Gia đình

Hút 7 điếu thuốc một ngày, thanh niên bị nhồi máu cơ tim cấp

3 giờ sáng, nam thanh niên 31 tuổi, ở Phú Thọ, đột ngột đau ngực trái dữ dội kèm theo khó thở, vã mồ hôi, phải nhập viện cấp cứu.

Người bệnh cho biết trước khi nhập viện hoàn toàn khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp. Song, anh hút nhiều thuốc lá, mỗi ngày trung bình 7 điếu, rối loạn mỡ máu chưa điều trị.

Sau hai giờ đau ngực trái dữ dội, anh được đưa tới Bệnh viện huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, cấp cứu sáng 1/12. Trưa cùng ngày, anh được chuyển tới Bệnh viện Hữu Nghị điều trị.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, kết quả chụp động mạch vành cho thấy tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước (động mạch cung cấp máu nuôi cơ tim). Siêu âm tim cho thấy rối loạn vận động vùng cơ tim, huyết áp thấp, tiên lượng tình trạng bệnh nặng.

Bác sĩ Bùi Long, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, cho biết: "Bệnh nhân may mắn vào viện sớm và được can thiệp kịp thời. Chúng tôi đã nhanh chóng can thiệp đặt stent (giá đỡ động mạch) để khai thông động mạch bị tắc, nhờ đó cứu người bệnh thoát khỏi tình trạng nguy kịch".

Sau một tuần điều trị, tình trạng sức khỏe của nam thanh niên đã hoàn toàn hồi phục. Đây là bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim trẻ nhất từng điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị.

Theo bác sĩ Bùi Long, bệnh nhân này có hai yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim là hút thuốc lá nhiều năm và mỡ máu. Trong đó, thuốc lá có chứa chất nicotine gây suy giảm chức năng nội mạc của động mạch, giảm tổng hợp nitric oxide - chất làm giảm co thắt mạch máu. Vì sự suy giảm chức năng này, người hút thuốc lá dễ bị co thắt mạch máu. Thêm vào đó, tình trạng rối loạn chức năng nội mạc mạch máu do các chất có trong thuốc lá làm lắng đọng mỡ máu tạo thành mảng xơ vữa trong lòng mạch máu, xơ vữa mạch máu gây nguy cơ hẹp tắc động mạch. Mảng xơ vữa không ổn định bị nứt vỡ gây ra cục máu đông thứ phát làm tắc mạch.

"Mạch máu nuôi tim bị tắc sẽ gây ra nhồi máu cơ tim. Nếu tắc động mạch máu nuôi não gây đột quỵ nhồi máu não", bác sĩ Long nói.

Hút 7 điếu thuốc một ngày, thanh niên bị nhồi máu cơ tim cấp
Bác sĩ Long khám cho nam thanh niên đột quỵ tim. Ảnh: Chi Lê.

Bệnh nhân có mỡ máu cao có thể do gene di truyền hoặc chế độ ăn mất cân bằng dinh dưỡng, không tập luyện thể dục thể thao đều đặn.

Bác sĩ Long cho biết người đột quỵ tim mạch có xu hướng trẻ hóa, nhiều người bệnh còn rất trẻ, chỉ khoảng 30 tuổi. Lối sống tĩnh tại, công việc ít vận động phải ngồi nhiều như việc văn phòng là một phần nguyên nhân. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người trẻ tuổi cần thường xuyên vận động, ví dụ đi bộ hàng ngày, tập thể dục tại nhà, dành 30-45 phút tập thể dục hàng ngày, chơi các môn thể thao để rèn luyện sức khỏe...

Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong giảm nguy cơ đột quỵ. Người trẻ nên chọn chế độ ăn hạn chế thực phẩm giàu dầu mỡ, nhiều cholesterol như phủ tạng, thịt bò và tránh các chất kích thích, đặc biệt là thuốc lá.

Khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các vấn đề bất thường của cơ thể. Gia đình có tiền sử mắc mỡ máu hoặc rối loạn chuyển hóa nặng, bạn cần thăm khám kỹ để được điều trị chuyên sâu hơn. Hiện nay đã có nhiều phương tiện để chẩn đoán sớm xơ vữa mạch máu đề phòng nguy cơ đột quỵ tim mạch

Ra viện ngày 8/12, nam thanh niên cho biết sẽ bỏ thuốc lá và có chế độ sinh hoạt lành mạnh hơn để cơ thể hồi phục tốt sau cơn bạo bệnh.

Theo Chi Lê (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/hut-7-dieu-thuoc-mot-ngay-thanh-nien-bi-nhoi-mau-co-tim-cap-4203805.html?fbclid=IwAR2HzG9HP-0AznPBqnXq-C1zaIwcs1hbgil1SAuTL-EsUqoLB30_AjM1fQI