Gia đình

Mắc căn bệnh quái ác, cô gái 23 tuổi đau đớn vì phải cắt bỏ 1/2 lưỡi

23 tuổi, Nguyễn Thị Nhi ở Nam Định được chẩn đoán mắc ung thư lưỡi - căn bệnh cô chưa bao giờ nghĩ sẽ đến với mình.

Trước đó, Nguyễn Thị Nhi đến Viện Răng Hàm Mặt Trung ương khám sau khi có vết loét ở lưỡi. Bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung - khoa Tạo hình và Thẩm mỹ, Viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội) - cho biết bệnh nhân đã rất sốc sau khi nghe tin mình mắc bệnh và từ chối điều trị.

Bác sĩ Nhung kể lại bà đã thuyết phục Nhi rằng nếu điều trị, em sẽ cùng các chuyên gia chiến đấu với bệnh tật và vẫn còn hy vọng. Còn từ chối, em phải một mình chịu đựng và thua ngay từ đầu. Cuối cùng, Nhi đồng ý điều trị.

Vi phẫu tái tạo lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Nhi phải trải qua ca phẫu thuật lớn. “Chúng tôi có chút băn khoăn vì ca này lớn, đường mổ phức tạp khi phải cắt đôi môi, tạo đường từ phía dưới để cắt bỏ khối u, nạo vét hạch. Bệnh nhân phải cắt bỏ lưỡi là điều rất đáng tiếc, nhất là khi còn trẻ tuổi”, bác sĩ Nhung cho hay.

Theo bà, bệnh nhân mắc ung thư lưỡi rất ám ảnh bởi phải cắt bỏ 1/2, 2/3, thậm chí toàn bộ lưỡi. Việc cắt bỏ lưỡi khiến họ không còn cơ hội nói, nuốt cũng trở nên khó khăn.

Mắc căn bệnh quái ác, cô gái 23 tuổi đau đớn vì phải cắt bỏ 1/2 lưỡi
Bác sĩ Nhung trong ca mổ cùng chuyên gia Đài Loan trong ngành vi phẫu. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Nhung và đồng nghiệp đã giúp 40 bệnh nhân như Nhi tạo hình phần lưỡi mới bằng kỹ thuật vi phẫu.

Song song ca phẫu thuật cắt bỏ 1/2 lưỡi để triệt tiêu khối u của Nhi, bác sĩ Nhung đảm nhiệm khâu lấy phần da ở bắp tay, sau đó vi phẫu tái tạo phần lưỡi mới cho bệnh nhân. Nhờ đó, Nhi có thể duy trì chức năng phần lưỡi.

“Tạo hình lưỡi giúp bệnh nhân cải thiện được chất lượng cuộc sống sau phẫu thuật. Giai đoạn đầu, họ sẽ rất khó khăn, cần tập luyện nhiều. Sau đó, họ có thể tự nuốt và nói được. Điều này rất ý nghĩa với bệnh nhân ung thư lưỡi”, bà Nhung chia sẻ.

Sau ca phẫu thuật, bệnh ung thư lưỡi của Nhi không tiến triển, vết mổ để lại sẹo nhỏ.

Cẩn trọng với các vết loét lâu lành

Theo bác sĩ Nhung, ung thư lưỡi không có triệu chứng điển hình để nhận biết. Đa số trường hợp phát hiện bệnh sau những vết loét ở lưỡi. Một số người thấy vết thương lớn loét sâu, bệnh lúc này đã ở giai đoạn muộn. Bệnh nhân ung thư lưỡi nói riêng, ung thư vùng hàm mặt nói chung, bị tế bào ung thư phá hoại tổ chức, gây hoại tử nên rất đau, biến dạng vùng mặt, đồng thời có mùi hôi thối.

“Từng có bệnh nhân không dám đến gần các con, bởi khuôn mặt biến dạng và mùi bốc ra kinh khủng. Anh ấy đã gọi đến và khóc, xin được phẫu thuật. Chúng tôi giải thích về những rủi ro khi phẫu thuật, anh ấy bảo biết sẽ ra đi, nhưng dù có chết thì cũng muốn được ở cạnh người thân và được ra đi với khuôn mặt con người”, bác sĩ Nhung kể.

Nói về nguyên nhân gây ung thư lưỡi, nữ bác sĩ cho hay một phần lớn xuất phát từ ăn uống. Từng có báo cáo khoa học chỉ ra rằng ăn trầu là một trong những nguyên nhân quan trọng.

“Người dân cần chú ý các vết nhiệt miệng lâu khỏi. Chỉ cần kéo dài 2 tuần trở lên, bạn tuyệt đối không chủ quan, bởi lúc này, khối u thường đã phát triển. Nếu đi khám sớm để phát hiện, người bệnh hoàn toàn có cơ hội cao chiến thắng bệnh tật", bác sĩ Nhung khuyên.

Theo Hà Quyên (Tri Thức Trực Tuyến)