Gia đình

Làm gì giữa lúc 'bụi trời' mù mịt ở TP HCM, có thể thẩm thấu vào các phế nang phổi?

Mỗi ngày chúng ta hít thở khoảng 10.000 lít không khí hoặc hơn tuỳ vào lứa tuổi và hoạt động thể lực. Do đó, nếu nồng độ bụi PM2.5 trong không khí cao thì mức phơi nhiễm hàng ngày là lớn và tăng nguy cơ bị các vấn đề sức khoẻ cấp tính và mãn tính.

Tại các TP lớn, ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm do bụi mịn PM 2.5 những ngày qua đang trở thành "sát thủ thầm lặng" với nhiều người dân. Riêng tại TP HCM đến ngày 6-10, bầu trời nhiều nơi vẫn mịt mù kỳ lạ khiến không ít người bất an khi ra đường.

Theo ThS-BS Võ Công Minh, Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, bụi PM 2.5 được đánh giá là tác nhân ô nhiễm không khí có ảnh hưởng tiêu cực nhất tới sức khỏe con người. Vì có kích thước rất nhỏ nên bụi PM2.5 rất nguy hiểm, có khả năng lắng đọng, thẩm thấu và đi sâu vào tận các phế nang trong phổi và vào máu.

Mỗi ngày chúng ta hít thở khoảng 10.000 lít không khí hoặc hơn tùy vào lứa tuổi và hoạt động thể lực. Do đó nếu nồng độ bụi PM2.5 trong không khí cao thì mức phơi nhiễm hàng ngày là lớn và tăng nguy cơ bị các vấn đề sức khỏe cấp tính và mãn tính.

Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện trên thế giới cho thấy phơi nhiễm với bụi PM2,5 tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong. Ví dụ phơi nhiễm với bụi PM2.5 tăng nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi.

Làm gì giữa lúc 'bụi trời' mù mịt ở TP HCM, có thể thẩm thấu vào các phế nang phổi?
Đến ngày 6-10, bầu trời nhiều khu vực trên địa bàn TP HCM vẫn mù mịt.

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhân dân 115, thông tin có rất nhiều người lo lắng và hỏi hiện tượng sương mù dày đặc tại TP. Điều kiện để hình thành sương mù gồm 3 yếu tố chính: Khí hậu, nhiệt độ tương đối thấp; độ ẩm cao do TP HCM những ngày gần đây lượng mưa rất nhiều; những hạt bụi ô nhiễm không khí sẽ kết dính lại với nhau.

Đối với những ảnh hưởng từ không khí ô nhiễm đến người bệnh, bản thân mỗi người cần tự bảo vệ là chính. Chẳng hạn, như hiện nay bụi rất nhiều, khi ra đường cần phải đeo khẩu trang. Tránh tập trung những nơi đông người vì những hạt bụi này có thể lan truyền qua đường hô hấp, rất dễ bị mắc bệnh.

Có 2 loại khẩu trang có tác dụng bảo vệ, phòng ngừa cho người dân: Khẩu trang than hoạt tính; khẩu trang N95. Đối với khẩu trang than hoạt tính, bao gồm 3 lớp: lớp đầu tiên cản bụi cơ học, lớp thứ hai chứa than hoạt tính có chức năng trung hòa các hợp chất, lớp vải trong cùng mềm mịn, tạo sự thoải mái.

Ngoài ra, khẩu trang N95 hay còn gọi là khẩu trang đặc chủng, có thể ngăn cản bụi PM2.5, đặc biệt là các loại vi khuẩn, virus gây bệnh. Tuy nhiên, khẩu trang này không tạo được sự thoải mái cho người đeo, khó thở nên chỉ chuyên dùng cho trường hợp bị cúm hoặc những vùng có dịch cúm.

Đối với những khẩu trang y tế thông thường hoặc khẩu trang vải không có tác dụng trong việc ngăn ngừa khí độc. Một số trường hợp còn dẫn đến tình trạng bội nhiễm, là vật mang mầm bệnh như vi khuẩn, nấm khi sử dụng nhiều lần.

Khẩu trang hoạt tính có thể tìm mua tại các nhà thuốc. Riêng khẩu trang N95 cũng có bán tại các nhà thuốc, tuy nhiên số lượng hạn chế và giá thành khá cao.

Việc vệ sinh mũi hiện nay đã trở thành quen thuộc với các gia đình. Mọi người có thể sử dụng nước muối sinh lý hoặc nước biển sâu. 2 loại dung dịch này thường sử dụng nhất và mang lại kết quả tốt. Tuy nhiên, chúng chỉ làm sạch khoang mũi bên ngoài. Nếu những hạt bụi nhỏ khi đã xuống đường hô hấp thì dung dịch rửa mũi thường không có hiệu quả. Tốt nhất, người dân nên áp dụng các biện pháp tự bảo vệ để ngăn chặn bụi ở bên ngoài…

Theo Nguyễn Thạnh (Nld.com.vn)