Gia đình

Làm xét nghiệm nào để biết buồng trứng còn tốt hay không?

Để biết khả năng sinh sản của phụ nữ, bác sĩ căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó buồng trứng, đặc biệt là những nội tiết liên quan, có giá trị quan trọng.

Tôi năm nay 32 tuổi, chưa lập gia đình, sức khỏe toàn thân bình thường. Tôi nghe nói sau tuổi 30, 35, khả năng sinh sản giảm. Tôi lo cạn kiệt buồng trứng, khó mang thai. Để biết buồng trứng và chất lượng trứng còn tốt không thì nên làm gì? (Quỳnh Anh, Hà Nội).

Làm xét nghiệm nào để biết buồng trứng còn tốt hay không?
Ảnh minh họa

Bác sĩ Nguyễn Trung Đạo, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trả lời: 

Để biết khả năng sinh sản của phụ nữ, bác sĩ phụ sản căn cứ vào nhiều yếu tố như tuổi, bệnh lý toàn thân, bất thường liên quan đến tử cung, vòi tử cung, buồng trứng... trong đó yếu tố buồng trứng, đặc biệt là những nội tiết liên quan, có giá trị quan trọng.

Việc xét nghiệm nội tiết như AMH hay FSH được thực hiện bằng việc lấy khoảng 3ml máu vào ngày thứ 2 của chu kỳ kinh, thời gian thực hiện nhanh, chi phí khoảng 2 đến 3 triệu đồng/lần.

AMH (Anti-Mullerian Hormone) là một hormone được tiết ra từ tế bào hạt của buồng trứng. AMH cho biết số tế bào nang noãn non có trong của buồng trứng, còn gọi là khả năng dự trữ buồng trứng.

Ở phụ nữ khỏe mạnh và dưới 35 tuổi, nồng độ AMH bình thường nằm trong khoảng từ 2-6,8ng/ml. Nếu xét nghiệm cho kết quả AMH dưới 1 cảnh báo dự trữ buồng trứng thấp, lo ngại khả năng thụ thai.

 FSH là hormone kích thích tạo nang trứng. FSH tăng hầu hết đồng nghĩa với sự suy giảm dự trữ buồng trứng. Trung bình, nồng độ này khoảng từ 10-15 UI/l, nếu dưới 10 đơn vị nghĩa là tốt.  

Thông thường, xét nghiệm định lượng khả năng dự trữ buồng trứng AMH hay FSH được thực hiện cùng đánh giá nồng độ hormone sinh dục LH và estradiol.

AFC là số nang thứ cấp được đánh giá vào ngày 2 chu kỳ kinh (thường gọi là soi trứng), thực hiện xác định bằng siêu âm qua đầu dò âm đạo. Một buồng trứng bình thường, tốt thường có trên 5 nang thứ cấp, ở mức 3-4 nang là trung bình, nếu nhỏ từ 2 trở xuống là thấp.  

Việc đánh giá, chẩn đoán khả năng sinh sản, chất lượng buồng trứng của một phụ nữ, ngoài việc chỉ định thực hiện các xét nghiệm nội tiết, bác sĩ còn phải khám toàn trạng, khám phụ khoa, siêu âm, khai thác tiền sử mang thai, đáp ứng buồng trứng hay phẫu thuật liên quan buồng trứng trước đó.  

Tuổi và chỉ số khối cơ thể (BMI) cũng rất quan trọng. Phụ nữ sau tuổi 35, số lượng và chất lượng buồng trứng sẽ suy giảm dần so với người trẻ. Khả năng thụ thai kém hơn, thai có nguy cơ bị sảy cao hơn người trẻ. Phụ nữ có BMI cao cũng khó mang thai hơn người có chỉ số bình thường.

Theo Võ Thu (VietNamNet) 




https://vietnamnet.vn/lam-xet-nghiem-noi-tiet-co-biet-buong-trung-con-tot-hay-khong-2126376.html