Gia đình >> COVID-19 (nCoV)

F0 tái nhiễm Covid-19 sau 4 ngày khỏi bệnh: BS giải thích nguyên nhân, bỏ suy nghĩ 'sớm mắc sớm khỏi'

“Sau lần nhiễm COVID-19 lần thứ nhất, tôi có chút chủ quan vì nghĩ nếu mắc bệnh thì ít nhất phải ngoài ba tháng”, bệnh nhân tái nhiễm COVID-19 sau 4 ngày khỏi bệnh chia sẻ.

Theo VTC, chị Nguyễn Thị Huyên (25 tuổi, quê Chiêm Hóa, Tuyên Quang) là một trường hợp tái nhiễm Covid-19 chỉ trong thời gian ngắn. Ngày 24/2, chị Huyên cùng khoảng 30 nữ công nhân khác xếp hàng trước cổng Khu công nghiệp Visit Tiên Du, Bắc Ninh chờ đến lượt test nhanh Covid-19. Kết quả cho thấy chị nhiễm Covid-19.

Sau hôm đó, chị Huyên cách ly tại phòng trọ 7 ngày. Ngày đầu tiên, chị bị sốt, mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi. Sang ngày thứ 2, chị Huyên bắt đầu ho nhẹ, chóng mặt. Từ ngày thứ ba trở đi, nữ công nhân bị mất vị giác, thiếu ngủ trầm trọng. Mỗi ngày chị chỉ ngủ được khoảng 4-5 tiếng, giấc ngủ thường xuyên bị ngắt quãng khoảng 30 phút/lần. Mỗi khi tỉnh giấc, chị rất khó ngủ ngon trở lại.

Trong thời gian cách ly, điều trị tại nhà này, ngoài uống thuốc theo đơn của bác sĩ, chị Huyên còn xông hơi chanh sả, hạn chế ăn đồ lạnh, không tắm gội khi sốt cao.

Sau đó, các triệu chứng chán ăn, mệt mỏi... dần biến mất. Đến ngày thứ 6, kết quả test nhanh của chị đã âm tính. Khi trở lại công ty làm việc, chị vẫn lấy mẫu kiểm tra và không có biểu hiện gì bất thường.

F0 tái nhiễm Covid-19 sau 4 ngày khỏi bệnh: BS giải thích nguyên nhân, bỏ suy nghĩ 'sớm mắc sớm khỏi'

Tuy nhiên, đến ngày 5/3, chị Huyên test nhanh một lần nữa và có kết quả "2 vạch". Kiểm tra PCR kết quả cũng là dương tính với SARS-CoV-2. Như vậy, chỉ trong 11 ngày, nữ công nhân dương tính với Covid-19 đến 2 lần.

“Sau lần nhiễm COVID-19 lần thứ nhất, tôi có chút chủ quan vì nghĩ nếu mắc bệnh thì ít nhất phải ngoài ba tháng”, Huyên nói. Ở lần tái nhiễm, chị không ho, sốt. Sau 4 ngày điều trị tích cực tại nhà, chị có xét nghiệm âm tính. Chị Huyên cho biết sau lần nhiễm thứ nhất, bản thân có chủ quan vì nghĩ mắc bệnh lại thì ít phải ngoài 3 tháng.

Sau khi tái nhiễm, chị cẩn thận hơn trong giao tiếp, thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn, sau khi tan làm về nhà luôn, không tụ tập ăn uống, hạn chế nói chuyện với đồng nghiệp trong công ty.

Một trường hợp khác cũng được cho là tái nhiễm trong thời gian ngắn là chị Nguyễn Thúy Hằng (SN 1979, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một trường hợp tái nhiễm Covid-19 chỉ trong thời gian ngắn. Ngày 1/2, chị Hằng có triệu chứng nghi ngờ là ho, sốt, mệt mỏi, khó thở... Test nhanh lên "2 vạch". Sau 6 ngày điều trị tại nhà, đến hôm 9/2 thì chị bình phục, có xét nghiệm âm tính và chứng nhận hoàn thành cách ly. Cũng thời gian đó, chị Hằng đã được tiêm 3 liều vắc xin.

