Gia đình

Liên tiếp các vụ sát hại người yêu cũ: Có cách nào chia tay an toàn?

Cần cảnh giác với những người yêu, bạn tình có tính sở hữu cao, thích coi người yêu là tài sản, có xu hướng cực đoan...

Liên tiếp các vụ án mạng do ghen tuông

Trong thời gian ngắn vừa qua đã xảy ra liên tiếp các vụ án mạng do ghen tuông. Nạn nhân thường là nữ và kẻ thủ ác là người yêu cũ.

Liên tiếp các vụ sát hại người yêu cũ: Có cách nào chia tay an toàn?
Khi yêu, cần biết cách nhận diện kiểu người tình nguy hiểm (Ảnh minh họa)

Cách đây không lâu, một cô gái 26 tuổi ở Hải Dương đã bị người tình xuống tay. Sau đó, anh ta tự sát bằng dao nhưng không thành công. Trước đó, cô gái và người yêu thường xuyên cãi vã nên cô đã muốn tránh mặt.

Tại Bắc Giang, cũng chưa lâu, một người đàn ông dùng điếu cày đánh chết người tình vì ghen. Tại TPHCM một kẻ thủ ác giết người yêu rồi chở xác nạn nhân lên công an phường đầu thú.

Đến ngày 24/10, liên tiếp các vụ việc đẫm máu xảy ra đều chung công thức: cô gái bị người yêu cũ hạ sát. Cô gái trẻ N.T.B (19 tuổi) bị người yêu cũ sát hại bằng dao và xẻng. Đối tượng là Phan Thanh Hoàng (cũng 19 tuổi) lên mạng xã hội tuyên bố sẽ giết người yêu cũ chỉ vì đã chia tay còn bị “xúc phạm”. Tại Hải Phòng, người ta phát hiện cô gái trẻ 29 tuổi tử vong bởi một loại súng tự chế. Nghi phạm ra tay chính là bạn trai của cô.

Các vụ sát hại người tình khiến dư luận không khỏi rùng mình với loại tội phạm mất nhân tính. Theo PGS Trần Thành Nam - Chuyên gia về tâm lý xã hội, trường Đại học Quốc gia Hà Nội - giới chuyên gia từng cảnh báo xu hướng bạo lực và rối loạn sức khoẻ tâm thần sau đại dịch COVID-19. Xu hướng bạo lực này không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới.

PGS Trần Thành Nam cho rằng, sau hơn 2 năm mệt mỏi với đại dịch, với giãn cách xã hội, lực lượng nòng cốt chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho con người không còn như trước. Nhiều cá nhân có các biểu hiện rối loạn cảm xúc nhưng không được can thiệp kịp thời. Các xung đột bạo lực bắt nguồn nhiều từ mối quan hệ gia đình, hôn nhân, bạn tình. Trong những vụ sát hại bạn tình, vợ… đối tượng gây ra bạo lực đa phần không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh, bị bệnh tật, lo sợ về cái chết, họ bất an và cảm giác ghen tuông tăng, dẫn tới không kiểm soát được hành vi.

PGS Trần Thành Nam nhận xét, có nhiều người bị rối loạn tâm thần từ nặng tới nhẹ, nhưng không được hỗ trợ kịp thời. Người bệnh luôn thấy cuộc sống áp lực, có các suy nghĩ cực đoan, muốn trả thù đời. Cộng với tác nhân do các tư tưởng lệch lạc trên mạng xã hội, khiến yếu tố bạo lực trở nên trầm trọng.

Liên tiếp các vụ sát hại người yêu cũ: Có cách nào chia tay an toàn? - 1
PGS Trần Thành Nam

Làm sao rút lui khỏi tình yêu an toàn?

Theo PGS Trần Thành Nam, thực tế người ta chỉ nói tới nhiều việc tỏ tình như thế nào, kinh nghiệm duy trì tình yêu, hạnh phúc, ít ai tư vấn về việc làm sao để an toàn rút lui ra khỏi một mối quan hệ yêu đương.

Trước hết, các bạn nữ khi yêu ai cần duy trì câu tục ngữ “chọn bạn mà chơi”. PGS Trần Thành Nam cho rằng, trong cuộc sống tình cảm, mỗi cá nhân hãy nâng cao khả năng nhận diện những người tình nguy hiểm (thường là nam giới). Ngoài bạo lực bằng lời nói gây tổn thương, đối tượng có xu hướng lạm dụng, gây tổn thương thân thể bạn tình khi xảy ra mâu thuẫn. Kiểu người tình nguy hiểm này có thể nhận diện được. Đó là những người có tính chiếm hữu cao, luôn đòi hỏi quyền lực và kiểm soát mối quan hệ, hay ghen tuông vô cớ, coi người yêu như một tài sản... Những người này có lòng tự trọng thấp, luôn nhìn nhận hành vi của người khác theo hướng thù địch, thách thức cá nhân họ...

Nếu nhận ra những đặc điểm trên, bạn hãy cố gắng tỏ thái độ nhẹ nhàng để giãn dần khoảng cách trước khi chia tay. Cần vạch ra ranh giới rõ ràng, kiên quyết, nhưng không nên chia tay đột ngột. Nên tiến hành mọi việc từ từ, đồng thời tìm kiếm người thân, bạn bè, sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý... để tránh hành động trả thù.

Tốt nhất, bạn không nên để mình rơi vào hoàn cảnh/ không gian quá riêng tư khi gặp đối tượng, bởi đó có thể là thời điểm nguy hiểm cho tính mạng của bạn. Đặc biệt với người từng có hành động hay lời lẽ đe dọa, bạn cần nâng mức cảnh giác, đề phòng lên cao hơn. Đừng bao giờ nghĩ đó chỉ là lời đe dọa suông.

Theo An Nhiên (Phụ Nữ TP.HCM)




https://www.phunuonline.com.vn/lien-tiep-cac-vu-sat-hai-nguoi-yeu-cu-co-cach-nao-chia-tay-an-toan--a1476410.html