịch vì ngộ độc methanol sau khi uống rượu

Khi nhập viện cấp cứu, nồng độ methanol trong máu của bệnh nhân cao gấp 20 lần ngưỡng gây ngộ độc.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), ông L.P.G (59 tuổi) nhập viện trong tình trạng rối loạn tri giác, toan chuyển hóa nặng. 

Một ngày trước đó, ông G. đã uống một chai rượu trắng hàng xóm cho. Sáng hôm sau, ông than mệt, nằm một chỗ, không ăn uống, đến chiều nôn ra dịch vàng, bất tỉnh. Sau khi được cấp cứu tại một bệnh viện gần nhà, ông G. được chuyển lên Bệnh viện Nhân dân Gia Định. 

Bác sĩ Võ Thúy Vân, Khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết bên cạnh tình trạng toan chuyển hóa nặng, bệnh nhân còn tụt huyết áp, suy hô hấp phải thở máy, không đáp ứng được với điều trị nội khoa bình thường.

Nồng độ methanol trong máu khi vào viện của bệnh nhân lên đến 394,61mg/dl. Với người bình thường, chỉ số là 0, nồng độ methanol đạt 20mg/dl sẽ có chỉ định lọc máu, điều trị giải độc.

Người đàn ông nguy kịch vì ngộ độc methanol sau khi uống rượu
Bệnh nhân ngộ độc methanol điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: BSCC

Trước tình trạng nguy kịch trên, bác sĩ đã tiến hành kỹ thuật siêu lọc máu liên tục (CRRT) cho bệnh nhân. Sau 24 giờ điều trị, tình trạng cải thiện, huyết áp người bệnh ổn dần nhưng nồng độ methanol trong máu vẫn cao. Bệnh nhân tiếp tục được lọc thận và điều trị bệnh nền. 

Sau 6 ngày can thiệp tích cực, chỉ số methanol trong máu của ông G. còn 1,96 mg/dl nhưng hai mắt không nhìn được, tay chân rất yếu. Bác sĩ Vân cho hay đây là một biến chứng của ngộ độc methanol. Trong tình huống xấu nhất, bệnh nhân có thể mù vĩnh viễn.

Theo bác sĩ Vân, do phải tiến hành lọc máu liên tục và chạy thận, viện phí của bệnh nhân đã lên đến gần 40 triệu đồng và sẽ còn tăng. Bệnh nhân không có bảo hiểm y tế, gia đình là lao động nghèo nên chỉ mới đóng được 3 triệu đồng tạm ứng, khó có khả năng chi trả. 

Bác sĩ khuyến cáo trong thời điểm cuối năm, cận Tết, người dân thường có xu hướng liên hoan, tiệc tùng nhiều, nên nguy cơ ngộ độc methanol, ngộ độc rượu bia rất cao. Trước đó, TP.HCM từng xảy ra vụ việc 8 sinh viên nhập viện sau khi uống rượu không rõ nguồn gốc khiến 2 người tử vong. Một nhóm khác phải cấp cứu vì ngộ độc methanol do pha nhầm cồn rửa tay vào rượu. 

Theo Linh Giao (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/bi-ngo-doc-ruou-chua-methanol-nguy-kich-sau-khi-uong-ruou-hang-xom-cho-2088566.html