Gia đình

Hai bé Tây Nguyên qua đời vì sốt xuất huyết: Bác sĩ Nhi chỉ dấu hiệu nhận biết rõ nhất

Bé gái 15 tuổi ở Đắk Lắk có dấu hiệu sốt cao liên tục, đau đầu, mệt mỏi. Dù đã được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân tử vong với chẩn đoán sốt xuất huyết nặng.

Mới đây, bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, cho biết đơn vị đã nhận báo cáo về một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh. Bệnh nhân là Nguyễn Thị Khánh Linh (15 tuổi, ngụ phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột).

Trước đó, ngày 19/7, Linh sốt cao liên tục, đau đầu, mệt mỏi nên được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue ngày 1 và chỉ định nhập viện điều trị.

Hai bé Tây Nguyên qua đời vì sốt xuất huyết: Bác sĩ Nhi chỉ dấu hiệu nhận biết rõ nhất
Bệnh thường diễn tiến trong 7 ngày. Ảnh minh họa

Đến chiều 24/7, bệnh nhân có biểu hiện khó thở, thở nhanh và được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue ngày 6 và được chuyển sang điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh. Mặc dù đã được điều trị tích cực, chiều 25/7, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng tổn thương đa cơ quan ngày 7.

Ngày 27/7, thêm một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đó là bệnh nhi Dương Đức Phong (SN 2012, trú tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai). Trước đó vào 11h4 ngày 2/7, cháu Phong được chuyển viện từ Trung tâm y tế huyện Chư Sê tới Bệnh viện Nhi Gia Lai trong tình trạng sốt 40 độ C, nói nhảm và bứt dứt khó chịu. Sau khi bệnh nhi xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch tủy, siêu âm, các bác sĩ tại đây chẩn đoán cháu Phong bị sốt xuất huyết Dengue (thể não).

Bệnh viện Nhi đã thực hiện các bước chăm sóc, điều trị ban đầu theo đúng phác đồ điều trị sốt xuất huyết của Bộ Y tế. Tuy nhiên, tới 13 giờ cùng ngày, cháu Phong bị co giật, rồi rơi vào hôn mê sâu, không có biểu hiện phục hồi, tiên lượng bệnh xấu.

00h17 ngày 27/7, gia đình xin bệnh viện cho xuất viện. Cùng ngày, cháu Phong tử vong tại nhà ở thị trấn Chư Sê, Gia Lai.

Trước thực trạng dịch dịch sốt xuất huyết đang bùng phát trên nhiều địa phương với số trẻ mắc tăng rất cao, phụ huynh cần cảnh giác trước những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết, đặc biệt ở trẻ nhỏ để từ đó có hướng xử trí và phòng ngừa kịp thời.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Khi bị sốt xuất huyết thường trẻ có biểu hiện sốt cao đột ngột, nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn, đau cơ, khớp, đau nhức hốc mắt, da niêm mạc xung huyết, phát ban xuất huyết dạng chấm dưới da, có thể có chảy máu chân răng, nặng nữa thì chảy máu nội tạng và có thể có suy hô hấp, suy tuần hoàn nếu không điều trị kịp thời.

Khi có 1 trong 5 dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm phụ huynh cần đưa trẻ đến viện ngay. Tại bệnh viện bác sĩ sẽ đánh giá thêm 3 dấu hiệu nữa gồm: phù nề, tràn dịch; gan to; tiểu cầu giảm để chẩn đoán tình trạng bệnh của trẻ. Ngay khi có 5 dấu hiệu trên và được đưa đến viện, bệnh nhân sẽ được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.

Hai bé Tây Nguyên qua đời vì sốt xuất huyết: Bác sĩ Nhi chỉ dấu hiệu nhận biết rõ nhất - 1
Với một số trẻ còn kèm theo các biểu hiện sốt cao, đột ngột và liên tục 2 – 7 ngày, khó hạ sốt, đau cơ, đau khớp, đau đầu cần phải đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Ảnh minh họa

Giai đoạn đầu của sốt xuất huyết cũng có thể nhầm với sốt thường và sốt virus. Tuy nhiên, bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện đặc trưng như: da xung huyết, phát ban xuất huyết dạng chấm dưới da, chảy máu chân răng. Nếu nặng thì trẻ thường có biểu hiện đau bụng vùng gan, gan to, tiểu ít, nôn nhiều, lúc này xét nghiệm công thức máu có thể thấy hematocrit tăng cao và tiểu cầu giảm nhanh. Nếu nghi ngờ sốt xuất huyết, trước hết chỉ dùng hạ sốt bằng Paracetamon đơn thuần, uống nhiều nước và đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán bệnh.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, chúng ta phải tích cực diệt muỗi, diệt bọ gậy, đi ngủ mắc màn để tránh muỗi đốt, nâng cao thể trạng và vệ sinh cá nhân, môi trường. Sốt xuất huyết ở trẻ em thường nặng hơn ở người lớn. Trẻ em khi bị sốt xuất huyết dễ vào sốc và tái sốc hơn ở người lớn. Giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết là ngày thứ 3-7.

Bác sĩ cũng lưu ý, khi bị sốt xuất huyết trẻ cần phải được nghỉ ngơi, ăn đủ chất dinh dưỡng, dễ tiêu, bổ sung nhiều vitamin để nâng cao thể trạng, uống nhiều nước và theo dõi các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng của bệnh để đưa người bệnh đến bệnh viện kịp thời. Đặc biệt, không dùng thuốc aspirin, analgin, ibuprofen để hạ sốt mà chỉ dùng Paracetamol đơn chất.

Theo An An (Khampha.vn)