Gia đình

Giám đốc đột quỵ ở tuổi 30: BS nhắc nhở điều ai cũng biết nhưng hầu hết không làm

Đột quỵ là bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi. Nhưng thời gian gần đây, xu hướng người trẻ gặp đột quỵ bắt đầu tăng lên.

Đột quỵ ở người trẻ tăng lên đáng kể

Theo TS BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, BV Đại học Y Dược TP HCM, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, đột quỵ ở người 45 tuổi trở xuống có tỉ lệ dưới 20%, nếu tính ở người dưới 30 tuổi, tỉ lệ là dưới 10%. Dù không thường gặp bằng người lớn tuổi, nhưng đây là những người đang trong độ tuổi lao động, đang khỏe mạnh, thường là trụ cột gia đình, nên khi bị đột quỵ sẽ gây hậu quả nặng nề và gây ấn tượng mạnh cho mọi người.

Có 2 ca bệnh đối nghịch nhau mà bác sĩ Thắng đã từng cấp cứu. Ca bệnh đầu tiên cách đây chừng 5-6 năm, bệnh nhân là giám đốc tuổi chỉ ngoài 30. Bệnh nhân đi công tác tại Tây Nguyên và bị đột quỵ. Thời điểm đó trên Tây Nguyên không có bệnh viện điều trị đột quỵ. Bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM sau 10 giờ từ khi phát bệnh. Do bệnh nhân tới bệnh viện muộn nên bác sĩ chỉ có thể điều trị các hậu quả của đột quỵ. Bệnh nhân qua được cơn nguy kịch, nhưng đi lại khó khăn và nói chuyện không được trôi chảy.

5 loại thực phẩm lành mạnh nếu ăn quá nhiều có thể phản tác dụng

"Mọi người đều rất tiếc vì bệnh nhân còn rất trẻ mà không thể quay trở lại với công việc của mình nữa. Thật sự bệnh nhân này đã không may mắn, vì đột quỵ xảy ra khi anh đang đi công tác xa nhà, ở nơi mà thời điểm đó chưa có đơn vị điều trị đột quỵ; đồng thời lúc đó bằng chứng y học chỉ cho phép cấp cứu thông mạch cho đột quỵ trong vòng 6 tiếng từ khi khởi phát.

Nếu là bây giờ, Bệnh viện Đại học Y Dược có thể sử dụng các phương tiện hiện đại, chụp chiếu để tìm cơ hội và có thể can thiệp tái thông cấp cứu cho những người bị đột quỵ không may đến muộn sau 6 giờ cho đến tận 24 giờ sau khởi phát, và có khả năng anh vẫn có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường", bác sĩ Thắng nói.

Giám đốc đột quỵ ở tuổi 30: BS nhắc nhở điều ai cũng biết nhưng hầu hết không làm
TS BS Nguyễn Bá Thắng.

Một ca bệnh trẻ tuổi khác gần đây nhất được bệnh viện Đại học Y Dược cấp cứu là một bệnh nhân nam, 45 tuổi. Bệnh nhân bị đột quỵ trong thời gian thành phố đang trong tình trạng giãn cách xã hội do dịch COVID-19 vào đầu tháng 9/2021, với rất nhiều khó khăn trong việc gọi xe cấp cứu cũng như đến được khoa cấp cứu các bệnh viện.

Dù vậy, bệnh nhân đã đến được khoa cấp cứu của bệnh viện Đại học Y Dược trong thời gian vàng cấp cứu đột quỵ, khoảng gần 2 tiếng sau khi khởi phát đột quỵ.

Khi tới bệnh viện, bệnh nhân đã bị liệt hoàn toàn nửa người trái, méo miệng, và nói rất khó khăn. Quy trình cấp cứu đột quỵ được khởi động ngay với các biện pháp bảo vệ chống lây nhiễm COVID-19 do không thể mất thời gian chờ xét nghiệm virus. Bệnh nhân được khám, xét nghiệm máu, chụp cắt lớp sọ não và quyết định điều trị ngay bằng thuốc tiêu sợi huyết, sau đó đưa lên phòng can thiệp nội mạch để dùng dụng cụ lấy cục máu đông thông lại mạch máu. Sau can thiệp, bệnh nhân đã hồi phục khá tốt, và khi xuất viện bệnh nhân đã đi lại, hoạt động gần như bình thường.

Theo bác sĩ Thắng, bệnh nhân dù bị đột quỵ ở giai đoạn dịch bệnh nhưng đã đến được viện sớm để được cấp cứu kịp thời. Đây cũng là giai đoạn giữa của đợt dịch COVID-19 thứ tư nên bệnh viện đã hoàn thiện quy trình cấp cứu ứng phó với người đột quỵ chưa có xét nghiệm COVID-19 hoặc thậm chí với người đã xác định đang mắc COVID-19, vừa đảm bảo cấp cứu đột quỵ kịp thời, vừa bảo vệ không lây lan virus.

Bác sĩ Thắng nhấn mạnh đột quỵ là bệnh nguy hiểm, nếu không được cấp cứu sớm, kịp thời sẽ để lại di chứng nặng nề, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Rất may mắn là ngoài việc cấp cứu được thì đột quỵ còn là bệnh có thể phòng ngừa nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây bệnh.

Đột quỵ xảy ra ở người trẻ do đâu?

Nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ có sự khác biệt so với người lớn tuổi. Ngoài các bất thường bẩm sinh như các dị dạng mạch máu não, các bệnh di truyền, thì cũng không hiếm người trẻ mắc các bệnh nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá.

Thêm vào đó, chế độ ăn ngày nay đã thay đổi, ăn nhiều thức ăn nhanh, thức ăn công nghiệp, các món ăn chiên xào... góp phần làm gia tăng các rối loạn chuyển hoá, thừa cân… Thói quen ít vận động của các bạn trẻ, nhất là người làm văn phòng, cũng làm tăng các yếu tố nguy cơ, dễ dẫn tới đột quỵ đến sớm với người trẻ", TS Thắng nói.

Để phòng ngừa đột quỵ, đầu tiên là cần phải thay đổi lối sống, giữ lối sống với các thói quen sinh hoạt lành mạnh, trong đó có nghỉ, ngủ đúng giờ, tránh căng thẳng, thức khuya kéo dài, thực hiện chế độ ăn lành mạnh nhiều rau xanh, hạn chế ăn đồ hộp, đồ ăn nhanh, đồ chiên xào…

"Một điều rất quan trọng ai cũng biết nhưng hầu hết lại không làm được đó chính là phải tăng cường vận động. Việc vận động sẽ giúp hạn chế được những nguy cơ rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, kiểm soát được cân nặng và giảm thiểu nguy cơ đột quỵ", bác sĩ Thắng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, người trẻ cũng cần phải đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nhưng căn bệnh tiềm ẩn như: huyết áp, đái tháo đường… Nếu phát hiện và điều trị sớm sẽ có thể giảm thiểu nguy cơ đột quỵ cũng như các bệnh tim mạch khác.

Theo Ngọc Minh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/giam-doc-dot-quy-o-tuoi-30-bs-nhac-nho-dieu-ai-cung-biet-nhung-hau-het-khong-lam-161211411130620364.htm