Gia đình

Hay gặp ác mộng khi hơn 40 tuổi cảnh báo bệnh gì?

Những cơn ác mộng ở nhóm tuổi trung niên có thể là dấu hiệu cảnh báo chứng mất trí nhớ.

Một nghiên cứu cho thấy chứng mất trí nhớ đang rình rập những người trung niên thường xuyên gặp ác mộng. Các nhà khoa học cho biết, trước khi suy giảm nhận thức, một người có thể thường xuyên gặp những cơn ác mộng trong nhiều năm. 

Nhóm tác giả của Đại học Birmingham (Anh) nhận định, phát hiện của họ có thể giúp phát hiện những bệnh nhân đang ở giai đoạn sớm nhất của chứng sa sút trí tuệ.

Tiến sĩ Abidemi Otaiku, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Rất ít dấu hiệu nguy cơ của chứng sa sút trí tuệ có thể được xác định ngay từ tuổi trung niên. Chúng tôi tin rằng những cơn ác mộng có thể là một cách hữu ích để xác định cá nhân có nguy cơ cao”. 

Điều này có thể cho phép các bác sĩ áp dụng các giải pháp để làm chậm sự khởi phát của bệnh. 

Hay gặp ác mộng khi hơn 40 tuổi cảnh báo bệnh gì?
Ảnh minh họa: Besthealthmag

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí eClinicalMedicine bao gồm hai phần.

Phần đầu theo dõi 605 người không bị sa sút trí tuệ, từ 35 đến 64 tuổi, trong 9 năm. Họ được yêu cầu hoàn thành các bài kiểm tra trí nhớ khi bắt đầu và kết thúc nghiên cứu. Các tình nguyện viên cũng được hỏi về giấc ngủ và liệu họ có gặp ác mộng hay không.

Thông tin chi tiết từ các bài kiểm tra được sử dụng để theo dõi não bộ suy giảm như thế nào.

Tình trạng trên được gọi là suy giảm nhận thức, là hệ quả tự nhiên của quá trình lão hóa. Tuy nhiên, sự suy giảm nhanh hơn dự kiến có thể là dấu hiệu báo trước cho chứng sa sút trí tuệ.

Hơn 2.600 người trên 80 tuổi đã tham gia vào phần thứ hai của nghiên cứu trong 5 năm. Không ai trong số các tình nguyện viên bị sa sút trí tuệ. Các tác giả đã đã xem xét hồ sơ y tế để xác định liệu các tình nguyện viên sau đó có mắc chứng bệnh trên hay không. 

Theo Daily Mail, những người ở độ tuổi trung niên trải qua ít nhất 2 cơn ác mộng mỗi tuần có nguy cơ bị suy giảm nhận thức cao gấp 4 lần so với những người không gặp cơn ác mộng nào.

Kết quả cũng ghi nhận, những người trên 80 tuổi bị ám ảnh bởi những cơn ác mộng có nguy cơ bị chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ cao gấp đôi.

Các nhà chuyên môn không tin rằng những cơn ác mộng - 5% người lớn thường xuyên gặp - lại gây ra chứng mất trí.

Thay vào đó, họ nghĩ đó có thể là tác dụng phụ của quá trình thoái hóa thần kinh ở thùy trán bên phải.

Sa sút trí tuệ là thuật ngữ chung mô tả một loạt các rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi.

Có nhiều dạng sa sút trí tuệ khác nhau, trong đó bệnh Alzheimer là phổ biến nhất. Đây là mối quan tâm toàn cầu nhưng thường được ghi nhận nhiều nhất ở các quốc gia giàu có, nơi mọi người có tuổi thọ cao. 

Khi một người nhiều tuổi hơn, nguy cơ bị sa sút trí tuệ cũng tăng theo. Hiệp hội Alzheimer cho biết, hiện có khoảng 900.000 người bị sa sút trí tuệ ở Anh. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 1,6 triệu vào năm 2040. 

Bệnh Alzheimer là loại bệnh mất trí nhớ phổ biến nhất, ảnh hưởng từ 50 đến 75% những người được chẩn đoán. Ở Mỹ, ước tính có 5,5 triệu người mắc bệnh Alzheimer. 

Hiện tại vẫn chưa có cách chữa khỏi căn bệnh trên. Nhưng các loại thuốc mới có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh và phát hiện triệu chứng càng sớm thì các phương pháp điều trị càng hiệu quả.

Theo An Yên (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/hay-gap-ac-mong-khi-hon-40-tuoi-canh-bao-benh-gi-2063592.html