Gia đình >> COVID-19 (nCoV)

Người đàn ông Hà Nội phát hiện bị ngừng thở khi ngủ sau khi mắc COVID-19

Ba tuần sau khỏi Covid-19, bệnh nhân thường xuyên xuất hiện những cơn tụt oxy máu khi ngủ, bác sĩ chẩn đoán mắc chứng ngừng thở khi ngủ mức độ nặng.

Các bác sĩ Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) vừa tiếp nhận bệnh nhân N.X.A (41 tuổi, ở Hà Nội) bị ngưng thở, chỉ số SpO2 thời điểm thấp nhất là gần 50%. Theo chia sẻ của anh A, cách đây 3 tuần, gia đình anh mắc COVID-19 nên mua máy đo SpO2 để theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, anh phát hiện khi ngủ thường xuyên có những cơn tụt oxy máu xuống rất thấp. Người nhà quan sát thấy có khi chỉ còn dưới 70%.

Lo sợ bị di chứng tim phổi do COVID-19, anh A đến khám tại Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai. Tại phòng khám, các bác sĩ khai thác thấy anh có các triệu chứng như ngủ ngáy, đau đầu, buồn ngủ ban ngày, mất tập trung công việc từ rất lâu nhưng chưa được phát hiện và chẩn đoán bệnh.

Người đàn ông Hà Nội phát hiện bị ngừng thở khi ngủ sau khi mắc COVID-19

Sau đó, anh A được đo đa ký giấc ngủ, kết quả cho thấy bệnh nhân mắc ngừng thở khi ngủ mức độ nặng với AHI >70, cơn ngừng thở dài nhất kéo dài 70 giây và SpO2 thấp nhất là gần 50%. Ngay lập tức bệnh nhân được tư vấn điều trị bằng phương pháp thở máy CPAP. Bước đầu cho thấy đáp ứng tốt, anh A đỡ buồn ngủ, tỉnh táo trong ngày hôm sau.

Theo các bác sĩ, chứng ngưng thở khi ngủ của bệnh nhân không phải do di chứng Covid-19 mà đã có từ lâu nhưng không được phát hiện, đến khi mắc Covid-19 đo SpO2 mới biết.

Ngưng thở khi ngủ là gì?

Ngừng thở khi ngủ (OSA) là một bệnh lý ít được biết đến và quan tâm trong cộng đồng, có thể có các biến chứng rất nặng nề, thậm chí tử vong. Theo các nghiên cứu thế giới, tỷ lệ mắc bệnh tại Bắc Mỹ là 15-30% ở nam và 10-15% ở nữ. Ước tính toàn cầu có hơn 936 triệu người mắc OSA trong độ tuổi 30-69. Các yếu tố liên quan chính là tuổi, giới, béo phì và bất thường về đường thở.

Ngừng thở khi ngủ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra thiếu oxy toàn thân, ảnh hưởng đến các cơ quan như tim, phổi, thận, tuyến tụy, não... từ đó gây rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, tăng nguy cơ nhồi máu não, nhồi máu cơ tim và đột tử. 

Dấu hiệu cảnh báo bệnh ngưng thở khi ngủ

Ngủ ngáy và ngáy rất to

Khi ngủ dậy cổ họng thường đau và khô, cảm giác nghẹt thở hoặc thở hổn hển

Thường thấy buồn ngủ, thiếu sức sống vào ngày kế tiếp, giấc ngủ thường không trọn vẹn

Người đàn ông Hà Nội phát hiện bị ngừng thở khi ngủ sau khi mắc COVID-19 - 1

Hay cảm thấy đau đầu

Tâm trạng không ổn định, hay thay đổi cảm xúc và hay quên.

Không hứng thú trong chuyện vợ chồng

Hay tỉnh dậy trong khi ngủ thậm chí là mất ngủ.

Mặc dù, ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ có khá nhiều biểu hiện xong những biểu hiện đó thường bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác, để đánh giá chính xác xem người bệnh có phải bị ngưng thở khi ngủ hay không, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện xét nghiệm đa ký giấc ngủ.

Đây là kỹ thuật xét nghiệm chuyên sâu về giấc ngủ, giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng giấc ngủ của người bệnh. Kết quả của đa ký giấc ngủ được đánh giá là tiêu chuẩn vàng trong theo dõi điều trị các rối loạn giấc ngủ, trong đó có ngưng thở khi ngủ.

Đa ký giấc ngủ được thực hiện như sau:

Địa điểm thực hiện trong phòng ngủ dành riêng cho bệnh nhân, thiết kế đẹp, cách âm và lượng ánh sáng vừa đủ, giúp người bệnh dễ đi vào giấc ngủ và tạo cảm giác thoải mái như ở nhà.

Người bệnh không được sử dụng chất kích thích trước khi thực hiện

Thời gian thực hiện từ 21h đến 6 giờ sáng hôm sau, thời gian chuẩn bị trong vòng 1 tiếng.

Kỹ thuật viên sẽ giúp bệnh nhân đặt các thiết bị theo dõi trong đó có máy thở áp lực dương liên tục, tất cả các hoạt động xảy ra khi ngủ của bệnh nhân như điện não đồ, nhịp tim, cử động khi ngủ, tiếng ngáy...

Người đàn ông Hà Nội phát hiện bị ngừng thở khi ngủ sau khi mắc COVID-19 - 2

Ngưng thở khi ngủ thường gặp ở nhóm đối tượng nào?

Ngưng thở khi ngủ có thể gặp ở mọi đối tượng, tuy nhiên tình trạng này khá phổ biến ở người trung niên và cao tuổi, đặc biệt là nam giới. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ sau đây có thể tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng ngưng thở khi ngủ:

Người thừa cân, béo phì

Người từ 40 tuổi trở lên

Kích thước cổ lớn, đối với nam giới là từ 17 inch trở lên và ở nữ giới là 16 inch

Amidan lớn, lưỡi hoặc xương hàm nhỏ

Trong gia đình có người mắc chứng ngưng thở khi ngủ

Mũi bị tắc nghẽn do vách ngăn lệch, người mắc bệnh viêm xoang

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/nguoi-dan-ong-ha-noi-phat-hien-bi-ngung-tho-khi-ngu-sau-khi-mac-covid-19-tintuc819252