Gia đình

Khó ngủ, mắt nhắm nhưng đầu óc tỉnh táo, khi nào nên đi khám?

Nhiều người thường thấy trằn trọc, mắt nhắm nhưng đầu óc tỉnh táo hoặc có khi đã đi vào giấc ngủ mà vẫn cảm nhận được sự việc xung quanh, nghe rõ tiếng đồng hồ kêu tích tắc.

Bác sĩ Nguyễn Đắc Trà My, Khoa Tâm thần kinh - Cơ xương khớp, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), cho hay ngủ là một trạng thái sinh lý bình thường của cơ thể có tính chất chu kỳ 24 giờ. Khi ngủ toàn bộ cơ thể được nghỉ ngơi, tạm ngừng hoạt động tri giác và ý thức. Lúc này các cơ bắp giãn mềm, các hoạt động hô hấp tuần hoàn chậm lại.

Một giấc ngủ tốt là giấc ngủ đảm bảo đầy đủ về số lượng, chất lượng và thời gian ngủ. Sau khi thức dậy, chúng ta cảm thấy khoan khoái, dễ chịu về thể chất và tinh thần.

Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy khó ngủ, nằm trằn trọc trên giường, mắt đang nhắm nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo hoặc khi đã đi vào giấc ngủ rồi nhưng vẫn cảm giác được sự việc xung quanh, nghe rõ tiếng đồng hồ kêu tích tắc, tiếng quạt quay ù ù, giấc ngủ chập chờn không sâu giấc. Một số người lại bị giật mình tỉnh giấc và khó ngủ lại, sáng dậy cảm giác mệt mỏi, uể oải.

Khó ngủ, mắt nhắm nhưng đầu óc tỉnh táo, khi nào nên đi khám?
Mất ngủ làm ảnh hưởng đến cuộc sống, gây mệt mỏi, khó tập trung. Ảnh: TL

Đáng nói, nguyên nhân của tình trạng khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ hoặc ngủ không ngon giấc này không đến từ tác dụng phụ do dùng thuốc hay hóa chất. Theo bác sĩ My, những biểu hiện này nếu xảy ra ít nhất 3 lần trong một tuần và kéo dài từ một tháng trở lên rất có thể đây là biểu hiện của bệnh mất ngủ không thực tổn, một dạng của rối loạn giấc ngủ.

Mất ngủ làm ảnh hưởng đến cuộc sống, gây mệt mỏi, khó tập trung trong học tập, lao động, chất lượng công việc kém hiệu quả... Mất ngủ có thể gặp ở bất kỳ ai, không phân biệt lứa tuổi, giới tính hay chủng tộc, nghề nghiệp.

Khi một người trưởng thành ngủ dưới 5 giờ/ngày thì gọi là ít ngủ, nếu thiếu ngủ hoàn toàn thì gọi là mất ngủ. Biểu hiện:

- Những than phiền khó đi vào giấc ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ kém (ngủ không sâu giấc, trằn trọc, dễ thức giấc và khó ngủ trở lại hoặc thức giấc sớm về buổi sáng).

- Rối loạn giấc ngủ xảy ra ít nhất 3 lần trong tuần, trong thời gian ít nhất một tháng.

- Có sự bận tâm về giấc ngủ và sự lo lắng quá mức về hậu quả ban ngày, ban đêm của giấc ngủ.

- Số lượng, chất lượng giấc ngủ không thỏa mãn gây ra sự đau khổ hoặc gây trở ngại trong hoạt động chuyên môn và xã hội (mệt mỏi, khó tập trung trong học tập, lao động, chất lượng công việc kém,…).

Nếu gặp các dấu hiệu trên, người dân cần đến các cơ sở y tế để khám, kiểm tra, làm các xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân về bệnh lý gây mất ngủ (các bệnh lý về tim mạch, nội tiết, hô hấp, thần kinh...). Từ đó, bác sĩ sẽ có hướng điều trị cụ thể theo từng trường hợp, tránh tình trạng tự sử dụng các loại thuốc dân gian, các loại thuốc chưa được khoa học kiểm chứng có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng, tiền mất tật mang.

Theo bác sĩ My, bên cạnh việc sử dụng thuốc theo liệu trình, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp sau:

- Thiết lập thời gian biểu cho giấc ngủ và thức dậy đều đặn.

- Không dùng chất kích thích (rượu, cà phê, trà đặc...), đặc biệt là về chiều tối.

- Tránh ăn quá no hoặc ăn nhiều chất quá mặn, quá ngọt, thức ăn khó tiêu hóa vào bữa tối. Nên ăn bữa tối cách giờ đi ngủ ít nhất khoảng 3-4 tiếng.

- Tạo cảm giác thoải mái trước khi ngủ, có chế độ thể dục thể thao phù hợp, tránh tập thể dục nặng 4 tiếng trước khi ngủ.

- Không xem tivi, sử dụng điện thoại nhiều giờ trước khi ngủ.

- Ban ngày nên ngủ trưa từ 30 phút đến dưới 1 tiếng, không ngủ ban ngày quá nhiều.

- Phòng ngủ cần yên tĩnh, thoáng mát.

Thiết lập chế độ sinh hoạt khoa học và dùng thuốc hỗ trợ điều trị sẽ giúp cho việc đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn, giấc ngủ sâu hơn, giúp cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái, nhiều năng lượng sau khi tỉnh dậy.

Theo Võ Thu (VietNamNet) 




https://vietnamnet.vn/nhieu-nguoi-kho-ngu-mat-nham-nhung-dau-oc-tinh-tao-khi-nao-nen-di-kham-2104880.html