Tuy nhiên, chỉ 2 tuần sau, chị tái dương tính với các triệu chứng nhẹ hơn trước. Lần này tuy không mất vị giác nhưng chị bị chán ăn, cơ thể mệt mỏi, hụt hơi, sức khỏe yếu đi trông thấy.

Trao đổi với VietNamNet, BSCKII Nguyễn Thu Hường - Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch Covid-19, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, nhiều người dân đang có tâm lý chủ quan khi cho rằng đã mắc biến thể Omicron sẽ ít có khả năng tái nhiễm.

Hiện tại, cũng có trường hợp trong gia đình có nhiều F0, người còn lại  là F1 cố tình “thả” để nhiễm với tâm lý “trước sau cũng mắc Covid-19, nếu mắc chủng mới Omicron rồi sẽ không mắc lại”. Nhưng theo bác sĩ Hường: “Đây là quan điểm hết sức sai lầm”.

“Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận khoảng hơn 10 trường hợp tái nhiễm. Bệnh nhân có thể tái nhiễm trong vòng 1 tháng, cá biệt có trường hợp chỉ 15 ngày sau, bệnh nhân đã tái nhiễm”, bác sĩ Hường nói.

F0 tái nhiễm Covid-19 sau 4 ngày khỏi bệnh: BS giải thích nguyên nhân, bỏ suy nghĩ 'sớm mắc sớm khỏi' - 1

Bác sĩ Hường cho biết thêm, tái nhiễm có 2 trường hợp, có thể bệnh nhân trước đó nhiễm chủng Delta sau đó được tiêm vắc xin sinh ra tâm lý chủ quan. Nhưng người này lại tiếp tục tái nhiễm với chủng mới - Omicron.

Trường hợp thứ 2, người dân đã nhiễm chủng Omicron nhưng vẫn tái nhiễm Omicron nhưng với nhánh khác. Omicron gồm 3 nhánh BA.1, BA.2, BA.3, chủng gốc BA.1 đã lan rộng trên toàn thế giới từ tháng 11/2021. Tới nay, chủng BA.2 đã dần thay thế, trở thành biến thể chiếm ưu thế ở nhiều nước. Người từng nhiễm chủng ban đầu của Omicron, BA.1, sau đó có thể nhiễm tiếp chủng BA.2.

“Xu hướng nhiễm lần 2 thường nặng hơn. Bên cạnh đó, dù Omicron biểu hiện thường không nặng như chủng Delta nhưng thời gian tái nhiễm càng ngắn sẽ làm bệnh nhân mệt mỏi, kéo theo đó thời gian hậu Covid-19 dài hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể”, bác sĩ Hường phân tích.

Cũng trao đổi vấn đề này với VTC, theo ThS BSKII Nguyễn Thu Hường, sau khi kết quả âm tính nhiều người cho rằng bản thân đã khỏi bệnh nhưng điều này không đúng. Theo yêu cầu của Bộ Y tế, bệnh nhân sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính vẫn phải tuân thủ 5K, theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. Thực tế có người test nhanh âm tính nhưng chỉ một tuần sau lại dương tính.

Nguyên nhân, bác sĩ Hường dẫn nghiên cứu gần đây cho thấy, bệnh nhân âm tính vẫn chưa đào thải hết virus ra khỏi cơ thể mà vẫn còn trong người. Nhưng vì nồng độ virus quá thấp nên khi thực hiện test nhanh không thể phát hiện ra. Do vậy, nếu người bệnh chủ quan, không theo dõi sức khỏe hoặc không tăng cường sức đề kháng và lắng nghe cơ thể mình thì những virus đó có thể tiếp tục nhân lên, gây ra tình trạng tái dương tính. Khi tái dương tính bệnh nhân vẫn có thể có những triệu chứng như lúc mắc COVID-19 trước đó.

Tái nhiễm, tái dương tính đều để lại những nguy cơ khó lường đối với bệnh nhân như các huyết khối, phổi, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, tổn thương não, chậm chạp về mặt tư duy, nhận thức; các bệnh lý hô hấp kéo dài có thể gặp di chứng xơ phổi, viêm phổi kẽ, kể cả ở người trẻ không có bệnh lý nền… 

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/f0-tai-nhiem-covid-19-sau-4-ngay-khoi-benh-bs-giai-thich-nguyen-nhan-bo-suy-nghi-som-mac-som-khoi-tintuc815432