Gia đình

Hãi hùng bệnh nhân tự tiêm thuốc điều trị gout, hút ra 10 lít mủ

Các bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Đức Giang vừa tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân 68 tuổi bị nhiễm trùng nặng vì tự ý điều trị gout dẫn đến biến chứng, nhiều cơ bị hoại tử.

BS. Trần Trung Kiên, Khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng toàn bộ đùi, mông bên tiêm lõng bõng dịch, sốt rét run, có dấu hiệu nhiễm trùng rất nặng.

Theo lời kể của gia đình, trước đó, bệnh nhân tự tiêm thuốc điều trị gout ở nhà, sau đó vùng tiêm sưng tấy rồi lan ra xung quanh. Chân bên tiêm to gấp đôi chân lành, lúc này bệnh nhân mới đến viện để cấp cứu. Khi đến viện thì bệnh cũng đã diễn biến được hơn 1 tháng.

Các bác sĩ đã tiến hành mổ hút ra được gần 10 lít mủ đặc, kèm theo rất nhiều cơ bị hoại tử, mùi hôi thối rất khó chịu. Theo BS. Kiên, rất may là bệnh nhân chưa bị nhiễm trùng huyết, nếu không có lẽ bệnh nhân cũng khó qua khỏi.

Trong quá trình điều trị, các bác sĩ gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân tự ý chữa bệnh, chữa bệnh theo truyền miệng hoặc làm theo "bác sĩ google" dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Cách đây không lâu, cũng tại Khoa Chấn thương chỉnh hình tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân bị đau vùng cột sống thắt lưng nhưng không đi khám mà chữa theo thầy lang bằng đắp cao.

Kết quả, chỗ đắp cao bị rộp da diện tích lớn, hoại tử da, có những ổ áp xe rất lớn, phải trích rạch nạo mủ và nằm viện kéo dài.

Hãi hùng bệnh nhân tự tiêm thuốc điều trị gout, hút ra 10 lít mủ
Bệnh nhân tự tiêm thuốc trị gout, chân bên tiêm to gấp đôi chân lành.

Hiện nay, nhờ sự phát triển nhanh chóng của các mạng xã hội mà người dân có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin về bệnh tật.

Các dấu hiệu bất thường, các triệu chứng lạ đều có thể dễ dàng tìm hiểu trên google giúp cho người bệnh đến khám sớm hơn và phần nào giúp cho người bệnh hiểu rõ hơn về bệnh tật của mình.

Tuy nhiên, có nhiều người quá tin vào "bác sĩ google" nên rất chủ quan mà không cần đi khám, tự điều trị ở nhà. Hậu quả của việc tự khám, tự điều trị theo các thông tin trên mạng đôi khi có thể dẫn tới ảnh hưởng đến tính mạng.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân hãy cân nhắc kĩ trước khi quyết định điều trị bằng một phác đồ nào đó. Tốt nhất nên đến điều trị tại các cơ sở y tế có uy tín, tránh tiền mất, tật mang hoặc ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của mình.

Với người bị bệnh gout, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh khi được chẩn đoán mắc gout nên có thái độ bình tĩnh đối mặt và chấp nhận liệu trình điều trị lâu dài. Một số người bệnh có tâm lý sử dụng thuốc lâu dài sẽ nóng và gây hại cho các cơ quan trong cơ thể.

Đây là quan niệm sai lầm vì hiện nay đã có nhiều thuốc an toàn cho người bệnh, thậm chí đối với những trường hợp người bệnh dị ứng với thuốc hạ axít uric máu cũng đã có thuốc khác không gây dị ứng thay thế.

Người bệnh nên tuân thủ chỉ định điều trị do bác sĩ chuyên khoa Nội Cơ Xương Khớp đã đề ra thì việc “sống chung với gout” sẽ diễn ra an toàn và tốt đẹp. Người bệnh tuyệt đối không tự ý điều trị gout dưới bất kỳ hình thức nào.

Bên cạnh đó, người bệnh gout cần có lối sống lành mạnh, giảm cân, tập thể dục đều đặn, uống nhiều nước, tránh rượu bia, thuốc lá, tránh thức ăn chứa nhiều đạm động vật như nội tạng động vật, thịt bò, hải sản…

Có như vậy, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh mới được đảm bảo và cải thiện.

Theo D.Hải (Sức Khỏe & Đời Sống)