Gia đình

Mắc căn bệnh gây mù lòa chỉ sau đục thủy tinh thể vì bỏ qua dấu hiệu với mắt nhìn mờ

2 năm nay thường thấy mắt nhìn mờ nhưng chủ quan không đi khám, đến khi vào viện ông tá hỏa khi biết mắc phải căn bệnh gây mù lòa đứng thứ hai sau bệnh đục thủy tinh. Nếu không kịp thời, ông có nguy cơ hỏng cả 2 mắt.

Khoảng 2 năm nay, nam bệnh nhân N.Đ.K., 59 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội thấy 2 mắt nhìn mờ, thỉnh thoảng có biểu hiện căng tức thoáng qua nhưng không đau nhức hay cộm vướng mới vào viện khám.

Theo chia sẻ của bệnh nhân, ông cho biết mình mắc tăng huyết áp nhưng không điều trị thường xuyên. Ngoài ra, ông còn bị viêm gan cấp do sử dụng rượu, rối loạn chuyển hóa lipid máu và tăng acid uric máu. Khi mắt xuất hiện những triệu chứng trên chủ quan không đi khám, không được tầm soát bệnh võng mạc tăng huyết áp.

Ngay khi vào viện khám, bệnh nhân đã được bác sĩ chuyên khoa Mắt thăm khám lâm sàng, chỉ định sàng lọc bệnh lý võng mạc tăng huyết áp, chụp cắt lớp (OCT) võng mạc,... Trên các kết quả, bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp Glocom (thiên đầu thống) góc mở nguyên phát, mộng thịt và đục thủy tinh thể.

Mắc căn bệnh gây mù lòa chỉ sau đục thủy tinh thể vì bỏ qua dấu hiệu với mắt nhìn mờ
Nếu không được điều trị sớm khi thấy mắt nhìn mờ, người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ bị mù do biến chứng của Glocom gây ra. Ảnh TL

Trực tiếp thăm khám, điều trị cho bệnh nhân, BS Nguyễn Thị Huế - Chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) MEDLATEC cho biết, các trường hợp như bệnh nhân K nếu không được điều trị sớm có thể đối mặt với nguy cơ bị mù do biến chứng của Glocom gây ra.

Bệnh Glocom (thiên đầu thống) là một bệnh lý gây tổn hại thần kinh thị giác qua cơ chế làm tăng áp lực (nhãn áp) trong mắt. Trong các nguyên nhân gây mù lòa, bệnh Glocom đứng thứ hai sau bệnh đục thủy tinh. Hiện 60 triệu người trên thế giới mắc bệnh Glocom (2010), trong đó có khoảng 8,4 triệu người mù 2 mắt do Glocom.

"Bệnh phát hiện ở giai đoạn đầu có thể can thiệp theo dõi và điều trị tránh bệnh phát triển. Đối với những bệnh nhân có bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp càng nên kiểm tra và thực hiện sàng lọc Glocom. Bất kể ai cũng có thể là đối tượng mắc căn bệnh này, nhưng người sau tuổi 35 có nguy cơ cao hơn. Tốt nhất sau độ tuổi 35, người dân nên đi tầm soát bệnh lý Glocom" – BS Huế cho hay.

Đã có rất nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện muộn, thị lực rất thấp dẫn đến nguy cơ mù loà cao. Bởi vậy, bác sĩ khuyến cáo khi người dân xuất hiện các triệu chứng sau cần đi khám, điều trị sớm tránh các biến chứng không đáng có:

- Nhức mắt, nặng mắt thoáng qua, thỉnh thoảng thấy mắt căng tức nhẹ hoặc nhức quanh hốc mắt;

- Mờ mắt, khi tình trạng nhãn áp tăng lên có thể làm mắt nhìn mờ như sương mù hoặc nhìn nhòe trong thời gian ngắn;

- Nhìn thấy hào quang: Khi nhãn áp tăng, bệnh nhân đôi khi sẽ thấy quầng sáng xanh đỏ khi nhìn vào đèn. Tình trạng này có thể kéo dài cả buổi và lặp đi lặp lại trong thời gian dài.

- Nhức đầu: Nhức đầu là triệu chứng của rất nhiều bệnh, trong đó cao huyết áp là bệnh thường hay nghĩ đến hơn là bệnh Glocom. Vì vậy, khi các triệu chứng nhức đầu kèm theo nhức mắt, mờ mắt cần phải đi khám thêm bác sĩ chuyên khoa mắt để kiểm tra có bệnh Glôcôm kèm theo hay không.

Ngoài ra, một số triệu chứng khác cũng hay gặp phải như: có đom đóm bay trước mắt; Mắt sưng đỏ, khi lấy tay di vào phần mí mắt trên thấy cứng như hòn bi; nôn, buồn nôn, thích nghi sáng tối kém, khó nhìn theo vật di động; Nhìn khuyết góc hoặc nhìn bị che lấp một phần…

Theo P.Thuận (Giadinh.net.vn)




https://giadinh.net.vn/song-khoe/mac-can-benh-gay-mu-loa-chi-sau-duc-thuy-tinh-the-vi-bo-qua-dau-hieu-voi-mat-nhin-mo-20210330105006242.htm