Gia đình

Lấy chồng Tây: Muốn sướng bạn phải có gan vượt qua những nỗi khổ này

Lấy chồng Tây, tưởng đâu sẽ sướng như bà hoàng vì chồng ga lăng, ít gia trưởng, nhưng thực tế các chị em lại vấp phải vô số rào cản và khó khăn khác.

Nhiều phụ nữ Việt nay muốn lấy chồng ngoại, chuyện này chẳng có gì sai. Đàn ông phương Tây, nhờ văn hoá tôn trọng nữ giới, phần lớn có thói quen lắng nghe bạn đời, chia sẻ công việc gia đình, nuôi dạy con cái, ít gia trưởng...

Hôn nhân giữa vợ Việt và chồng Tây, phần lớn những cặp mình biết đều rất hài lòng với sự lựa chọn của mình. Những người con gái Việt đảm đang, vun vén gia đình, nhường nhịn, kín đáo, dịu dàng... được đánh giá cao trong bối cảnh đàn ông phương Tây ít nhiều mệt mỏi với mặt trái của sự thái quá tự do bình đẳng giới.

Nhưng không có nghĩa là không có những cặp đôi thất bại và tan vỡ. Nguyên nhân chủ yếu, không may thường do khác biệt về văn hoá.

Vấp phải rào cản ngôn ngữ

Rào cản ngôn ngữ là một khó khăn cần vượt qua. Nhiều khi vợ Việt chồng Việt còn có lúc không hiểu nhau, nên việc không diễn đạt được tận cùng những gì mình muốn nói bằng một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, hoặc sự hạn chế phong phú trong cách biểu đạt cũng là một phiền toái.

Một gia đình mà tôi biết, tuy ở Pháp nhưng chị nói với chồng bằng tiếng Anh bồi, các con chỉ nói tiếng pháp. Tuy vẫn có thể hiểu nhau nhờ ngữ cảnh nhưng trong những cuộc tranh luận thậm chí là tranh cãi giữa vợ chồng, chị thường im lặng vì không nói lại được và ức chế vì thế cũng không thể nào giải tỏa.

Lấy chồng Tây: Muốn sướng bạn phải có gan vượt qua những nỗi khổ này
Ảnh minh họa

Một trường hợp khác, mặc dù đã sống ở nước ngoài đã 5 năm nhưng ngoại ngữ của chị vẫn không được cải thiện mấy. Người chồng Tây, nguyên là một phi công đã về hưu tâm sự với bạn bè, cô ấy cứ nói tiếng Việt với tôi nhưng tôi không hiểu.

Hiện nay mọi việc giao tiếp bên ngoài luôn do người chồng đảm nhiệm, nhưng anh lo mình đã đứng tuổi chẳng may có thế nào không biết cô ấy sẽ xoay xở ra sao.

Hoà nhập thực sự cần có sự nỗ lực mạnh mẽ, nhất là đối với những người vợ nhập cư mà trước tiên là ngôn ngữ, sau đó là tấm bằng lái xe. Ở nước ngoài không biết lái xe chẳng khác gì tù giam lỏng, đi đâu cũng phải phụ thuộc người khác.

Còn xe bus ư, đứng đợi hàng giờ ngoài trời lạnh hay mưa tuyết và có khi xe đến trễ hoặc bỏ bến trước giờ quy định... có thể bạn sẽ phát khóc đấy.

Khó hòa nhập với môi trường văn hóa hoàn toàn khác

Quá phụ thuộc hay kiểm soát bạn đời chặt chẽ đều dẫn tới những mâu thuẫn. Sự phụ thuộc vào thời gian đầu mới mẻ có thể chấp nhận được, nhưng về lâu dài dễ trở thành "cục nợ" nhàm chán và mệt mỏi khi mọi việc bên ngoài đều phải tay chồng xử lý.

Về thói quen kiểm soát, dù kín đáo đến đâu, cũng sẽ khiến người chồng Tây có lúc cảm thấy ngạt thở bởi anh ta vốn sinh ra và lớn lên trong môi trường tôn trọng tự do cá nhân.

Không kiểm soát nhưng không có nghĩa là "mất cảnh giác", điều này thực sự là nghệ thuật sống mà mỗi người phải tự cân đối và tìm ra công thức, liều dùng của mình.

Lấy chồng Tây: Muốn sướng bạn phải có gan vượt qua những nỗi khổ này - 1
Ảnh minh họa

Thói quen khó bỏ cũng có thể là một trong những điều cần tính đến, nhất là thói quen ăn uống. Rất nhiều anh Tây ăn được và yêu thích các món ăn Việt, thậm chí là các loại mắm. Nhưng do thói quen không ăn da gà hay bì lợn nên người Tây thường vứt bỏ những miếng mà người mình cho là ngon, như đầu cánh, da giòn...

Trên một chia sẻ trong group những người vợ Việt lấy chồng Tây, hoá ra những bà vợ Việt không nề hà ăn lại của chồng khá nhiều. Một anh chồng Tây hẳn là rất yêu vợ đã nói nhỏ là, em chỉ làm thế này khi chỉ có hai vợ chồng ăn với nhau thôi nhé.

Hà tiện hay tiết kiệm? Nếu ai đã sống ở nước ngoài lâu sẽ quen với nếp sống tiết kiệm của người nước ngoài, nhất là ở châu Âu. Khi trời bắt đầu tối, rất hiếm ngôi nhà nào đèn thắp sáng trưng tất cả các phòng như ở Việt nam.

Tương tự tiết kiệm nước (vì nước uống được từ vòi nên giá rất cao), tiết kiệm nhiên liệu để sưởi ấm nhà vào mùa đông nên những người chồng Tây sẽ rất khó chịu nếu vợ không ý thức được điều này.

Nếu ai mặc định hễ Tây là ga lăng và chờ đợi các món quà nhân các ngày lễ cho phụ nữ ở Việt Nam như ngày 8/3, ngày 20/10, ngày lễ tình nhân, ngày gia đình... thì nên nghĩ lại vì ở nước ngoài hoặc không có nhiều ngày lễ đến thế chỉ dành riêng cho nữ giới, hoặc như Valentin là ngày lễ của cả hai giới.

Những ngày này trên mạng xã hội, các chị em ở Việt Nam đua nhau tự hào khoe chồng vào bếp, khoe hoa và những món quà được tặng, còn các bà vợ Việt chồng Tây sẽ... im thít.

Nhưng họ cũng không buồn, dù chẳng có nhiều ngày lễ đến vậy nhưng bù lại các ông chồng Tây sẵn sàng làm mọi việc nhà cùng với vợ cả 365 ngày trong năm.

Theo Kimberly Trần (Khampha.vn)