Gia đình

Dự tiệc công ty về, người đàn ông 45 tuổi bất động, không thể nói được vì căn bệnh vô cùng nguy hiểm

Khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu, tay và chân phải người đàn ông đã không thể cử động, người lơ ngơ, không nói được và tính mạng bị đe dọa.

Đó là trường hợp của anh T.V.H. (45 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Sau khi đi dự tiệc của công ty, anh H. về tới nhà thì thấy tay và chân phải bỗng nhiên không thể cử động, người lơ ngơ, không nói được.

Phát hiện sự việc, người nhà nhanh chóng đưa anh đến bệnh viện (BV) cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán anh H. bị đột quỵ cấp và được triển khai ngay quy trình báo động đột quỵ.

Dự tiệc công ty về, người đàn ông 45 tuổi bất động, không thể nói được vì căn bệnh vô cùng nguy hiểm
Ekip can thiệp thần kinh cấp cứu đột quỵ.

Bệnh nhân được đội cấp cứu đột quỵ Trung tâm Khoa học thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) khẩn trương khám đánh giá, xét nghiệm, chụp cắt lớp sọ não. 

Chỉ trong vòng 15 phút từ khi được đưa đến BV, anh H. đã được tiêm thuốc thông mạch. Kết quả chụp mạch máu ngay lúc đó cho thấy bệnh nhân bị tắc một mạch máu lớn lên não, có chỉ định rút huyết khối.

Đội cấp cứu can thiệp mạch được huy động để tiến hành chụp mạch máu và lấy cục máu đông đang làm tắc mạch máu.

Sau thủ thuật, các mạch máu não của anh H. được thông suốt hoàn toàn. Bệnh nhân có thể nói chuyện bình thường, chân tay anh đã cử động được nhưng còn hơi yếu.

Ngày hôm sau, anh H. hồi phục hoàn toàn và được xuất viện sau khi được xác định rõ nguyên nhân và lên kế hoạch điều tận gốc.

Dự tiệc công ty về, người đàn ông 45 tuổi bất động, không thể nói được vì căn bệnh vô cùng nguy hiểm - 1
Bác sĩ đánh giá hình chụp cắt lớp người bệnh.

TS.BS. Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh của BV chia sẻ, người bệnh đột quỵ nếu được cấp cứu kịp thời trong "thời gian vàng" (6 giờ đầu kể từ khi phát bệnh) thì cơ hội phục hồi trở lại chất lượng cuộc sống như trước rất cao.

Mỗi phút, mỗi giây trong cấp cứu đột quỵ đều rất đáng quý vì nó ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống sau này của người bệnh.

Với mong muốn người bệnh đột quỵ được cấp cứu kịp thời, Trung tâm đã bố trí Đội cấp cứu đột quỵ và can thiệp nội mạch được huấn luyện và đào tạo bài bản thường trực sẵn sàng 24/7.

Mỗi năm tiếp nhận đến hơn 1.600 ca đột quỵ, Đơn vị đột quỵ đã phấn đấu đạt tỉ lệ điều trị thông mạch là 10%.

Dự tiệc công ty về, người đàn ông 45 tuổi bất động, không thể nói được vì căn bệnh vô cùng nguy hiểm - 2
Bác sĩ theo dõi diện sinh lý thần kinh bệnh nhân qua hệ thống máy.

Đồng thời rút ngắn tổng thời gian từ lúc người bệnh vào khoa Cấp cứu cho tới khi hoàn tất mọi việc và tiêm thuốc tan cục máu (gọi là thời gian cửa – kim) trung bình chỉ còn 28 phút (so với yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới là dưới 60 phút) để giúp cứu sống nhiều người bệnh, đưa họ trở lại với cuộc sống bình thường.

Với những nỗ lực trong cấp cứu, điều trị cho người bệnh đột quỵ, Đơn vị đột quỵ của Trung tâm Khoa học Thần kinh BV ĐHYD đã được nhận Chứng nhận Vàng trong điều trị đột quỵ của Tổ chức đột quỵ châu Âu ESO và Tổ chức đột quỵ thế giới WSO (năm 2019).

Thành lập vào năm 2018, Trung tâm Khoa học Thần kinh BV ĐHYD bao gồm Khoa Thần kinh, Khoa Ngoại Thần kinh, Đơn vị Can thiệp nội mạch thần kinh và các đơn vị chuyên sâu trực thuộc các khoa gồm: Đơn vị Đột quỵ, Đơn vị Rối loạn vận động, Đơn vị Trí nhớ và Sa sút trí tuệ, Đơn vị Hồi sức Ngoại Thần kinh, Đơn vị Điều trị đau mạn tính, Đơn vị Tâm lý lâm sàng.

Hằng năm, Trung tâm tiếp nhận tổng cộng hơn 150.000 lượt người bệnh đến khám, điều trị nội trú cho hơn 2.300 ca ở khoa Ngoại Thần kinh, hơn 3.600 ca ở khoa Thần kinh.

Trung tâm điều trị hầu như tất cả các mặt bệnh trong chuyên ngành thần kinh như: đột quỵ, động kinh, bệnh Parkinson, đau đầu, chóng mặt, bệnh tuỷ và bệnh thần kinh ngoại biên, u não tuỷ, chấn thương sọ não, nhiễm trùng thần kinh, dị dạng thần kinh, dị dạng hoặc rò mạch máu não…

Theo Hoàng Lê (Báo Dân Sinh)




http://baodansinh.vn/du-tiec-cong-ty-ve-nguoi-dan-ong-45-tuoi-bat-dong-vi-can-benh-vo-cung-nguy-hiem-222020222223044958.htm